Thứ 3, 30/04/2024, 21:26[GMT+7]

Góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thứ 2, 09/11/2020 | 09:55:55
1,524 lượt xem

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được xây dựng công phu, nghiêm túc, khoa học và chặt chẽ; có tính khái quát và tổng kết cao những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, dự báo tình hình, dự thảo Báo cáo chính trị đã đưa ra những định hướng cụ thể mang tính chiến lược, không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới mà xa hơn đến năm 2045 để phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về nội dung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, có một số điểm mới và khá nhiều nội dung được bổ sung, phát triển trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong đó, lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến nhiệm vụ “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” vừa mang tính lý luận, khái quát vừa mang tính thực tiễn rất cao và cơ sở để những hệ giá trị đó trở thành động lực quan trọng “khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh....” (cũng là một trong những điểm mới của dự thảo Báo cáo chính trị). Trong nội dung về phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, dự thảo Báo cáo chính trị đề ra nhiệm vụ “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường”, đây là nhiệm vụ quan trọng mà các văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm thực hiện để phát huy cao độ vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội và phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh)

Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị rất công phu, trí tuệ, khoa học, mang tính tổng hợp và khái quát rất cao. Với chủ đề của Đại hội là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng như 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được đề ra đã thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, phản ánh mục tiêu lớn và phương hướng cơ bản cùng quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân trong nhiệm kỳ tới và giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đất nước và quốc tế hiện nay có nhiều thay đổi, nhất là diễn biến cũng như tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, chính vì thế, cùng với việc đánh giá sát tình hình thực tế, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, tôi mong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu và đề ra nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa nhằm tranh thủ tối đa thuận lợi, chỉ đạo tổ chức khai thác tốt các nguồn thu, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, từ đó thu đúng, thu đủ và thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước.

Ông Chu Đăng Tước, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tôi nhất trí với những nhận định, đánh giá trong dự thảo Báo cáo, nội dung đánh giá bảo đảm đầy đủ, toàn diện, sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong những năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, kinh tế - xã hội nước ta vẫn sẽ tiếp tục chịu tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, thêm vào đó là những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường nên việc xác định hệ thống mục tiêu nhất là về kinh tế cần nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng các yếu tố này. Về sản xuất nông nghiệp, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ để tạo môi trường, động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp cả nước nhằm định hướng lâu dài, có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa