Thứ 6, 17/05/2024, 14:57[GMT+7]

Khoa học và công nghệ: Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 4, 14/02/2024 | 07:40:20
1,981 lượt xem
Khoa học và công nghệ (KH và CN) là động lực, nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại Thái Bình, những năm qua, hoạt động KH và CN đã tạo được nhiều dấu ấn tích cực, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lễ ký kết hợp đồng thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Những kết quả nổi bật

Với mục tiêu xây dựng, phát triển nền KH và CN tỉnh Thái Bình tiên tiến, hiện đại, ngành KH và CN đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng phát triển KH và CN, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã triển khai 99 nhiệm vụ KH và CN phục vụ các định hướng trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ quá trình triển khai bài bản từ khâu chọn lựa tới thẩm định đề tài, các nhiệm vụ KH và CN đã đi vào chiều sâu, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết trong sản xuất và đời sống. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ đạt hiệu quả trong nghiên cứu, thực nghiệm được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Nổi bật, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngành đã khảo nghiệm, tuyển chọn trên 200 giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, đưa vào sản xuất, phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Trong chăn nuôi, đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng KH và CN cơ cấu lại giống vật nuôi, góp phần hạn chế dịch bệnh, đưa tỷ trọng chăn nuôi ngày một tăng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình được nông dân trong vùng đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và môi trường như mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học xử lý chất thải, mô hình đưa các giống gia súc, gia cầm mới, giống lai vào sản xuất, mô hình chăn nuôi áp dụng quy trình an toàn sinh học, VietGAHP, an toàn dịch bệnh...

Trong xây dựng nông thôn mới, nhờ áp dụng công nghệ số, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP được lan tỏa, tiếp cận nhanh hơn đến người tiêu dùng. Doanh số bán hàng tăng từ 20 - 30%; trong đó, doanh thu bán hàng qua giao dịch điện tử chiếm khoảng 30%, tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực phát triển sản xuất trong nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 112 sản phẩm OCOP (48 sản phẩm 4 sao, 64 sản phẩm 3 sao) với 67 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP.

Trong lĩnh vực y tế, KH và CN đã có những đóng góp tích cực trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng, qua đó nâng cao năng lực khám chữa bệnh, chẩn đoán và điều trị. Hiện tại, 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã triển khai việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip.

Với mục tiêu trên 90% các sản phẩm KH và CN, sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của tỉnh được giới thiệu, quảng bá và giao dịch, đầu năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã khai trương trưng bày, giới thiệu, giao dịch sản phẩm OCOP, sản phẩm khoa học công nghệ và sản phẩm chủ lực tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình. Đây là mô hình sàn giao dịch công nghệ và thiết bị đầu tiên trên toàn quốc có gắn với sản phẩm KH và CN, sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hoạt động của sàn gồm 2 hình thức: sàn trực tiếp (sàn thực) và sàn trực tuyến (sàn ảo). Hiện có hơn 40 tổ chức, đơn vị có sản phẩm trưng bày tại sàn thực với hơn 400 loại sản phẩm; 260 sản phẩm được quảng bá, giao dịch trên sàn ảo.

Để khoa học và công nghệ là động lực phát triển

Có được những kết quả trên, ngành KH và CN đã bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, huyện, thành phố trong triển khai thực hiện các hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, quy định, quy chế trong lĩnh vực KH và CN; tập trung xây dựng các kế hoạch, giải pháp thực hiện các mục tiêu KH và CN. Đặc biệt, công tác triển khai các nhiệm vụ KH và CN đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, chú trọng đến tính ứng dụng, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý các nhiệm vụ KH và CN cấp tỉnh. Qua đó đã từng bước giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý các nhiệm vụ KH và CN và đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, Sở cũng triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển KH và CN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: hiệu quả của các đề tài, dự án chưa thực sự mang lại đột phá, thúc đẩy sự phát triển như kỳ vọng; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển KH và CN còn thiếu đồng bộ, linh hoạt...

Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và khắc phục một số hạn chế, đưa KH và CN thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KH và CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đổi mới cơ chế tổ chức quản lý các chương trình, đề tài, dự án KH và CN theo hướng ưu tiên, tập trung vào các lĩnh vực KH và CN có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhanh chóng đưa các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực công nghệ; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tiếp thu, làm chủ công nghệ mới. Tăng cường đào tạo, thu hút cán bộ KH và CN có trình độ cao. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KH và CN. Tăng cường quảng bá và khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn tham gia sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình và của các tỉnh, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới, hiện đại, đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu, cải tiến công nghệ ở các doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của đề án phát triển KH và CN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Một số sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình.

Thu Hoài

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày