Thứ 7, 28/12/2024, 04:23[GMT+7]

"Văn hóa đọc" với nông dân

Thứ 5, 26/08/2010 | 16:19:39
2,285 lượt xem
Vào thời điểm cây lúa ngoài đồng uốn câu, hứa hẹn một mùa vàng bội thu thì ở huyện Quỳnh Phụ, những người nông dân lại tranh thủ những ngày nông nhàn hiếm hoi để tìm đến diễn đàn "văn hóa đọc với nông thôn", những mong cuộc sống của mình chốn thôn quê sẽ được "đổi đời" bằng phương thức "thâm canh" sách.

Ảnh: minh họa

 "Văn hóa đọc với nông thôn" là chủ đề của chương trình giao lưu do Phòng giáo dục;  Trung tâm văn hóa thể thao và trường THCS thị trấn Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, tổ chức thu hút khoảng 400 người tham gia, trong đó chủ yếu là nông dân. Những người yêu thích đọc sách tại Quỳnh Phụ nói chung và người nông dân thiết tha với sách nói riêng ở các vùng lân cận đã gặp gỡ trực tiếp với Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, hiện đang là diễn giả về văn hóa đọc và là người con quê hương Thái Bình cùng anh Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập và quản lý "Tủ sách dòng họ" nhằm chia sẻ niềm say mê đọc sách mong muốn tiếp cận thông tin phục vụ cho cuộc sống lao động, thâm canh, xóa đói, giảm nghèo đối với cuộc sống của mỗi người chốn thôn quê cũng là "công đôi, ba việc" góp phần hướng tới xây dựng một cuộc sống nhân văn.

Diễn giả Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm: “đầu tư cho thư viện là đầu tư cho giáo dục, cho phát triển nguồn nhân lực có trình độ và tri thức, nâng cao nhận thức của xã hội, của chính quyền các cấp, của các cơ quan về vai trò của thư viện trong thời kỳ mới". Ông cũng không ngần ngại vận động những người nông dân tham gia xây dựng sự nghiệp thư viện, tạo điều kiện cho nhân dân và các tổ chức xã hội được tham gia một cách chủ động, bình đẳng vào các hoạt động thư viện góp phần nâng cao trình độ dân trí. Diễn đàn "Văn hóa đọc với nông thôn" xoay quanh vấn đề như: nông dân có cần đọc sách không? đọc sách gì và đọc như thế nào, thời gian đọc ra sao, nguồn cung cấp tại đâu?.

Mấy năm trở lại đây, huyện Quỳnh Phụ được coi là điểm sáng về phong trào đọc sách. Dự án "Tủ sách dòng họ" do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập đã triển khai được 8 điểm trong đó 5 điểm tập trung ở xã An Dục, 2 điểm ở xã An Vũ và một điểm ở xã Đồng Tiến, thu hút hàng trăm lượt bạn đọc miễn phí.

 Mô hình này vừa được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch khen ngợi là điểm điển hình và khuyến khích nhân rộng ra cả nước. Dự kiến tới hết 2011, "Tủ sách dòng họ" sẽ triển khai tới 20 điểm tại Quỳnh Phụ. Song song với việc xây dựng "Tủ sách dòng họ", tủ sách "Không gian đọc" miễn phí dành cho cộng đồng của nhóm tình nguyện "Không gian đọc" cũng được triển khai tại một số xã trong huyện, thu hút hàng nghìn lượt bạn đọc hiện là giáo viên, học sinh, nông dân, tiểu thương, viên chức, cán bộ về hưu… Phạm Bắc Cường hiện đang là đại diện nhóm tình nguyện "Không gian đọc" và là người Quỳnh Phụ đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sắp tới, nhóm tình nguyện "Không gian đọc" sẽ nhờ thư viện Khoa học tổng hợp Lê Quý Đôn tỉnh Thái Bình tư vấn để lựa chọn mô hình hoạt động thích hợp theo quy định mới của nhà nước trong lĩnh vực quản lý tủ sách gia đình, thư viện cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh.

 Mới đây, thư viện Khoa học tổng hợp Lê Quý Đôn đã cử cán bộ tới Không gian đọc An Phú (Quỳnh Hải) để trao đổi, bàn bạc để tìm ra cách thức hoạt động cho phù hợp với quy định mới của nhà nước mà vẫn đảm bảo hiệu quả, phục vụ tốt cho bạn đọc gần xa. Tiếng lành đồn xa về "Không gian đọc" An Phú đã tới tai bà Vũ Thị Nga, cựu giáo chức năm nay 68 tuổi, hiện trú quán tại xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Phụ. Nghỉ hưu ở nhà trông cháu, bà sửng sốt khi nghe cháu ngoại cứ nằng nặc muốn tới "Không gian đọc" An Phú mượn sách và đọc sách. Thương cháu, bà đạp xe tới tận nơi hỏi thăm, tìm hiểu. Bà đã hiểu tại sao cháu bà lại mê "Không gian đọc" và  sau đó bà trở thành cầu nối giữa "Không gian đọc" với cháu bà. Tuy tuổi đã cao, song bà vẫn thường xuyên đạp xe 15 km từ Quỳnh Ngọc tới "Không gian đọc" An Phú, rồi bà lại trở thành bạn đọc thân thiết, tận tình của Không gian đọc hơn nửa năm nay. Bà đang có mong muốn mở thêm một điểm Không gian đọc ở Quỳnh Ngọc.

Kết thúc cuộc giao lưu với nông dân có ham muốn "thâm canh" sách tại Quỳnh Phụ, ban tổ chức đã trao 10 phần quà dành cho bạn đọc nông dân có nhiều đóng góp trong việc gây dựng "cộng đồng văn hóa đọc" tại Quỳnh Phụ thời gian qua. Công ty sách Thái Hà (Tp Hồ Chí Minh) cũng trao tặng 10 phần quà dành cho học sinh nghèo học giỏi và trao tặng hàng trăm đầu sách cho bạn đọc tại Quỳnh Phụ.

Chuyện 400 người nông dân Quỳnh Phụ tìm đến với cuộc giao lưu "Văn hóa đọc với nông thôn" để mở mang tri thức nhằm "thâm canh" sách trên đồng ruộng thật đáng khích lệ trong thời đại bùng nổ thông tin, nhất là thông tin nghe - nhìn, khiến cho văn hóa đọc lùi vào góc khuất. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân còn thiết tha tìm đến văn hóa đọc. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên từng cảnh báo: ”Không có văn hóa đọc văn chương tiếng Việt một cách tử tế thì không thể có sự tiếp nhận văn chương tiếng Việt tử tế và đương nhiên, sẽ không có một lối viết tử tế đối với tiếng Việt. Sự khiếm khuyết về tâm hồn của một bộ phận người đọc trẻ hôm nay đã và đang bộc lộ khá rõ”. Số liệu thống kê của Cục Xuất bản cho thấy, bình quân mỗi năm, một người Việt Nam đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo.

Theo một cuộc thăm dò do Báo Lao động tiến hành, loại sách được đọc nhiều nhất là... truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%).

Trên các phương tiện thông tin, người ta cũng bàn nhiều về văn hóa đọc. Theo như lời bàn thì "Đọc" đang đứng trước  cơ hội và nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ, được quyền lựa chọn. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. “Đọc cũng là một nghệ thuật”. Chữ “nghệ thuật” mà Lênin đã dùng chính là biết đọc sao cho hợp lý, khoa học và tích cực nhất về thời gian, nội dung và khối lượng.

Theo thống kê từ Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), trong năm 2005, các nhà xuất bản ở nước ta đã công bố hơn 20 ngàn đầu sách với khoảng 250 triệu bản in. Các học giả cũng khuyên rằng: "Muốn biết đọc trước hết phải ham đọc. Bởi đọc là một sở thích nhưng cũng là công việc đầy nặng nhọc". Ngược dòng lịch sử, người Pháp đã từng chiếm đóng nước ta và họ đã tạo ra chữ quốc ngữ để dùng vào việc truyền giáo ở Việt Nam, sự tạo dựng này không nhằm mục đích nâng cao dân trí mà thực hiện một ý đồ để chữ "nho" mai một dần.

 Thời điểm ấy, sách chữ nho dạy người Việt biết "trung, hiếu, tiết, nghĩa", trong đó chữ "trung" gợi lên lòng yêu nước. Vì lẽ đó năm 1900 thực dân Pháp sửa chương trình thi cử, bên cạnh chữ Pháp, tăng cường chữ quốc ngữ, bỏ bớt chữ nho. Nhà thơ Trần Tế Xương, một nho sinh phải thốt lên lời than trong bài "Than đạo học":
Đạo học ngày nay đã hỏng rồi
Mười người đi học, chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi

Năm 1945, khi chính quyền về tay nhân dân, chế độ áp bức bọc lột bị xóa bỏ, dân ta được tự do thì "hỡi ôi" hơn 95% người dân mù chữ...

Theo lời của Tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng: "ngày nay, ở nông thôn, nếu chăm đọc sách, nhất là sách khoa học kỹ thuật thì chỉ cần mỗi vùng chọn 20-30 nghề, mỗi gia đình chọn 1-2 nghề thì nông dân cả nước sẽ có nghề phụ. Ví như, với 2.000m² chuồng trại, sau một thời gian nuôi rắn rivoi, một nông dân ở Mỹ Tho thu được 1 tỷ đồng; hay cây thanh long hiện chỉ trồng được ở miền Nam nhưng giống của Đài Loan lại trồng được ở miền Bắc; chuyện loài đà điểu không sợ mưa nắng, nuôi từ nhỏ đến lớn không cần chuồng trại… Những điều ấy nếu không có trong sách thì đâu phải người nông dân nào cũng biết để áp dụng vào đời sống".

Bài: Lê Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày