Thứ 2, 06/05/2024, 03:24[GMT+7]

Bán đảo I-bê-ri-a hỗn loạn do biểu tình

Thứ 3, 25/09/2012 | 07:43:21
958 lượt xem
Các cuộc biểu tình lớn, với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, liên tiếp diễn ra ở Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, phản đối các chính sách "thắt lưng, buộc bụng" của Chính phủ.

Cảnh sát chống bạo động Tây Ban Nha bảo vệ trật tự tại ga tàu điện ngầm A-tô-cha ở Thủ đô Ma-đrít. ( Ảnh: ROI-TƠ )

Cùng với tình trạng kinh tế suy thoái và cơn bão nợ công, các cuộc biểu tình đã đẩy bán đảo I-bê-ri-a rơi vào hỗn loạn, hoạt động sản xuất và kinh doanh đình trệ.

Trung tuần tháng 9, hàng chục nghìn người tham gia biểu tình ở Thủ đô Ma-đrít (Tây Ban Nha), nhằm phản đối các chính sách kinh tế khắc khổ của Chính phủ. Cuộc biểu tình hưởng ứng lời kêu gọi của liên minh Hội nghị cấp cao xã hội gồm hàng trăm tổ chức xã hội, phản đối việc tăng thuế, cắt giảm lương và các khoản trợ cấp y tế, hưu trí, xã hội. Tổng Thư ký Liên hiệp công đoàn Các ủy ban công nhân I.Tô-xô cáo buộc Chính phủ Tây Ban Nha đang đặt lợi ích của các thị trường tài chính quốc tế, Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lên trên quyền lợi của nhân dân. Ông Tô-xô yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về chính sách của Chính phủ. Cùng với cuộc biểu tình lần này, các cuộc bãi công liên tiếp của công nhân ngành mỏ và vận tải diễn ra trước đó, đã thể hiện sự thất vọng về các biện pháp kinh tế khắc khổ, đẩy đời sống của người lao động, nhất là tầng lớp nghèo, ngày càng lún sâu vào khó khăn.

Cuộc biểu tình nổ ra ngay sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha M.Ra-hoi thông báo tiến hành đợt cải cách mới vào cuối tháng 9 này để đáp ứng các điều kiện của gói cứu trợ tài chính của EU, IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) ngày càng suy thoái nghiêm trọng. Theo báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Tây Ban Nha, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này giảm 0,3% trong quý I và 0,4% trong quý II-2012. Theo quy định của Hiệp ước tăng trưởng và ổn định EU, kinh tế Tây Ban Nha đã chính thức rơi vào suy thoái do có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Tuy nhiên, các số liệu thống kê mới công bố cho thấy, trên thực tế, Tây Ban Nha bắt đầu suy thoái từ năm 2011, do hai quý III và IV-2011 tăng trưởng âm. IMF cảnh báo tình trạng suy thoái kinh tế của Tây Ban Nha sẽ còn trầm trọng hơn dự báo, với tốc độ tăng trưởng giảm 1,7% năm nay và 1,2% năm 2013; thâm hụt ngân sách ở mức 7% năm nay và 5,9% vào năm tới. Theo IMF, căng thẳng gia tăng trên các thị trường tài chính sẽ tác động kế hoạch cơ cấu hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha, đe dọa việc tiếp cận thị trường và "chảy máu" nguồn vốn. Lãi suất vay mượn của Tây Ban Nha đã lên tới hơn 7,6%, gần bằng mức của Hy Lạp, Ai-len và Bồ Ðào Nha phải cầu viện gói cứu trợ quốc tế. Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tây Ban Nha đứng đầu thế giới về tỷ lệ thất nghiệp (24,5%).

Trước tình trạng khó khăn trên, Thủ tướng M.Ra-hoi đã công bố kế hoạch "thắt lưng, buộc bụng" mới giai đoạn 2012-2014 gồm các biện pháp tăng thuế, cắt giảm lương và các chế độ trợ cấp, nhằm tiết kiệm 102,1 tỷ ơ-rô, để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 100 tỷ ơ-rô. Theo đó, Tây Ban Nha sẽ tiết kiệm 13,1 tỷ ơ-rô trong năm nay, 39 tỷ ơ-rô năm 2013 và 50,1 tỷ ơ-rô năm 2014. Ma-đrít cũng đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 8,9% GDP năm 2011 xuống 6,3% GDP năm nay, 4,5% GDP năm 2013 và 2,8% GDP năm 2014.

Cùng lúc đó, ở nửa kia bán đảo I-bê-ri-a, khoảng 100 nghìn người đã rầm rộ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình lớn tại Thủ đô Li-xbon và 30 thành phố của Bồ Ðào Nha, nhằm phản đối các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng" mới của Chính phủ. Ðoàn người biểu tình giương cao các khẩu hiệu đòi bãi bỏ chính sách kinh tế khắc khổ, không chấp nhận các điều kiện cứu trợ ngặt nghèo của EU và IMF, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Nghiệp đoàn lớn nhất Bồ Ðào Nha CGTP cũng kêu gọi tiếp tục biểu tình quy mô lớn vào cuối tháng 9 này.

Nhằm đáp ứng các điều kiện của gói cứu trợ của EU và IMF trị giá 78 tỷ ơ-rô, Thủ tướng Bồ Ðào Nha P.Cô-ên-hô đã công bố kế hoạch cải cách  kinh tế sâu rộng kéo dài ba năm. Theo đó, tăng mức đóng góp của người lao động cho quỹ an sinh xã hội từ 11% lên 18%, đồng thời tăng thuế, giảm lương, thưởng và các khoản trợ cấp hưu trí, y tế và xã hội. Thủ tướng Cô-ên-hô nêu rõ, tăng đóng góp an sinh xã hội sẽ giúp giảm chi phí lao động, khuyến khích đầu tư và tạo việc làm. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cáo buộc các biện pháp này đã đi ngược lợi ích của người lao động, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Bồ Ðào Nha giảm 1,2% trong quý II-2012, dự báo giảm 3% trong cả năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục 15%.

Các cuộc biểu tình trên bán đảo I-bê-ri-a nói riêng và châu Âu nói chung bắt nguồn từ sự bất bình của người dân đối với các chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ, nhằm đối phó cơn bão nợ công đang hoành hành ở Khu vực đồng ơ-rô. Giới phân tích cho rằng, để ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Chính phủ hai nước cần thực thi các chính sách hài hòa giữa lợi ích đất nước và quyền lợi của người lao động.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa