Thứ 4, 24/04/2024, 20:43[GMT+7]

Dệt may trên đất lúa (Kỳ 2)

Thứ 2, 04/06/2018 | 09:09:48
3,502 lượt xem
Công nghiệp dệt may ở Thái Bình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các doanh nghiệp dệt may của Thái Bình sẽ bị ảnh hưởng lớn trước những thách thức về công nghệ cũng như việc làm của người lao động.

Nhiều đơn vị vẫn thực hiện cắt thủ công do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp.

Kỳ 2: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng lớn có thể kể đến như ngành may mặc, điện tử... Đây vốn lại là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh, thu hút hàng chục nghìn lao động nên chắc chắn sẽ gặp thách thức khi tự động hóa ngày càng gia tăng. Xu hướng phát triển của CMCN 4.0 là sử dụng robot và hệ thống thiết bị tự động hóa thay thế sức lao động của con người nên việc sử dụng nguồn lao động tại chỗ bằng tay nghề sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh. Mặt khác ở các nước phát triển với nguồn lực tài chính mạnh mẽ sẽ vận dụng và khai thác CMCN 4.0 trong sản xuất, kinh doanh ở ngành dệt may thì nguy cơ ngành dệt may sẽ chuyển ngược lại về các nước phát triển như Hàn Quốc, Mỹ, EU. Đây chính là cuộc chiến giữa con người và máy móc song nhìn chung ở góc độ quản lý nhà nước và doanh nghiệp hiện nay vẫn còn rất thờ ơ.

Chị Nguyễn Thị Diễm, xã Bắc Sơn (Hưng Hà) chia sẻ: Vợ chồng tôi cùng làm công nhân ở nhà máy may Đô Lương thuộc Tổng công ty Đức Giang với thu nhập ổn định khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Với đồng lương này cộng với cấy gần mẫu lúa, chăn nuôi thêm ở nhà là vợ chồng tôi đã có cuộc sống dư giả. Tuy nhiên, nếu cuộc CMCN 4.0 phát triển mạnh tới một lúc nào đó không còn các nhà máy may ở vùng quê hoặc các công ty không còn cần tới tay nghề người lao động thì chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào, dựa vào đâu để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.

Điều lo lắng trên của công nhân là hoàn toàn có cơ sở bởi đơn cử như trước đây khi chưa áp dụng các loại máy móc điện tử hiện đại vào sản xuất thì 1 chuyền may có thể phải mất 6 người làm công đoạn dải vải hoặc cắt, bổ túi, dán túi, đính cúc, thùa khuyết thì nay 2 chuyền may chỉ cần 3 người làm những việc đó. Hay trong lĩnh vực dệt sợi, nhiều công đoạn tự động hóa ở một số nhà máy trên địa bàn tỉnh đã có số công nhân giảm đi nhiều so với trước đó. 

Đơn cử như ở Công ty Cổ phần Damsan khi năm 2006 đầu tư nhà máy 1 có quy mô 3 vạn cọc sợi đã tuyển hơn 200 lao động vào làm nhưng nhà máy 3 được đầu tư cách đây hơn 1 năm quy mô 4 vạn cọc sợi thì số lượng công nhân cũng chỉ cần bằng nhà máy 1 nhưng lại sản xuất được 550 tấn sợi, cao hơn 200 tấn so với nhà máy 1. Như vậy, tính tự động của nhà máy sau cao hơn nhà máy trước, năng suất cao hơn và tiêu thụ điện năng thấp hơn khoảng 10%. Theo giải thích của lãnh đạo đơn vị này thì không thể cứ nói đến CMCN 4.0 là áp dụng ngay được mà việc đầu tư theo hướng hiện đại không phải vì các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mà cái chính là vì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tức là đầu tư nhà máy ở giai đoạn nào thì phải đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại nhất giai đoạn đó để phù hợp với sản xuất.

Thực tế trong các doanh nghiệp may lớn hiện nay đều áp dụng máy móc vào nhiều công đoạn thay thế hoàn toàn con người như dải vải, cắt, bổ túi, dán túi, đính cúc. 

Ông Trần Trọng Kim, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Giám đốc Xí nghiệp May Thái Hà cho rằng: Việc phát triển công nghiệp 4.0 là tất yếu của xã hội, tuy nhiên nếu các doanh nghiệp đầu tư ào ạt cùng một lúc sẽ gặp rất nhiều cái khó, trong đó đầu tiên là về tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh và chưa có đội ngũ để quản trị các thiết bị. 

Lập trình máy cắt tự động trên hệ thống máy tính ở Xí nghiệp Veston Hưng Hà.

Việc áp dụng các thiết bị tự động hóa vào sản xuất là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp song người lao động sẽ đi đâu, làm gì thì vẫn là bài toán chung đối với các doanh nghiệp. Mặt khác, các chuyên gia còn cho rằng đến một lúc nào đó khách hàng có thể tự xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền tại đất nước họ để không phải chi phí về vấn đề nhân công, đi lại vận chuyển, mặc dù không phải là vấn đề lớn đối với May 10 vì hiện tại công ty có trên 20 khách hàng ổn định song cũng là điều không khỏi băn khoăn. Vì thế, May 10 đã lên chủ trương đầu tư xây dựng và tạo ra mô hình sản xuất thí điểm tự động ở chuyền veston, sơ mi, quần để trên cơ sở đó nghiên cứu đánh giá hiệu quả để có kế hoạch đầu tư lâu dài.

Ông Bùi Văn Duyệt, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đông Hưng

Hiện nay ngành may công nghiệp phát triển ở hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động của địa phương. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đã chú trọng tới CMCN 4.0, ứng dụng trong lĩnh vực quản lý và sản xuất. Tuy nhiên, việc tiếp cận với CMCN 4.0 trong các doanh nghiệp chưa đồng đều do vốn đầu tư và quy mô sản xuất còn hạn chế. Mặt khác, công tác tuyên truyền về CMCN 4.0 thực chất còn yếu, nhất là việc tuyên truyền trong góc độ quản lý còn hạn chế. Vì thế, những doanh nghiệp đã quan tâm đến CMCN 4.0 thực chất là do xuất phát từ chính nhu cầu đầu tư của họ chứ không hề có tác động trong công tác tuyên truyền, quản lý của nhà nước.
Anh Nguyễn Thiên Huy, quản đốc nhà máy sợi Eiffel, Công ty Cổ phần Damsan

Ngay từ khi thành lập, lãnh đạo Công ty đã rất chú trọng tới công tác đào tạo, quản lý cũng như áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào nhà máy. Do đó, chỉ sau 1 tháng hoạt động nhà máy đã chạy công suất tối đa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động vận hành một cách hợp lý và hiệu quả. Nếu một nhà máy sản xuất 4 vạn cọc sợi trước đây sử dụng từ 320 - 350 lao động thì nhà máy sợi Eiffel chỉ cần 230 lao động. Công ty đã áp dụng thành công chương trình 5S của Nhật Bản vào sản xuất cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc quản lý nên việc điều hành sản xuất trong nhà máy rất rõ ràng, hợp lý và hiệu quả.
Anh Bùi Xuân Quyết, công nhân Xí nghiệp Veston Hưng Hà

Đến nay tôi đã vào làm ở Xí nghiệp được gần 5 năm với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Mặc dù làm rất nhiều việc cùng một lúc nhưng không hề vất vả bởi có máy móc tự động hỗ trợ. Hiện tại tôi đang làm 3 việc cùng lúc như chạy dây bát xăng, can cuốn ống, chạy cuốn lót cạp bằng cữ. Nhờ được học qua các lớp đào tạo và cán bộ quản lý trực tiếp hướng dẫn theo yêu cầu kỹ thuật chuẩn của khách hàng nên tôi đã sử dụng thành thạo những thiết bị này. Nếu như trước đây chưa có hệ thống máy móc tự động thì phải cần ít nhất 3 người làm những việc đó.    

(còn nữa)

Thu Thủy