Thứ 3, 30/07/2024, 05:27[GMT+7]

Người nữ quản giáo hết mình vì công việc

Thứ 4, 11/08/2010 | 10:39:48
660 lượt xem
Một chiều tháng 7, cái nắng như thiêu đốt, được sự đồng ý của Ban giám thị Trại tạm giam công an Thái Bình, tôi vào trại tìm gặp nữ quản giáo Nguyễn Thị Hồng Diên. Tại kiên nữ đang giờ điểm danh, Đại úy Diên trong bộ quân phục bạc màu ướt đẫm mồ hôi, lần lượt mở cửa từng cánh cửa buồng giam, kiểm danh họ, tên từng can phạm.

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Diên. Ảnh: Thu Hà

Nhà giam nữ trung bình có 50 can, phạm nhân, nhưng chỉ có 2 quản giáo, vì thế mà cường độ công việc và thời gian lao động của các nữ quản giáo ở đây hết sức căng thẳng. Đã hơn chục năm được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục các can, phạm nhân, công việc của nữ quản giáo Nguyễn Thị Hồng Diên cứ tuần tự diễn ra, ngày nào cũng vậy, 2 chị em xoay vòng ứng trực trong 3 ca từ 7 h sáng đến 22 giờ đêm.

Từ bữa ăn, giấc ngủ đến sức khoẻ của các can phạm đều được các quản giáo quan tâm chăm lo. Để giáo dục, cảm hoá được các can phạm nhân với đủ thành phần lứa tuổi và trình độ nhận thức khác nhau, ngay từ khi tiếp nhận, chị Diên phải tìm tòi nghiên cứu hồ sơ, nắm chắc lai lịch, nhân thân của từng người. Đồng thời giành thời gian gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm và những diễn biến tư tưởng của các can phạm nhân, động viên chia sẻ, khơi dậy tính bản thiện trong mỗi con người lầm đường lạc lối,  không phân biệt họ là ai, ngay cả những đối tượng đã bị nhiễm HIV/AIDS chị cũng không quản ngại.

Chị Diên say sưa kể về các can, phạm nhân mà chị từng gắn bó đã để lại nhiều tình cảm và kỷ niệm sâu sắc.

Còn nhớ hôm đó vào chiều 9-5, gần hết ca trực chiều, chị được lệnh của cấp trên do Thượng tá Phan Cao Sơn - Phó giám thị trại giam trực tiếp truyền đạt ý kiến của Ban Giám đốc: Tiếp nhận và quản lý đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng vào trại thật an toàn đó là Trần Thị Xuyến, sinh năm 1980 ở thôn Tân Dân, xã Hòa Bình huyện Hưng Hà. Xuyến đã tự tay đẩy 2 đứa con  mình xuống sông. Hai cháu bé, một cháu 9 tuổi và một cháu tám tháng tuổi đã bỏ mạng dưới dòng nước chảy xiết chỉ vì sự ghen tuông mù quáng của người mẹ. Khi bắt giữ Xuyến, Công an huyện Hưng Hà phải thường xuyên có 5 cán bộ giữ  chân, tay Xuyến, phải khó khăn lắm họ mới đưa được Xuyến lên trại tạm giam.

Sau khi bàn bạc thảo luận phương án giam giữ, Ban Giám thị yêu cầu chị tiếp tục ở lại trực ca tối cùng đội công tác trông coi Xuyến không để đối tượng vật vã, tự thương, tự sát, dẫn đến suy nhược thần kinh không đảm bảo cho việc điều tra, truy tố xét xử sau này. Tiếp nhận phạm nhân Xuyến trong lúc chồng đi công tác xa nhà, con gái đầu lòng còn nhỏ chưa kịp nhờ ai đón giờ tan lớp. Định tranh thủ chạy qua trường đón con gửi về ông bà nhưng nhìn thấy Xuyến cứ vật vã, đau đớn có lúc đòi lao đầu vào tường  tự sát... chị đành điện nhờ cô giáo cho cháu về nhà cô hôm sau lại đưa đến lớp. Cả đêm thức trắng cùng với cán bộ y tế, cảnh sát bảo vệ trông coi, động viên, Xuyến luôn ở trạng thái hoảng loạn về tinh thần, không ăn, không ngủ, lúc tỉnh, lúc mê, có lúc Xuyến đòi lao đầu vào tường thốt lên “ Để cho tôi chết, dù mọi người có tha thứ, thì tôi cũng không bao giờ tha thứ cho chính mình...”.

Không kể ngày đêm, sớm tối từ khi tiếp nhận Xuyến, chị Diên và đồng nghiệp thường xuyên thường trực, canh coi. Chị gần gũi động viên phân tích, khuyên giải để xoa dịu nỗi đau trong tâm khảm của người mẹ mất con do chính sự dại dột bồng bột của mình. Chị quan tâm để ý đến từng bữa ăn, từng viên thuốc cho đến quần áo mặc cho Xuyến. Đồng thời giao nhiệm vụ cho can phạm nhân cùng buồng giam khuyên giải không để Xuyến tiêu cực. Liên tục trong 2 tuần, biểu hiện của Xuyến ngày một tốt hơn chị mới cảm thấy yên tâm...

Với chị, khó khăn nhất là việc giáo dục quản lý các can phạm nhân bị nhiễm HIV, số này luôn chiếm 10%, đa số là những can phạm liên quan đến ma túy, mại dâm. Với họ cuộc đời chẳng còn gì để mất, họ vào trại với thái độ bất cần, thường xuyên quậy phá, chống đối, gây gổ đánh nhau, dựa vào bệnh tật đòi hỏi yêu sách...

Trường hợp can phạm Nguyễn Thị Hoài Thu, ở phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình là một điển hình. Trong 8 năm, Thu có tới 3 lần vào trại về các tội trộm cắp, tàng trữ trái phép ma túy. Vào trại, Thu thường xuyên quậy phá, thái độ bất cần, gây gổ đánh nhau loang tin mình đã bị nhiễm HIV để đe dọa “dằn mặt” các can phạm nhân cùng buồng. Mặc dù đã được các cán bộ động viên, giáo dục, và cũng nhiều lần áp dụng các biện pháp kỷ luật, nhưng Thu vẫn liên tục vi phạm.

Khi tìm hiểu, chị Diên được biết về hoàn cảnh gia đình của Thu. Chị đã dành thời gian và điều kiện để gần gũi trò chuyện, thấy Thu sức khỏe sa sút nhiều  do bị cách ly với ma túy, chị cùng với cán bộ y tế quan tâm đến Thu nhiều hơn, từ viên thuốc, đến bữa ăn, giấc ngủ cho Thu. Qua đó, chị khéo khơi gợi tình cảm gia đình, vừa động viên vừa phân tích và mở cho Thu một con đường cải tạo tiến bộ để làm lại cuộc đời. Mưa dầm thấm đất, trước tình cảm chân thành của người nữ quản giáo, phạm nhân Thu đã rất cảm động. Khi chuyển trại, Thu xin được gặp quản giáo Nguyễn Thị Hồng Diên để nói lời cảm ơn. Một thời gian sau, Thu đã viết về cho chị một bức thư đầy cảm động với mong muốn khi trở về được gặp lại chị ngoài đời và được sống lương thiện bên mẹ già và em nhỏ của mình... 

Bằng tình thương, trách nhiệm, sự tận tụy chuyên cần, ý chí bản lĩnh của người chiến sỹ công an cùng với tinh thần vượt khó, đại uý Nguyễn Thị Hồng Diên đã cảm hoá, giáo dục được nhiều can, phạm nhân nhận thức rõ các hành vi phạm tội của mình, tích cực cải tạo tiến bộ. Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, nhiều lần nữ quản giáo Nguyễn Thị Hồng Diên được UBND tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Giám đốc công an tỉnh khen thưởng. Chị là một trong những điển hình tiên tiến của toàn lực lượng công an Thái Bình trong phong trào thi đua học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy.

Thu Hà (Công an Thái Bình)

  • Từ khóa