Thứ 3, 30/07/2024, 03:22[GMT+7]

Chuyện cổ tích giữa đời thường

Thứ 3, 31/08/2010 | 09:38:15
595 lượt xem
Bác Nguyễn Thị Thơm (thôn Trung Nha, Minh Lãng, Vũ Thư) gắn bó với nghề thêu từ thời thiếu nữ. ở tuổi 57, nhiều người mắt bớt tinh, tay bớt dẻo phải chuyển nghề nhưng bác Thơm vẫn là tay kim giỏi, ban tối bác nhận hàng về thêu khi vãn việc nhà.

Ngoài ra, bác còn chăm lo công việc đồng áng cấy 5, 6 sào ruộng, chẳng khi nào ngơi tay. Có như vậy, bao nhiêu năm nay vợ chồng bác mới lo toan đủ cơm áo, học hành cho 4 người con:  2 con lớn nay đã trưởng thành có gia đình riêng,  con gái thứ 3 đang học Đại học Công nghiệp Tân Bình, con trai út học PTTH. Tuy bận rộn là thế, kinh tế gia đình cũng không khá giả nhưng mấy năm gần đây, bác Thơm đã không quản ngại cưu mang, chăm lo, phụng dưỡng 2 cụ già khiến cho người trong thôn ai cũng nể phục.

Đó là cụ Phạm Thị Trâm là mẹ Việt Namon> anh hùng có 2 con trai đều hy sinh vì dân, vì nước. Trước đây cụ vẫn có người cháu đỡ đần việc nấu nướng, cơm nước. Do gia đình người cháu rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên bác Thơm đưa cụ về trông nom. Bác Ngô Thị Nơi, chi hội trưởng phụ nữ thôn Trung Nha cho chúng tôi biết: Do cụ bị liệt nên mọi sinh hoạt cá nhân không tự chủ được.

Bác Thơm không quản khó nhọc cơm bưng, nước rót, giặt giũ, vệ sinh, bón cơm cháo cho cụ. Lúc cụ sắp qua đời, phần lưng của cụ bị hoại tử, ban đầu bác còn nhờ cán bộ y tế, ít ngày sau, bác tự tay lau rửa cho cụ hàng ngày. Tuổi cao, bệnh già, cụ về ở nhà bác Thơm được 4, 5 tháng thì mất. Bác cùng bà con làng xóm, các ban ngành đoàn thể lo cho cụ mồ yên, mả đẹp, chu đáo mọi bề.

Dường như bác Thơm có “nghiệp duyên'' nuôi dưỡng các cụ già. Một thời gian sau, người làng lại thấy bác Thơm đưa một bà cụ bị mù lòa về nuôi. Cụ là bà cô họ xa của chồng bác, không có chồng con, thời trẻ đi công tác và sống trên Hà Nội, nay cụ muốn về quê, nhờ vợ chồng bác Thơm trông nom lo phần hậu sự sau này. Tuy cụ có lương hưu, còn tự đi lại được nhưng hàng ngày việc tắm giặt bác đều phải hộ cụ. Khí hậu trong lành, mát mẻ, được gia đình bác Thơm chăm lo chu đáo nên cụ sống rất thoải mái, vui vẻ.

Nói đến anh chị Minh - Lan thôn  Thanh Nội (Minh Lãng) thì ai cũng biết. Anh chị có 2 con (một gái, một trai) đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Chúng tôi đến thăm gia đình giữa chiều hè nắng nóng, mất điện. cô con gái nhỏ 11 tuổi cặm cụi bên khung thêu cùng mẹ. Biết chúng tôi ở báo Thái Bình nên mấy bác bên hàng xóm cũng sang chơi.  Qua đó, chúng tôi thêm hiểu những việc làm hàng ngày giản dị nhưng thật cao đẹp, đáng quý của anh chị Minh - Lan.

Hơn 20 năm về trước, bố mẹ anh Minh qua đời khi hai anh em chưa lập gia đình. Nhà rộng, vắng người nên ông Vũ Văn Khế thường sang ngủ nhờ. Ông Khế sống một mình, không vợ con, không anh em. Thời trai trẻ, ông làm thợ mộc, có thời gian, ông làm thợ xẻ gỗ mẫu cho nhà máy cơ khí 2-9.

Khi đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền bắc năm 1972, ông Khế bỏ công việc trên Thị xã Thái Bình ở hẳn quê. Ai có việc gì thì gọi ông đến làm giúp. Tiền công là bữa cơm, bơ gạo. Ông Khế bữa đói, bữa lo, cái bánh, chén rượu, gói mỳ tôm sống qua ngày. Thời cải cách ruộng đất, mẹ con ông cũng được nhà nước chia nhà. Nhưng trải bao mưa nắng, thời gian, cái nhà nhỏ dần thành túp lều lợp bao xác rắn, vừa đủ một người chui vào. Dân làng lo nhỡ ông ngủ đêm, không may trúng gió, làm thế nào kéo được ông ra. Bà con trong thôn đã mấy lần tự quyên góp lợp lại nhà, dựng nhà cho ông.

Năm ngoái, xã đứng ra làm nhà tình thương cho ông khang trang lợp ngói xi măng trên phần đất nhà anh Minh cho mượn vì đất của ông đã bán đi quy thành đồ ăn, thức uống, thuốc men từ lâu. Căn nhà nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ vì chị Lan vẫn thường giúp ông quét dọn và thắp hương trên ban thờ, bà con người góp công,  người góp tiền mua tặng ông chiếc giường m2.

Cách đây mấy năm, ông cụ Khế bị tai biến mạch máu não, bị liệt. Vợ chồng anh Minh hàng ngày nấu nướng đem cơm nước sang cho cụ ăn. Y tá, bác sỹ trạm y tế xã vào tiêm, cho uống thuốc men, bà con người nải chuối, quả cam thăm hỏi. Thật lạ kỳ, cụ dần dần phục hồi, tự đi lại được.Trời rét, chị Lan đun nước, anh Minh nhờ hàng xóm phải 2 người mới tắm được cho cụ.

Các cụ hàng xóm nói vui, cụ Khế có 2 cái nhất làng không ai theo kịp: Túng nhất làng và tuổi cao nhất làng mà vẫn còn “tân'. Cụ Khế quả có những nét đặc biệt. Nghèo khó như vậy nhưng trông cụ trẻ hơn tuổi 90 rất nhiều, da hồng hào, tóc đen, răng chưa rụng cái nào. Phong tục ở quê, vào mùa xuân, cháu con thường bày tỏ lòng hiếu kính mẹ cha bằng lễ mừng thọ.

Hiểu tâm lý cụ Khế bao năm nay đi dự mừng thọ cả làng mà chưa bao giờ được như họ nên đầu năm, hội người cao tuổi, MTTQ xã và thôn trao giấy chúc thọ cụ tròn 90 tuổi, anh chị Minh Lan đã tổ chức mua bánh kẹo, mượn bàn ghế mời bà con sang uống nước chúc thọ cụ. Cụ Khế rất vui, trong buổi lễ, anh Minh còn chụp ảnh cho cụ. Xem ảnh, cụ cứ hỏi anh: Thằng này là thằng nào? Thỉnh thoảng cụ đem ảnh gói kỹ ra ngắm nghía, mãn nguyện.

Người trong thôn ai cũng bảo: Cụ Khế có phúc lớn vì nếu có con đẻ chắc gì đã cư xử với cụ được như anh chị Minh - Lan,  lo ăn uống, giặt giũ hàng ngày như cha mẹ ruột. Ngoài số tiền được nhà nước trợ cấp cho các cụ cao niên 85 tuổi trở lên, mọi chi phí sinh hoạt đều trông vào sự đôi tay thêu thùa của chị Lan và lương công nhân của anh Minh.

Suốt chặng đường về, không hiểu sao, tôi bỗng nhớ đến câu ca dao: Thế gian chuộng của, chuộng công, nào ai có chuộng người không bao giờ. Thì ra, không phải trong trường hợp nào, câu ca dao ấy cũng đúng. Thời buổi kinh tế thị trường, nhiều đứa con nuôi cha, mẹ tính tháng, kể ngày, nói gì đến người ngoài. Câu chuyện của bác Thơm, anh Minh, chị Lan được nghe kể tôi hoài nghi, nhưng đến nơi rồi mới biết đúng là trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người tốt đến khó tưởng tượng.

Thu Hương

  • Từ khóa