Thứ 7, 10/08/2024, 16:19[GMT+7]

Thái Thụy phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Thứ 4, 23/09/2015 | 09:46:50
2,232 lượt xem
Thời gian tới, mục tiêu của Đảng bộ huyện Thái Thụy là lãnh đạo tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo đảm môi trường sinh thái. Phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy xung quanh vấn đề này.

Cảng cá Tân Sơn (Diêm Điền, Thái Thụy). Ảnh: Minh Đức

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật Thái Thụy đạt được trong phát triển kinh tế biển?

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng: 5 năm qua, bằng sự đột phá trong phát triển kinh tế biển, Thái Thụy đã tạo ra diện mạo nông thôn mới, nhất là các xã ven biển. Số hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm. Trên lĩnh vực nuôi trồng, huyện và 6 xã, thị trấn tiếp giáp với biển đã quy hoạch, phân định rõ các vùng nuôi và lựa chọn con nuôi phù hợp với từng vùng, do vậy đã góp phần đưa sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng bình quân hàng năm đạt 42.260 tấn, tốc độ tăng 6,12%/năm. Vùng nuôi ngao bãi triều đã được quy hoạch đưa vào nuôi ở 4 xã ven biển, diện tích nuôi 665,5ha, sản lượng khai thác đạt 9.000 tấn/năm… Đánh bắt, khai thác thủy sản được đầu tư phát triển, hướng khai thác đang chuyển dần xa bờ và có hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, toàn huyện có 478 phương tiện với tổng công suất 63.809CV, tăng trên 30.000CV so với năm 2010, trong đó có 83 tàu khai thác xa bờ; các tàu công suất nhỏ được thay thế bằng tàu có công suất trên 300CV, đưa công nghệ, thiết bị, lưới nghề tiên tiến vào khai thác trên các ngư trường… Vận tải biển và công nghiệp sửa chữa, đóng tàu biển cũng đang trên đà phục hồi. Chế biến thủy sản phát triển đa dạng về thành phần, quy mô và chủng loại sản phẩm; từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến, bảo quản và xây dựng thương hiệu. Công tác trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn tiếp tục được đầu tư nhằm bảo đảm môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Phóng viên: Thái Thụy có những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng: Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, Thái Thụy sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường sinh thái và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng, an ninh, thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hai là, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện hiện nay nhằm khai thác tiềm năng và các lợi thế về biển. Đồng thời, tăng cường sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, tạo sự gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực kinh tế biển với quốc phòng, an ninh trở thành một thể thống nhất, tạo điều kiện cho các địa phương ven biển phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng trời, vùng biển. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển; phòng, chống có hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và các hệ sinh thái biển.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp, ưu tiên các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đầu tư thích đáng cho các ngành có thế mạnh như khai thác, chế biến, hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển, khu neo đậu, dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, chế biến, đánh bắt. Trong đó, ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế, các trung tâm dịch vụ có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ, làm chủ biển, đảo…

Bốn là, xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế biển kết hợp với quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc để bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển. Quy hoạch các cụm công nghiệp chế biến gắn với khai thác, nuôi trồng ra phía biển; di dời các cơ sở chế biến trong khu vực dân cư ra các cụm công nghiệp, tạo thành các trung tâm chế biến thủy hải sản tập trung. Kết hợp việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh để khuyến khích phát triển các đội tàu khai thác xa bờ, hiện đại hóa tàu cá gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển. Củng cố hoạt động dịch vụ vận tải. Tổ chức đào tạo nghề mới cho ngư dân và thành lập một số mô hình sản xuất trên biển; xây dựng hệ thống thông tin quản lý nghề cá và phối hợp phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Khuyến khích các dịch vụ hậu cần nghề cá, chấn chỉnh công tác quản lý và dịch vụ các cảng cá.

Năm là, tiếp tục xây dựng lực lượng, tổ chức điều chỉnh và triển khai thế trận quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên biển một cách hợp lý. Kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, thế trận lòng dân trên biển. Xây dựng, phát triển tổ, đội đánh bắt, khai thác trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tiếp tục đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn nhằm bảo đảm môi trường sinh thái. Phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phan Lợi
(thực hiện)

  • Từ khóa