Thứ 7, 04/05/2024, 04:00[GMT+7]

Nam Thịnh: Đẩy mạnh khai thác, đánh bắt hải sản

Thứ 4, 27/12/2023 | 08:32:30
3,148 lượt xem
Xã Nam Thịnh (Tiền Hải) có truyền thống đánh bắt hải sản. Những năm gần đây, bà con ngư dân tích cực đầu tư ngư lưới cụ, đóng mới và nâng cấp tàu thuyền để vươn khơi, nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng hải sản khai thác cũng như thu nhập của ngư dân được nâng lên.

Ngư dân xã Nam Thịnh (Tiền Hải) vận chuyển tép lên bờ chế biến.

Ông Bùi Kiên Quyết, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển kinh tế biển là mũi nhọn nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Thịnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực nuôi trồng, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản. Trong đó, khuyến khích ngư dân phát triển đánh bắt xa bờ theo hướng bền vững gắn với tiếp tục đóng mới tàu thuyền, mở rộng ngư trường khai thác, tăng cường sự hiện diện của tàu cá ở các vùng biển, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Xã cũng tích cực tuyên truyền đến ngư dân chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, phát triển kinh tế thủy sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tập trung nâng cao năng lực tàu thuyền, khuyến khích ngư dân đầu tư trang bị máy móc hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào đánh bắt, bảo quản và chế biến. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân như tổ chức tập huấn kỹ thuật khai thác, hướng dẫn đầu tư các loại ngư cụ khác nhau để khai thác đa dạng các loại hải sản. Phối hợp với các ngân hàng thương mại hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu gỗ, đóng mới tàu vỏ sắt... Từ những biện pháp thiết thực, đến nay hiệu quả khai thác, đánh bắt hải sản được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là đối với những tàu đánh bắt xa bờ. Toàn xã hiện có hơn 100 phương tiện khai thác hải sản, trong đó 80 tàu khai thác xa bờ, còn lại là khai thác gần bờ. Sản lượng khai thác, đánh bắt hải sản bình quân hàng năm đạt 1.400 tấn, giá trị đạt 68 tỷ đồng. Cùng với khai thác hải sản, Nam Thịnh cũng chú trọng phát triển các cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó có chế biến tép biển. Hiện có khoảng 80 phương tiện đánh bắt tép biển, sản lượng từ 50 - 70 tấn/ngày. Trên địa bàn xã có 8 cơ sở chế biến hải sản, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động thời vụ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, xã Nam Thịnh cho biết: Trước thực tế nguồn lợi hải sản gần bờ ngày một ít đi, việc khai thác, đánh bắt của ngư dân gặp không ít khó khăn. Do đó, chúng tôi đã đầu tư nâng cấp tàu cá để ra khơi đánh bắt xa bờ. Tàu của tôi dài 15m, công suất 80CV. Những ngày gần đây biển lặng, tôi tranh thủ ra khơi, tàu được trang bị các thiết bị hiện đại không chỉ tăng hiệu quả đánh bắt mà sản phẩm sau khai thác cũng được bảo quản tốt hơn. Sau mỗi chuyến đi biển, trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 20 triệu đồng. Không chỉ ngư dân phấn khởi với chuyến đi đem lại kết quả tốt mà hậu cần nghề cá cũng phát triển. Bởi nhiều ngày qua, tàu thuyền liên tục cập bến, những nhân công làm nghề vận chuyển cá lên bờ hay đến các cơ sở chế biến luôn có việc để làm. 

Ông Phan Văn Quy, chủ cơ sở chế biến hải sản Nam Thịnh cho biết: Mỗi lần tàu cập bến, cơ sở chúng tôi thu mua cho bà con ngư dân từ 5 - 10 tấn tép với giá 11.000 đồng/kg. Năm nay được mùa tép biển góp phần tăng thêm thu nhập cho ngư dân, đồng thời hứa hẹn tạo ra các sản phẩm từ tép như mắm tép, tép khô với sản lượng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Thời gian tới, xã Nam Thịnh tiếp tục tạo điều kiện cho người dân phát triển khai thác hải sản, khuyến khích các chủ tàu tăng cường bám biển tổ chức sản xuất hiệu quả, đồng thời duy trì tốt hoạt động của các cơ sở chế biến hải sản. Đẩy mạnh phối hợp với ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tàu thuyền của ngư dân xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải cập cảng cá cửa Lân.


Mạnh Thắng