Thứ 2, 22/07/2024, 15:51[GMT+7]

Nao lòng chèo Khuốc

Thứ 4, 26/09/2012 | 08:15:48
1,878 lượt xem
Qua sông Trà Lý cũng đã quá trưa. Làng Nguyễn rồi phố Tăng lùi lại sau lưng. Gặp mấy cô lượn xe đạp nói cười ríu rít, hỏi đường về làng Khuốc. Khuốc nào? Cái nôi hát chèo ấy? Tiếng cười giòn tan. Chọc các anh thôi!... tụi em sinh ra là được ủ nằm trên cái nôi ấy đấy! Một cô vượt lên, mắt đưa đẩy, giọng thánh thót: "Hỡi cô thắt dải lưng xanh. Có xem chèo Khuốc với anh thì về". Theo chân những cô gái làng Khuốc, những người đi lượm phế liệu vừa nhập cho ông chủ vựa tên Trình ở làng Nguyễn về, chún

Một buổi tập chèo của CLB chèo làng Khuốc.

Chuyện dưới gốc đề cổ thụ

Ngay giữa làng Khuốc là cây đề nghe nói đã gần 300 năm tuổi trùm bóng mát rượi mà dân làng tự hào gọi là "cây đề Khuốc". Nhiều người tụ tập quanh gốc cây tránh nắng, uống nước chè và hút thuốc lào. Một cụ ông áng chừng gần 80 tuổi, ánh mắt nhìn mông lung. Chúng tôi dừng xe, lân la bắt chuyện. Hóa ra, cụ chính là lão nghệ nhân - nhạc công chèo nổi tiếng Hà Quang Ngạn. Cụ Ngạn là bậc cao niên còn giữ được nhiều miếng chèo cổ nhất làng, trong đó có 12 điệu chèo cổ gốc và hai điệu múa "tắm tiên" và "múa chạy trái" - "độc nhất vô nhị" chỉ Khuốc mới có. Mấy năm trước, hai nghệ sĩ Xuân Hinh và Tự Long đã lặn lội từ Hà Nội về đây nhờ cụ Ngạn và bà con làng Khuốc bỏ ra cả buổi để dạy giùm mấy miếng nghề độc này...

Cụ Ngạn nhẩn nha kể chuyện. Cái nhẩn nha của người rành rẽ thế sự đất này, nghiệp chèo làng này. Câu chuyện của cụ theo dòng hoài niệm về thuở ngày xưa. Tôi dẫn tra cứu từ sách Hý phường phả lục do Trạng nguyên Lương Thế Vinh viết từ đời vua Lê Thánh Tông cách đây sáu thế kỷ cho biết, khu vực làng Khuốc (còn gọi là Cổ Khúc) chính là một trong bảy cái nôi chèo Việt Nam. Nghệ nhân già nói: "Tôi cũng không rõ chèo Khuốc có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ thời tổ tiên, chèo làng tôi đã nức tiếng khắp nơi. Chẳng thế mà đất này đã sinh ra những ông tổ nghiệp chèo như Trùm Ðào, Trùm Thương, Huyện Ðoàn, Kép Mục. Nói đến chèo là phải nhắc đến Khuốc". Hồi đầu thế kỷ trước, làng Khuốc đã góp những bậc tiền bối cho nghệ thuật chèo nước nhà như các cụ Bùi Kim Trạch, Phạm Văn Ðiền, Bùi Văn Ca, Vũ Văn Phụ, Ðào Thị Na, Hà Quang Bổng... Trong đó, hai cụ Trạch và Ðiền được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Dân gian. Nay các cụ đã về với tổ tiên, kể cả cụ bà Ðào Thị Na, nguyên mẫu cô Lý trong vở Cô gái làng chèo nổi tiếng do NSND Lê Huệ dàn dựng.

Cụ Ngạn cũng kể về cái hồi cụ mới hơn 10 tuổi, theo học nghề nghệ nhân Bùi Kim Trạch rồi cùng thầy, cùng bạn gánh hòm đi diễn hết xứ đông, xứ đoài. Bước chân đào kép những gánh chèo làng Khuốc trảy gót giang hồ, bao nhiêu lần đọ tiếng, so tài, những miếng nghề chèo Khuốc khó nơi nào địch nổi. Thực vậy, trong 151 làn điệu và ca khúc chèo đã được thống kê thì người làng Khuốc có thể hát cả trăm làn điệu, có những làn điệu chèo chỉ chèo Khuốc mới có, đó là các làn tiêu biểu: Hà vị, Thu không, Hề đơm đó, Duyên phận, Quạt màn, Vãn loan mai, Tả từ đường... rồi các vở chèo cổ như Phan Trần, Kim Nham, Tống Trân Cúc Hoa...

Sân khấu hồi đó hãy còn tiếp nối cái giản dị, hồn hậu của chèo sân đình truyền thống. Như lời cụ Ngạn, các cụ ngày xưa đi diễn chỉ mang theo một cái hòm, trong đó đựng đạo cụ, quần áo. Ngay cả cái hòm cũng là một đạo cụ, lúc là ngai vàng cho hoàng đế ngự, khi là án thư để quan lớn phê chuẩn, có lúc lại là cái ghế khóa sinh tựa lưng đọc sách. Sân khấu chỉ là chiếc chiếu quay mở cả bốn mặt. Chiếc quạt trong tay cũng là một đạo cụ đa năng. Lối diễn thì ngẫu hứng, "có tích thì dịch nên trò", với diễn viên, dàn đế và khán giả gần như là một, giao lưu, đồng điệu. Người diễn, người xem quên đi mệt mỏi, quên đi sự bần hàn lam lũ khi hóa thân vào những giấc mơ cao đẹp, những đạo lý vuông tròn, cái thiện thắng cái ác, ở hiền gặp lành. Ðể rồi, tàn canh hát, người xem chèo cũng sắp phải ra đồng. Ðào kép trở về làng sau chuyến lưu diễn đường xa cũng lau phấn son, bỏ xống áo, mũ mão mà cày bừa, cấy hái...    

Xưa, vùng bắc sông Trà Lý vẫn truyền câu ngạn ngữ "Ăn làng Ngói. Nói làng Khuốc. Thuốc làng Nguyễn". Làng Khuốc là làng chèo, hát hay nói cũng hay. Người làng Khuốc nói chuyện với nhau, với người ngoài đều ví von, điệu đà, nhất tự đa nghĩa. Anh chàng Quách Văn Thành, xấp xỉ 40 tuổi, ngồi bên cạnh cụ Ngạn, rít thuốc lào nhả khói mù trời, thấy chúng tôi say chèo nên góp chuyện vui. Thành cười khà khà: "Các bác không biết chứ các bà làng Khuốc này chửi nhau cũng đưa tích, đưa trò ra mà ví. Chửi nhau mà mấy nhà hàng xóm thấy vui kéo ra cổ vũ, nghe chửi hay quá vỗ tay ầm ầm. Rồi chuyện này nữa... Bên cạnh nhà em có nhà bác ấy, hai vợ chồng cãi nhau. Hai ông bà đưa cả tích Tống Trân Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính rồi đến Súy Vân giả dại ra cãi. Cãi nhau mà như đang diễn vậy. Bác gái nhớ tích ít hơn, cãi không lại thì bưng mặt khóc. Còn bác trai thì vừa gõ thành giường vừa hát điệu Sử rầu. Bác gái bèn lau nước mắt mà hát điệu Múa hát sắp chợp...". Nghe cậu chàng kể, tôi bật cười thành tiếng: "Ông lại nói kiểu... Khuốc rồi!". Thành trương hai con mắt lên: "Ơ... Nói thì bác không tin... Chứ, như em đây... Bố em bảo lúc mẹ em mang thai, ốm nghén chẳng thèm ăn gì, chỉ thèm mỗi xem chèo. Tối nào trong làng có hát chèo cũng lê bụng đến. Mẹ em bảo, cứ nghe tiếng trống bong bong là em lại ngọ nguậy trong bụng... Hì... hì...". Tôi không nhịn cười nổi. Thành chống gối đứng dậy, trước khi đi còn đọc thêm câu ca dao làng Khuốc: Chẳng thèm ăn chả ăn nem. Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo...

Giữ truyền nghiệp tổ

Niềm tự hào ấy thật hồn nhiên nhưng cũng thật sâu sắc. Chàng trai họ Quách nói có phần đúng và tôi nghĩ, chèo Khuốc còn nuôi dưỡng được cho đến hôm nay cũng nhờ chính bởi tình yêu, lòng đam mê và niềm tự hào của người dân chân lấm tay bùn làng này. Những nghệ sĩ dân gian, họ làm nghệ thuật mà không cần biết là đang làm nghệ thuật. Họ chỉ biết rằng, từ lúc sơ sinh, cùng với dòng sữa thơm của mẹ, đã ngấm vào tâm hồn thơ dại những làn điệu chèo mượt mà cất lên từ những nếp nhà giản dị bên lũy tre, đồng lúa thân thương... 

Chèo Khuốc, càng nói càng thêm nhiều chuyện, càng nghe càng thêm lắm điều muốn nghe. Khuốc có dòng sông ấy, có cánh đồng lúa ấy, có cây bồ đề hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát rượi và sân chùa cổ kính ấy. Những tâm tình quê kiểng, những gió mát trăng thanh, những chiêm khê, mùa thối. Những thế sự buồn vui của mỗi cuộc đời, của làng quê đã ngấm vào trong dạ, trong máu, trong câu hát, điệu múa. Cuộc sống làng, tình yêu làng, đó là mạch nguồn bất tận thẳm sâu, là không gian nuôi dưỡng điệu chèo. Dù bần hàn, lam lũ, nhưng câu hát đã dựng làng đứng dậy, đưa tâm hồn người dân Khuốc bay bổng như cánh cò chao liệng trên lũy tre. Những người con làng Khuốc dù đang ở góc bể, chân trời nào cũng nhớ về làng, nhớ về nơi chôn rau cắt rốn bởi điệu chèo quê ngấm trong da thịt họ, trong dòng máu họ. Người làng từng tự hào: "Bao giờ Thái Bình hết lúa, làng Khuốc mới thôi hát chèo".

Ngay cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp xuất thân từ làng Khuốc cũng vậy. Dù sau này thành danh vang dội nhưng họ cũng bắt đầu từ những miếng nghề chèo quê mà ông bà, cha mẹ truyền cho. Khi đã là những nghệ sĩ nổi tiếng, họ quay về góp sức dựng lại chèo làng. Nghệ sĩ Hà Quang Tiết là một thí dụ. Từng là nhạc công kéo nhị của Ðoàn chèo Trung ương, từ hồi về nghỉ hưu ở làng, sớm tối ông chỉ lo mỗi việc phục hồi chèo Khuốc. Ông Tiết "khoe": Cho đến nay trên toàn quốc có 15 nhà hát và đoàn chèo chuyên nghiệp thì trong đó có 13 đơn vị có tới 60 nghệ sĩ là người làng Khuốc. Có người trở thành nghệ sĩ ưu tú, hai người là đại biểu Quốc hội. Hiện trong làng cũng không ít gia đình có ba thế hệ diễn chèo. Cả bốn thôn đều có đội chèo, mạnh hơn cả là đội chèo của thôn Khuốc Bắc, thường được đi diễn ở nhiều nơi trong tỉnh và địa phương khác...

Tự hào đó, vui đó mà cũng lo ngay đó. Nỗi lo thất truyền. Ðau đáu bảo lưu nghiệp tổ, ông Hà Quang Tiết, cụ Hà Quang Ngạn, rồi bà Cao Thị Bắc, ông Bùi Văn Ro hằng ngày vẫn đến từng thôn, từ Khuốc Bắc, Khuốc Ðông, Khuốc Tây tập hợp các đội chèo, dạy chèo cho các cháu nhỏ, cho nam nữ thanh niên trong làng, nhất là các cháu muốn thi vào các trường nghệ thuật. Ðôi khi dạy cả tháng, hết mình mà không công. Dạy bằng tình yêu mãnh liệt với tâm nguyện "Chúng nó còn nhớ đến chèo là quý lắm rồi". Các bậc cao niên đang cố công truyền nghề, giữ gìn nghiệp chèo bằng cách đào tạo một lớp "Khuốc em", "Khuốc cháu".      

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của nghệ nhân Bùi Văn Ro, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo làng Khuốc. Câu trước câu sau, ông Ro đã hứng khởi cất lên làn điệu. Ông hát, vẫn ngồi ở bàn trà ông đưa cổ tay lên múa. Ðích thị múa chèo. Ðiệu dân vũ mượt mà của cư dân trồng lúa. Tôi ngắm nhìn bàn tay ông. Bàn tay ấy chai sạn. Bàn tay cày cuốc săn chắc và gân guốc. Nhưng nhìn vào mắt ông, ánh mắt tinh anh, sâu thẳm. Cái chất lãng tử, cái máu văn nghệ trong ông trỗi dậy. Tay gõ mặt bàn, ông Ro cất giọng hào sảng: "... Dáng người hào kiệt... ì ơi... à... tình tình tình... chát... À ơi à... à ơi... ơi... A à... dường này... ". Bà Ro lấp ló sau mành lặng lẽ nghe ông hát. Liếc mắt nhìn chồng, người đàn bà tuổi ngoại thập tuần hơi đỏ mặt. Có lẽ, suốt bao tháng năm qua, bà đã bị ông "tra tấn" bởi tình yêu chèo vô bờ bến của ông.

Ông Ro dừng điệu chèo. Tôi quay qua hỏi đùa bà Ro: "Bác có buồn khi mà bác trai hình như là yêu chèo hơn cả yêu... vợ? Suốt ngày bỏ việc nhà lo vác tù và hàng tổng?...". Bà cười hiền: "Ông ấy thế chứ cũng chăm chỉ việc đồng áng lắm đấy. Cứ sau mỗi đận hát hò đình đám, vừa về là ra ruộng ngay...". "Bác ấy làm thế là để bác đỡ mắng chứ gì?". "Ừ thì... Biết đâu đấy...". Bà Ro lại mỉm cười rồi kẹp cái rổ sảo lên nách, liếc nhanh ông một cái, tất tả ra vườn. Còn ông, ông ngồi đó nhìn ra vườn mà lắc lư cái đầu tóc bạc, nghịch ngợm nhịp móng tay mà hát điệu Ðường trường "Duyên phận phải chiều": "Duyên phận i i ta phải chiều i, này ai ơi i đôi thời đôi lứa ta... thời này duyên i, ới phận đôi ta thời duyên i phận - ta phải i i chiều - i i i...".

