Thứ 4, 01/05/2024, 00:16[GMT+7]

Vận dụng quan điểm toàn diện và quan điểm phát triển trong đánh giá thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần XX

Thứ 2, 30/11/2020 | 09:36:46
46,121 lượt xem
Trong triết học Mác - Lênin, phép biện chứng duy vật đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Ảnh: Hiền Trâm

Phép biện chứng duy vật mác xít không chỉ xem xét sự vật, hiện tượng trên lập trường thế giới quan duy vật mà còn bằng phương pháp tư duy biện chứng khoa học. Vì vậy, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới trên cơ sở phương pháp luận biện chứng duy vật là hết sức cần thiết.

Nội dung của phép biện chứng duy vật bao quát phạm vi tương đối rộng lớn, trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đề cập đến việc vận dụng một số quan điểm được rút ra từ việc nghiên cứu phép biện chứng duy vật để đánh giá thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ý nghĩa phương pháp luận được rút ra từ việc nghiên cứu nguyên lý về mối liên hệ phổ biến đó là quan điểm toàn diện. Trên cơ sở quan điểm toàn diện, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; chỉ rõ hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm. Theo đó, Nghị quyết Đại hội khẳng định: Đảng bộ, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và đạt được nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện. Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 có ý nghĩa quan trọng, to lớn, tạo nền tảng, vị thế và điều kiện mới cho tỉnh nhà tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong những năm tới. Trong đánh giá này, tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội đã được Đại hội đề cập đến một cách khá toàn diện.

Một trong những yêu cầu của quan điểm toàn diện là khi xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng đòi hỏi chúng ta phải có trọng tâm, trọng điểm, chống tư tưởng bình quân, dàn trải. Yêu cầu này cũng được thể hiện khá rõ nét khi Đại hội xác định tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (2) Tích cực đổi mới sáng tạo và thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính; (3) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tham gia vào chuỗi giá trị; (4) Thường xuyên củng cố, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; (5) Xây dựng con người Thái Bình phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, thể chất và năng lực. Tích cực đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình.

Quan điểm toàn diện cũng yêu cầu trong hoạt động thực tiễn, muốn cải tạo sự vật phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm, Đại hội đưa ra các giải pháp đồng bộ: (1) Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; (2) Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; (3) Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại của Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; (4) Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Các nhiệm vụ và giải pháp này thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Nếu như nguyên lý về mối liên hệ phổ biến cho phép chúng ta rút ra quan điểm toàn diện, thì nguyên lý về sự phát triển cho phép chúng ta rút ra quan điểm phát triển với các yêu cầu cơ bản sau: Một là, phải nhận thức sự vật, hiện tượng trong sự vận động, phát triển và phải phát hiện ra khuynh hướng vận động, phát triển của nó; Hai là,phát triển là khó khăn, bao gồm cả sự thụt lùi tạm thời, do vậy trong hoạt động thực tiễn khi gặp khó khăn, thất bại tạm thời phải biết tin tưởng vào tương lai; Ba là,cần chống bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới, bởi lẽ mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới luôn vận động, biến đổi và phát triển.

Quán triệt quan điểm toàn diện và quan điểm phát triển; trên cơ sở phân tích bối cảnh, những nhân tố tác động đến tỉnh Thái Bình trong những năm tới, Đại hội xác định rõ mục tiêu phát triển tổng quát nhưng rất toàn diện trong 5 năm tới là: “Phát huy thành quả và kinh nghiệm của các nhiệm kỳ qua, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”.

Từ thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX sẽ tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đã đề ra, cùng cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thạc sĩ Bùi Thị Quý
(Trường Chính trị tỉnh)

  • Từ khóa