Thứ 4, 01/05/2024, 02:06[GMT+7]

Góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thứ 6, 06/11/2020 | 08:21:06
1,435 lượt xem

Đồng chí Phạm Xuân Biền, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh

Tôi rất đồng tình với những đánh giá trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) trình Đại hội XIII của Đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, mặc dù phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức song toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, theo tôi cần bổ sung một số hạn chế, khuyết điểm, đó là: Đổi mới giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, tham ô, tham nhũng, gây mất uy tín, giảm sút lòng tin của nhân dân. Về dự thảo Báo cáo công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, tôi đề nghị bổ sung cụ thể ở một số lĩnh vực: Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình vẫn là khâu yếu trong sinh hoạt đảng; chưa trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Trong công tác phát triển đảng viên, một số cấp ủy còn chạy theo số lượng, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng. Một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Việc kiểm tra, giám sát cấp ủy viên cùng cấp còn ít; nội dung kiểm tra về lĩnh vực tài chính, tài sản, công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương

Nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) trình Đại hội XIII của Đảng, tôi rất phấn khởi vì thấy Đảng ta đã xác định lấy đổi mới tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong những năm tới. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ... Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Cơ cấu lại thị trường tài chính - tiền tệ đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng vốn có hiệu quả. Đảng cũng xác định cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Tôi cho rằng đó vừa là chủ trương vừa là giải pháp rất sát với đòi hỏi thực tiễn trong thời kỳ toàn cầu hóa; đây thực sự là luồng gió mới giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển và hội nhập thành công, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

Ông Hoàng Minh Định, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Thái Bình

Tôi nhất trí cao với các kết quả, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) trình Đại hội XIII của Đảng, nhất là 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là hoàn toàn phù hợp, thể hiện rõ định hướng tạo động lực mới cho đất nước phát triển nhanh và bền vững; huy động, phát huy nguồn lực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở phần định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, theo tôi cần điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường theo hướng tăng cao hơn so với dự thảo. Bởi vì ở nước ta hiện nay tình trạng nước thải công nghiệp không được xử lý thải ra môi trường đã đến mức trên báo động, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, là nguồn gây ra ung thư và dịch bệnh. Do đó, cần phải có giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn về vấn đề này để bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Thu Thủy - Khắc Duẩn