Thứ 5, 05/12/2024, 09:29[GMT+7]

Khó khăn trong xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Thứ 5, 25/05/2023 | 09:30:21
4,872 lượt xem
Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tập trung có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vì nhiều vướng mắc, đến nay số cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất ít và hoạt động cầm chừng, gây khó khăn trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm.

Là tỉnh có thế mạnh phát triển chăn nuôi nên nhu cầu xây dựng cơ sở giết mổ tập trung rất lớn.

Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung “thoi thóp”

Đầu tư hàng trăm triệu đồng cho cơ sở hạ tầng, cơ sở giết mổ tập trung của ông Nguyễn Văn Nhượng, xã Minh Tân (Hưng Hà) được xây dựng khá bài bản, chia thành các khu riêng biệt phục vụ công tác giết mổ đúng quy trình và bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo tính toán ban đầu, với công suất từ 70 - 100 con lợn/ngày đêm, cơ sở sẽ đáp ứng nhu cầu cho xã Minh Tân và các bếp ăn tập thể của trường học, doanh nghiệp quanh vùng. Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào hoạt động, những gì ghi nhận được là cảnh đìu hiu, cơ sở vật chất dần xuống cấp, khác biệt hẳn với không khí rôm rả, đông đúc tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ diễn ra hàng đêm.

Ông Nhượng cho biết: Năm 2018, tôi được ngành nông nghiệp, dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LifSap) hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung với đầy đủ chứng nhận về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thời gian đầu hoạt động, mỗi ngày chúng tôi giết mổ được 15 - 20 con lợn. Tuy nhiên, càng về sau càng “kém duyên” và hiện mỗi ngày chỉ giết mổ từ 1 - 2 con lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhỏ lẻ của người dân trên địa bàn. Cơ sở áp dụng quy trình giết mổ theo liên kết từ trang trại tới giết mổ, pha lọc, đóng gói, bảo quản, vận chuyển... đều bảo đảm đúng quy định của ngành chuyên môn. Tuy nhiên, sản phẩm giết mổ không cạnh tranh được về giá với các cơ sở nhỏ lẻ. “Bỏ thì thương, vương thì tội”, tôi phải tận dụng mặt bằng để chuyển hướng kinh doanh các lĩnh vực khác nhằm “lấy đầu cá vá đầu tôm”.

Thái Bình từng là địa phương có hoạt động giết mổ phát triển. Từ những năm 1980, tỉnh đã có 5 cơ sở giết mổ tập trung để xuất khẩu sản phẩm lợn sữa và thịt lợn mảnh xuất sang Liên bang Nga, Hồng Kông, Đài Loan... Nhưng đến nay, các cơ sở này đã bị đóng cửa hoặc hoạt động rất cầm chừng. Ngoài khó khăn chung về thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp chưa tìm kiếm thị trường mới hoặc thị trường nội địa (siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể...) thì sản lượng tiêu thụ rất ít, làm ăn không hiệu quả.

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở giết mổ tập trung đang hoạt động được Chi cục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các cơ sở này đều được đầu tư bài bản, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; có hệ thống kho lạnh bảo quản thực phẩm sau giết mổ. Chi cục đã bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát và thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định. Tuy nhiên, kết quả hoạt động giết mổ rất hạn chế, số GSGC đưa vào giết mổ có kiểm soát giết mổ không nhiều, tất cả các cơ sở đều chưa hoạt động đủ quy mô và công suất do không có thị trường tiêu thụ sản phẩm sau giết mổ.

Cái khó... bó cái khôn

Số điểm giết mổ nhỏ lẻ tại Thái Bình cũng giống nhiều tỉnh, thành trong cả nước hiện còn lớn, với khoảng 1.700 điểm. Giết mổ là một nghề đặc thù, có cả việc cha truyền con nối và đem lại sinh kế cho nhiều gia đình. Người tiêu dùng có thói quen sử dụng thịt tươi hàng ngày, cùng với khả năng kinh tế, mức thu nhập của đại đa số người dân trong tỉnh nên giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại, gây khó khăn trong việc di dời các cơ sở, hộ giết mổ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư. 

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc giết mổ GSGC tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, hoạt động giết mổ được thực hiện dưới nền nhà, nền sân, ở các địa điểm được tận dụng trong khuôn viên gia đình với diện tích chật hẹp; xây dựng, thiết kế điểm giết mổ không đồng bộ; chất thải, nước thải chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm. Người giết mổ GSGC chưa được đào tạo, tập huấn kiến thức và hiểu biết về vệ sinh, an toàn thực phẩm, chưa có ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, chưa ý thức được tầm quan trọng của vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thực tế kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại các điểm giết mổ này cho thấy, các chỉ tiêu vi sinh vật gây ô nhiễm đều vượt quá mức cho phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tổ chức quy hoạch và thực hiện quản lý kiểm soát giết mổ GSGC để bảo đảm an toàn thực phẩm chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe của người dân. Năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt đề án quy hoạch và quản lý giết mổ GSGC trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2025 toàn tỉnh phấn đấu di dời 90% số điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ trong khu dân cư vào các cơ sở tập trung giết mổ và cơ sở giết mổ tập trung đã được xây dựng; quản lý và thực hiện kiểm soát giết mổ 100% lượng sản phẩm GSGC tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh.

Ngay sau khi đề án được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương đề xuất cơ chế chính sách để xây dựng một cơ sở giết mổ tập trung cung cấp nhu cầu thực phẩm cho thành phố Thái Bình, mỗi huyện thí điểm quy hoạch và quản lý giết mổ tại ít nhất một xã. Tuy nhiên, đến nay các địa phương vẫn chưa chỉ ra được quỹ đất dành cho giết mổ tập trung để kêu gọi các đơn vị nghiên cứu đầu tư xây dựng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của cơ sở giết mổ tập trung không có, doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu thực phẩm do giá thành sản xuất cao hơn các nước...

Các cơ sở giết mổ GSGC tập trung sẽ đóng vai trò như một “giám sát viên”, bảo đảm nghiêm túc quy trình an toàn thực phẩm từ khâu chăn nuôi cho tới khâu chế biến. Làm tốt công tác giết mổ tập trung là chìa khóa để nâng cao chất lượng đàn vật nuôi theo hướng “tự giác từ gốc” của các hộ chăn nuôi; đồng thời, đây cũng là tiền đề để xây dựng chuỗi chế biến sạch, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong khi chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư cần có giải pháp tăng cường quản lý, kiểm tra cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cũng như “mạnh tay” đóng cửa những cơ sở không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; có cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ tập trung.

Cơ sở giết mổ tập trung của ông Nguyễn Văn Nhượng, xã Minh Tân (Hưng Hà) hiện duy trì giết mổ 1 - 2 con lợn/ngày.


Ngân Huyền