Thứ 3, 30/07/2024, 05:22[GMT+7]

Người cắm cờ dinh độc lập trong cuộc sống đời thường

Thứ 2, 30/08/2010 | 10:06:09
756 lượt xem
Từ thành phố Thái Bình xuôi theo quốc lộ 39 gần 40km về phía huyện Thái Thụy thì đến chợ Bàng, xã Thụy Xuân, quê hương của Đại tá Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập trong Ngày chiến thắng 30/4/1975.

Đại tá Bùi Quang Thận chăm sóc đàn cá vược tại quê nhà xã Thụy Xuân (Thái Thụy) Ảnh: Vũ Kiểm

Tuy cùng đồng hương huyện nhưng hẹn hò mãi anh mới bố trí gặp nhau được tại nhà riêng. Anh Thận sinh năm 1948, năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng dáng vẻ vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Lần trước gặp anh cách đây hơn chục năm, nay chúng tôi mới có dịp trở lại.

Anh vốn là con người của công việc cho nên lúc ban đầu về nghỉ hưu tại quê không khỏi cảm thấy ngày dài quá thể vì chẳng có công việc gì để làm. Sau một thời gian về quê nghỉ ngơi, dành thời gian thăm hỏi bạn bè và người thân, đầu những năm 2000 thì anh Thận bắt đầu mở cửa hàng bán ga và bình ga rồi đến bán xe đạp Nhật tại gia đình.

Bây giờ chiến tranh và bom đạn lùi xa, anh đã quen dần với cuộc sống mới ở cái làng quê thân thiết năm xưa. Trong những ngày tháng 4 năm nay, gia đình anh khá bận rộn. Khi chúng tôi đến, anh thông báo luôn là ngày 14/4 sắp tới, vợ chồng anh được ban giám đốc Dinh Thống Nhất mời vào dự lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, đầu tháng 5/2010 mới về.

Sau Tết Canh Dần vừa qua, anh Thận cũng được Hội đồng hương người Thái Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh mời vào họp mặt. Đi dự thì vui vì được gặp lại bạn bè, bạn chiến đấu cũ và thăm lại những chiến trường năm xưa mình đã đi qua, nhưng lại nhớ công việc chăm sóc đàn cá ở nhà. Anh bảo “mấy năm nay quen với đàn cá rồi, ngày nào không ra đầm, không được hít thở cái không khí mặn mòi của biển và nhất là không nhìn thấy đàn cá nhao lên mặt nước đớp mồi là không chịu nổi”.

Anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi cùng đi với tôi sốt ruột đề nghị:
- Lát nữa anh Thận kể lại tỷ mỷ cho em nghe chuyện vào Dinh Độc Lập cắm cờ của anh ngày 30/4/1975 nhé. Thật sự là nghe về anh nhiều, bây giờ mới may mắn có dịp gặp mặt.

Tôi thấy anh Thận hình như không để ý lắm đến lời đề nghị ấy, liền nói sang chuyện khác. Hôm nay, chị Đót vợ anh vắng nhà cho nên vừa chuẩn bị những công việc cần thiết trong gia đình vừa rót nước mời khách anh Thận nói:

- Thời gian trôi đi nhanh quá. Cứ vào những ngày tháng 4 hàng năm là trong tôi lại xốn xang một tình cảm đặc biệt. Đã 35 năm rồi mà tôi vẫn không thể quên được những giờ phút lịch sử khi leo lên nóc tòa Dinh Độc Lập để cắm cờ. Tất nhiên, việc cắm cờ trong ngày 30/4/1975 nếu tôi không làm thì đã có đồng đội, đồng bào khác sẽ làm. Tôi thật sự cảm ơn lịch sử đã tặng tôi một cơ hội được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào thắng lợi chung của dân tộc.

Nhớ đến ngày vui, tôi cũng không thể không nhớ đến những đồng đội cùng chiến đấu đã hy sinh, không có mặt trong ngày vui của đất nước. Nhưng mà thôi, chuyện cũ nói thế đủ rồi. Bây giờ mời các anh ra xem đầm cá với tôi nhé.

Chẳng là từ vài năm nay, anh bỏ việc bán xe đạp và đổi sang làm đầm ngoài bãi biển để nuôi cá vược và tôm cua. Thu nhập chắc là hứa hẹn nhiều vì thấy anh vui thích với công việc này lắm. Vẫn bộ quần áo xuềnh xoàng như một nông dân thực thụ, anh Thận phóng xe máy vèo vèo ra ngoài đầm nuôi cá. Trên xe lúc lắc một xô 5-6 kg cá con mang ra làm mồi cho hàng trăm con cá vược đang độ lớn. Từ nhà anh ra đầm cá xa gần một cây số, trời mưa đường trơn và nhỏ hẹp nhưng không ngày nào anh bỏ bê việc cho cá ăn, đến khi nhập nhoạng tối mới về.

Thụy Xuân quê anh vốn là xã ven biển, trước đây chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản, nhưng vài chục năm gần đây biển lùi dần ra xa, nhường lại cho địa phương một vùng bãi rộng lớn có thể làm đầm nuôi trồng thủy, hải sản. Năm 2007, anh Thận mua năm sào ruộng làm muối ở thôn Phấn Vũ, rồi đầu tư khoảng 50 triệu đồng thuê người đào ao, xây kè đắp bờ, thu vớt rong rêu và mua cá con về thả.

Hàng năm cứ vào dịp cuối năm là anh tập trung bán cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 850 đến 1000 kg cá vược. Cứ có cá dưới ao là người mua từ khắp nơi mang lưới đến đánh bắt, cân đong tại bờ và trả tiền ngay, vừa không tốn sức vừa không mất thời gian như bán các loại sản phẩm khác. Ngày nào anh Thận cũng phải ra đầm cho cá ăn một lần.

Tôi nhìn dáng anh cho cá ăn có vẻ thuần thục lắm. Một tay anh cầm con dao, tay kia cầm mảnh gỗ, anh gõ con dao vào mảnh gỗ tạo nên âm thanh gọi cá vào. Lập tức, từng đàn cá vược cuồn cuộn lao lên mặt nước tranh nhau đớp mồi là những mẩu cá con anh ném xuống. Anh bảo trừ chi phí mỗi năm cũng còn lãi được 30-40 triệu đồng.

Về Thụy Xuân hôm nay, ai cũng dễ nhận ra là mức sống của người dân đã được nâng cao hơn trước. Trong các ngõ xóm, đường giao thông đều được mở rộng và láng nhựa hoặc bê tông hóa, không còn cảnh lầy lội. Hầu hết mọi gia đình đều có nhà xây kiên cố chống chọi được với gió bão và sóng lớn của vùng biển. Hai nghề sản xuất chính của nhân dân địa phương là đánh bắt nuôi trồng hải sản và trồng thuốc lào, năm sau có thu nhập cao hơn năm trước.

Tôi hỏi anh Thận:
- Cuộc sống hiện nay của gia đình anh ra sao?
- Nói chung về kinh tế không có điều gì phải lo lắng, con cái đã trưởng thành cả. Vài năm nay làm đầm nuôi cua, cá nhưng tôi không phải vay mượn ngân hàng. Trái lại, mỗi năm có dư dật chút ít, thành thử cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Thật sự tôi làm đầm nuôi cá chủ yếu để cho vui chứ không phải làm kinh tế, cho nên thanh thản lắm. Mình là thành viên của các hội như cựu chiến binh, hội nông dân, suốt ngày bận với công việc ngoài đầm bãi nên chẳng có lúc nào mà “nhàn cư vi bất thiện” cả.

Chuyện đời thường của người cắm cờ tại Dinh Độc Lập cách đây 35 năm, bây giờ là vậy.
                                                                                       Vũ Kiểm

  • Từ khóa