Chủ nhật, 19/05/2024, 09:37[GMT+7]

Hưng Hà phòng chống lũ lụt bão năm 2010

Thứ 7, 21/08/2010 | 08:41:13
2,645 lượt xem
Để đối phó với mùa mưa, bão năm 2010, Hưng Hà đã đề ra mục tiêu: chủ động phòng tránh, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt cho công tác phòng chống lụt bão; tránh mọi biểu hiện chủ quan lơ là, mất cảnh giác, kiên quyết giữ vững hệ thống đê sông và tiêu úng kịp thời cho lúa mùa, cây trồng, vật nuôi ở mức cao nhất, đồng thời nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Công nhân công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình khơi thông dòng chảy tại sông Cầu Nguyễn - Đông Hưng. Ảnh: Ngọc Trâm

Để thực hiện có hiệu quả, hiện nay Hưng Hà đã triển khai, quán triệt sâu sắc đến từng cấp uỷ, chính quyền và nhân dân thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, tập trung nhân lực, vật lực cho công tác PCLB.

 

Hưng Hà, có 3 tuyến đê với tổng chiều dài 40,1 km, 9 cống dưới đê và nhiều hệ thống kè mỏ, kè lát mái hộ đê. Trong những năm qua hệ thống đê điều trên địa bàn Hưng Hà thường xuyên được đầu tư kinh phí tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nên đã bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hạt quản lý đê điều huyện, hiện nay hệ thống đê, kè, cống có một số hạng mục công trình đã xuống cấp không bảo đảm đủ tiêu chuẩn thiết kế, nền đê được đắp trên nền địa chất yếu...

 

Do đó, trong mùa mưa, bão năm nay cần phải được kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến để phát hiện, xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra. Đối với công trình đê cụm I, thuộc xã Hồng Minh, Chí Hoà có 4, 7 km được láng nhựa nhưng chất lượng kém, hiện đã hỏng hết; tre chắn sóng thưa không đủ khả năng chống lũ, bão trùng hợp.

 

Công trình đê cụm II, tại km 139+500 - km 140+300 thuộc xã Tiến Đức và km 142+500 - km 144+200 xã Hồng An khi có lũ báo động số I đê phát sinh nhiều mạch sủi... Đặc biệt hiện nay trên các tuyến đê, kè, cống ở một số địa phương còn xảy ra tình trạng để đất, vật liệu lên mặt đê, mái đê, gần khu vực kè, mang cống, vạc xén chân đê...; một số hộ ở xã Hoà Tiến còn xây nhà, trang trại, lò gạch ở bãi sông, đào đất không có giấy phép.

 

Một số các tuyến đê sông, kênh thuỷ lợi nội đồng còn bị lấn chiếm xây dựng lều quán, đào đất hai bên bờ sông. Trước thực trạng trên, Hưng Hà đã phân loại chất lượng đê, kè, cống để có các phương án xử lý xong trước khi mùa mưa, bão đến, đồng thời đề ra các giải pháp khi có sự cố xảy ra.

 

Hiện nay, trên địa bàn Hưng Hà được phân ra hai trọng điểm xung yếu, trọng điểm I có đê, kè Nhật Tảo từ km 139+500 - km 140+300, thuộc đê tả Hồng Hà I; trọng điểm xung yếu II có đê, kè Lão Khê từ km 133+200 - km 133+600, đê, kè Đào Thành từ km 4+400 - km5+150...

 

Đối với các trọng điểm xung yếu này, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Hạt quản lý đê lập phương án xử lý trình huyện phê duyệt trước mùa mưa bão để giao cho các tiểu ban chỉ huy PCLB.

 

Theo đó các cụm PCLB có trọng điểm xung yếu có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra để chủ động việc huy động nhân lực, vật tư, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu; thực hiện việc cắm vè theo dõi diễn biến sạt lở những khu vực có kè ngay từ khi có báo động số I; tổng số tre vè cắm là 930 cây, trong đó kè Nhật tảo 200 cây, Thanh Nga 100 cây, Việt Yên 100 cây, Đào Thành 100 cây...

 

Với những xã, thị trấn có đê bối, huyện đã chỉ đạo kiểm tra toàn tuyến, bố trí kinh phí, nhân lực để tu bổ, gia cố những đoạn xung yếu, mặt đê nhỏ, thấp không bảo đảm an toàn khi nước lũ lên cao. Đồng thời chủ động bố trí thời vụ, cây trồng cho phù hợp trong vùng đê bối để thu hoạch sớm trước khi có lũ về nhằm hạn chế thiệt hại khi đê bối bị vỡ.

 

Mặc dù công tác phòng chống lụt, bão ở Hưng Hà đã đi vào nền nếp; song để phát huy sức mạnh giữa tiền phương với hậu phương xử lý ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra, Ban chỉ huy PCLB huyện đã bố trí 3 tuyến tiếp ứng hộ đê phòng lụt.

 

Tuyến I, gồm 14 xã, thị trấn duyên giang, mỗi địa phương tổ chức 4 lực lượng về canh coi, cừ sách, xung kích, giao thông hoả tốc; tuyến II có 14 xã, thị trấn nội đồng sẽ tiếp ứng các xã ở tuyến I; tuyến III có 7 xã sẽ chuẩn bị vật tư, nhân lực khi cần thiết huy động để bổ sung cho tiền phương.

 

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp, trường học... cũng được phân công bố trí nhân lực hộ đê, lực lượng bảo vệ cơ quan để khi có lệnh huy động sẽ đáp ứng kịp thời. Riêng đối với Ban chỉ huy quân sự huyện thành lập một tiểu đoàn quân dự bị động viên có đầy đủ tư trang, dụng cụ, phương tiện cần thiết, tham mưu hiệp đồng với cấp trên một tiểu đoàn bộ đội chính quy để tăng cường cho huyện khi cần thiết.

 

Bên cạnh đó, một số ban ngành (phòng công thương, bưu điện...) được phân công cụ thể về phương tiện vận chuyển, thông tin liên lạc, thường trực tại các xã, thị trấn để nhận và triển khai lệnh của cấp trên kịp thời, chính xác. Để chuẩn bị vật tư ngay tại chỗ, Hưng Hà đã giao cho mỗi xã, thị trấn chuẩn bị 1 nghìn cây tre, 100 cây bạch đàn, phi lao, 3 nghìn bao tải, 100 xe đạp thồ; mỗi gia đình chuẩn bị 2 bao tải, 1 bó rào; mỗi trọng điểm xung yếu chuẩn bị từ 3 nghìn đến 4 nghìn bao tải, 500 bó rào.

 

Năm 2010, Hưng Hà được Nhà nước đầu tư kinh phí cho cứng hoá mặt đê tả Hồng Hà I, dài 1000m bằng bê tông; đắp mở rộng mặt cắt ngang đê tả Hồng Hà I xã Hồng An dài 2000 m; xây một điếm gác nước, với khối lượng đào đắp 5800 m3, đá dăm cấp phối 530 m3, bê tông 1000 m3.

 

Hiện nay các công trình này đơn vị thi công đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư và bắt tay vào làm, bảo đảm xong trước mùa lũ, bão đến. Ngoài vốn của cấp trên, Hưng Hà còn huy động vốn của địa phương để gia cố đê tả Hồng Hà I dài 1000 m; đắp sửa mặt đê, mái đê, đắp dốc khối lượng 9780 m3; sửa chữa một số điếm gác nước, với kinh phí ngày công gần 300 triệu đồng. Các công việc duy tu, bảo dưỡng trên huyện đã giao cho các xã duyên giang tập trung nhân lực thi công, bảo đảm xong trước 30/5/2010.

 

Nguyên Bình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày