Thứ 7, 10/08/2024, 08:21[GMT+7]

Chuyện người con gái thành Nam làm trang trại bên bờ sông Lân

Thứ 2, 19/09/2011 | 16:00:24
3,450 lượt xem
Những năm gần đây, phong trào xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi ở huyện ven biển Tiền Hải phát triển khá mạnh. Toàn huyện có 400 trang trại trong tổng số gần 2000 gia trại, trang trại. Trong đó có hơn 10 trang trạng quy mô hàng ngàn đầu lợn được nuôi theo công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới. Trang trại Thái- Hoa, xã Đông Lâm cũng là một trong hình mẫu để hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại và bền vững.

Chăm sóc lợn tại Trang trại Thái - Hoa.

Cách cống Lân I (về phía Đông Minh) chừng 500 m, men theo con đường nhựa nhỏ nằm giữa ngút ngát màu xanh của rừng phi lao là đến  trang trại Thái - Hoa. Cảm nhận đầu tiên mà chúng tôi tới nơi này là không khí yên tĩnh và trong lành. Chị Trần Thị Thuấn Hoa, người con đất thành Namon>on>, chủ trang trại tiếp chúng tôi trên ngôi nhà sàn được dựng trên sông Lân.

 

Chị Hoa kể cho chúng tôi "con đường" dẫn tới việc về Tiền Hải đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại. Trước khi về đầu tư, chị đã có nhiều năm hợp tác lao động tại Hàn Quốc. Về nước, vợ chồng chị sinh sống ở thành phố, nhưng luôn canh cánh nỗi lòng hướng về Đông Lâm, quê chồng chị, anh Thái. Hưởng ứng lời kêu gọi con em về đầu tư phát triển quê hương, năm 2008, Thái- Hoa đã thuê 32.800m2 đất trống bên trái sông Lân (thuộc địa phận Nam Cường) để xây dựng trang trại nuôi lợn thịt (cơ sở 1).

 

Đến nay tổng số vốn đầu tư vào đây lên tới nhiều tỷ đồng. Hoa tâm sự, với số vốn ấy, nếu đơn thuần để kinh doanh dịch vụ trên thành phố, chắc chắn đời sống cũng khấm khá. Đầu tư vào trang trại không chỉ nhọc nhằn vì đường sá xa xôi, cách nhà ở tới 34 - 35km, còn canh cánh lo âu mỗi khi nghe  tin dịch bệnh, bão lụt ... Bù lại là niềm vui nho nhỏ đã đóng góp một phần để tri ân với mảnh đất quê cha, đất tổ và vui hơn, mỗi kỳ xuất chuồng, thu hồi lại một phần vốn bỏ ra - đó là thành quả do công sức, trí tuệ của chính bản thân bỏ ra. Ước tính, lợi nhuận trang trại thu về khoảng 1 tỷ/ năm. Trần Thị Thuấn Hoa kể tiếp, từ khi đầu tư vào trang trại, lúc nào cũng bảo đảm 2.000 đầu lợn, mỗi năm xuất được 500 tấn thịt lợn hơi. Sáu tháng đầu năm nay, trang trại Thái- Hoa đã xuất trên 400 tấn, phấn đấu năm 2011 đạt số lượng 1.000 tấn .

 

Cùng với lợi nhuận thu được, trang trại Thái- Hoa đã giải quyết việc làm và thu nhập thường xuyên 2,8 triệu đồng/người/tháng cho 6 lao động là người địa phương. Trả lời câu hỏi: Vì sao Thái- Hoa lại chọn hình thức gia công cho CP. Chị Hoa bộc bạch: Khi còn lao động ở Hàn Quốc, vợ chồng Hoa đã đi thăm nhiều mô hình trang trại ở nước này. Mắt thấy, tai nghe về phương pháp chăn nuôi theo công nghệ hiện đại vừa sớm mang lại hiệu quả lại sản xuất ra thực phẩm sạch. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại (tiền vốn, kỹ thuật, tập quán...) chưa thể tự làm được. Hợp đồng chăn nuôi theo công nghệ CP (Thái Lan), nhằm hai mục đích: Tích luỹ vốn và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới cho nông nghiệp để tiến tới tách ra chăn nuôi độc lập. Cả 2 nội dung này phù hợp với chủ trương của tỉnh về phát triển chăn nuôi theo hướng gia traị, trang trại.

 

Thăm cơ sở 2, cũng cạnh bờ sông Lân, thuộc địa phận xã Đông Lâm, chúng tôi đi từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác. ở cơ sở 1, trang trại  gấp 2 lần quy mô trại chăn nuôi Vũ Thắng (1.000 đầu lợn) lẫy lừng danh tiếng trong Nam, ngoài Bắc thời bao cấp. Lợn nuôi trong  các ô chuồng kín, hệ thống gió và nước được xử lý hiện đại; phân và nước thải được đưa vào bể bi ô ga, tái chế thành khí đốt... Đến cơ sở 2, diện tích tới 58.000m2. Công việc ở đây đang được thi công khá khẩn trương.  Anh Bùi Nam Thái, thay vợ làm hướng dẫn viên, vừa đi vừa chỉ cho chúng tôi đi xem bảy dãy chuồng, gồm: 3 dãy chuồng đẻ, 1 dãy chuồng lợn đực, 2 dãy chuồng lợn nái chửa và một dãy chuồng "cách ly" lợn mới nhập về, sau thời gian kiểm tra, tiêm phòng an toàn mới đưa vào nhập đàn; hệ thống bể chứa phân, nước thải để sản xuất khí gas 2.700m3. Anh Thái cho biết, đây là khu chăn nuôi 1.200 lợn nái siêu nạc, cũng theo công nghệ hiện đại và gia công cho tập đoàn CP- Thái Lan. Có đầu tư đồng bộ, hiện đại thì CP mới cung cấp đầy đủ thức ăn và lo toàn bộ đầu ra. Hoàn thành xây dựng cơ bản và đưa vào sản xuất, mỗi tháng cơ sở 2 sẽ có hàng ngàn lợn sữa, cung cấp cho cơ sở nuôi nái hậu bị, số lợn đực được chuyển sang sản xuất lợn thương phẩm. Tổng mức đầu tư vào cơ sở 2 của Thái - Hoa đã lên tới gần 17 tỷ đồng.

 

Đến thời điểm 15/8/2011, công việc xây lắp đã đặt hơn 70%. Dãy chuồng lợn nái thứ nhất đã đưa vào sử dụng, với hơn 600 con. Hệ thống sản xuất nước sạch,  xử lý phân và nước thải đã đi vào vận hành. Trang trại đang đẩy nhanh tiến độ để đưa toàn bộ cơ sở chăn nuôi này vào hoạt động trong tháng 11/2011. Dự kiến, cơ sở 2  sẽ tiếp nhận, đào tạo và sử dụng từ 32 đến 35 lao động, với mức lương tương đương như cơ sở 1.

 

Với mong muốn phát triển chăn nuôi bền vững, Thái - Hoa có những kiến nghị với tỉnh và các ngành: Về cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư nên  chỉnh sửa,bổ sung, bởi một số quy định nay không còn phù hợp. Vốn vay cho phát triển trang trại cần phải ưu đãi, bởi đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Ngành điện cũng cần quan tâm đầu tư nâng cấp nguồn điện, đủ điện, đủ công suất. Chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, không thể mất điện dù chỉ là hàng phút. Mất điện phải chạy máy phát tốn kém, chi phí sản xuất sẽ đội lên. Ngoài ra, còn các vấn đề khác như giao thông, nước sạch, hỗ trợ khi dịch bệnh... cũng cần được quan tâm đúng mức. Trước mắt, coi trọng chăn nuôi gia công cho nước ngoài, vừa để tiếp thu công nghệ mới, vừa tích luỹ vốn và phương pháp quản lý và cũng là hướng "xuất khẩu" lao động tại chỗ.

Bài, ảnh: Phan Lợi

 

 

  • Từ khóa