Mất chèo, mất hồn Khuốc

Cụ Hà Quang Ngạn tuổi xế bóng mà không lo chuyện sức khỏe của chính mình chỉ đau đáu nỗi chìm nổi chèo làng. Ông Hà Quang Tiết trầm tư: "Ngày xưa, thế hệ chúng tôi yêu chèo là thế. Có những khi thích chèo quá đã bán cả bò cả ruộng để rước thầy về dạy đàn hát. Còn bây giờ, nói thật là con cháu đa phần thờ ơ, chẳng mấy đứa mặn mà với chèo nữa. Những người một lòng đắm đuối với chèo thì dần dần vắng bóng. Tôi lo lắm, với đà này thì không mấy lâu nữa chèo Khuốc thất truyền...".   

Giọng ông Bùi Văn Ro buồn buồn: "Không biết run rủi thế nào mà tôi chẳng bao giờ rời được cái làng này. Cũng có lúc đã đi thoát ly, theo đoàn này đoàn nọ, thế rồi cứ được dăm bữa nửa tháng, ruột nóng như lửa đốt lại lò dò về làng. Về làng rồi ở lỳ với làng, vừa lo cày bừa cấy hái, vừa lo chuyện... chèo. Ðôi lúc tôi nghĩ, có lẽ... hương hồn các cụ đã giao cho mình cái việc giữ nghiệp chèo của làng thì phải...". Ông nói rồi nhìn về xa xăm. Ông nhớ về cái thời mới 16 tuổi, bác ruột là nghệ nhân Bùi Văn Ca dạy cho hát múa chèo. Năm 21 tuổi, Ro chính thức lên sân khấu với vai ông lão say rượu trong trích đoạn chèo cổ Lão say và giành Huy chương vàng Hội diễn quần chúng tỉnh Thái Bình năm 1972. Năm 1976, vào vai quan ba Pháp độc ác trong vở Hương thiên lý, khi đi diễn ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái), ông nhập vai thành công đến mức mà có khán giả căm thù không chịu nổi đã chửi tục thẳng mặt "quan Tây" và bắn vào mặt "quan" một hòn đá bằng phát súng cao-su. Thế mà bây giờ... Ông Bùi Văn Ro chỉ lên tấm Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp văn hóa..." được Bộ VH-TT-DL tặng năm 2010, và nói: "Ðó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Nói thật, nếu chèo Khuốc thất truyền thì mọi điều cũng chẳng còn gì ý nghĩa nữa. Khuốc mất chèo thì còn gì là Khuốc. Mất chèo là mất cái hồn, cái cốt của làng này. Mà thế thì đau lắm, tiếc lắm!... Tiếc cái nghiệp tổ tông cả hàng trăm năm truyền lại...".

Biết là vậy, nhưng chưa nghĩ ra cách mà giữ được chèo làng. Những nghệ nhân già ngày càng vắng bóng. Lớp trẻ không mấy người mặn mà. Cái câu lạc bộ do ông làm chủ nhiệm cũng thưa thớt dần mỗi lần tụ họp, nay người này đi phụ hồ xa, mai người kia đi kiếm phế liệu. Làng thì nghèo, kinh phí eo hẹp, mỗi lần tụ họp cũng không có nổi tiền lo cân chè, bao thuốc. Ðào kép làng Khuốc giờ đang đi hợp đồng biểu diễn cho hầu hết các đoàn chèo ở vùng Bắc Bộ. Thế nhưng, mỗi lần tập vở lớn, muốn mời anh em về góp mặt cũng khó. Mời họ về thì lấy đâu tiền mà lo tàu xe. Ðể có canh diễn ra trò phải tập cả tháng, diễn xong nhận thù lao một vài triệu đồng, có chia thì cũng được mỗi người vài ba chục. Rời nhà nghệ nhân Bùi Văn Ro, gặp cô con gái cả của ông vừa đi làm thuê trên thị trấn về. Tôi hỏi: "Chị biết hát chèo không?" "Hồi còn nhỏ cũng thích... nhưng mà... lâu nay em chẳng còn chèo... kéo gì nữa. Lo kiếm ăn nuôi con cũng mệt lắm rồi!".

Tâm sự của con gái ông Ro cũng ảm đạm, hiu hắt như mầu trời trên mái ngói tứ linh của tổ đình chèo Khuốc lúc hoàng hôn về.

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày