Thứ 7, 27/07/2024, 23:32[GMT+7]

Ngư dân Cao Bình Ước mơ khai thác hải sản xa bờ

Thứ 4, 20/08/2014 | 08:16:43
899 lượt xem
Thôn Cao Bình (xã Hồng Tiến, Kiến Xương) được biết đến với nghề khai thác thủy, hải sản truyền thống. Tuy khai thác bằng thuyền với công suất nhỏ nhưng nghề đánh bắt thủy, hải sản mang lại thu nhập đáng kể cho những người dân nơi đây. Bám biển không chỉ để mưu sinh, ngư dân Cao Bình còn góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hạ tầng cơ sở của thôn Cao Bình (xã Hồng Tiến, Kiến Xương) được đầu tư xây dựng.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó Trưởng thôn Cao Bình khi thuyền của ông vừa khai thác từ vùng biển Hải Phòng trở về. Ông Thiệu cho biết: Thôn Cao Bình hiện có 150 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản có công suất từ 15 - 30 CV tham gia khai thác trên ngư trường nằm trong vịnh Bắc Bộ. Thôn có 176 hộ, 860 khẩu thì có đến trên 400 lao động tham gia đánh bắt thủy, hải sản. Do khó khăn về vốn, nhân lực nên các phương tiện khai thác nhỏ, trang thiết bị thô sơ, kỹ thuật đánh bắt cũng đơn giản, chủ yếu khai thác ven và trung bờ. Một vài năm trở lại đây, ngoài lượng tôm cá, ngư dân Cao Bình đã tập trung đánh bắt và chế biến sứa nên cho thu nhập khá cao; bình quân mỗi thuyền thu nhập từ 700.000 - 800.000 đồng/ngày, 400 - 500 triệu đồng/năm. Ông Cao Kim Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: 6 tháng đầu năm 2014, giá trị thu nhập từ ngành thủy sản của xã đạt 22 tỷ đồng, chiếm 36% tổng giá trị sản xuất, trong đó thu từ khai thác hải sản đạt trên 10 tỷ đồng.

Nhằm bảo đảm cho ngư dân khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, đồng thời bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trên ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Hồng Tiến đã tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản, Luật Biển Việt Nam cũng như các đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về biển, đảo, các quy định của tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường. Xã cũng khuyến khích ngư dân xây dựng và thành lập các tổ hợp tác, khai thác hải sản theo tổ đội để kịp thời thông báo, hỗ trợ nhau khi có bão lũ, tình huống xấu xảy ra. Ðể ngư dân Cao Bình yên tâm bám biển, năm 2008, UBND tỉnh đã triển khai dự án sắp xếp cư dân làng chài Cao Bình, cấp đất và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 200 hộ dân. Không chỉ được cấp đất làm nhà, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng gồm điện, đường, trường mầm non, hội trường thôn được xây dựng khang trang.

Ðến nay, 63 hộ của đợt 1 đã được cấp đất, làm nhà, được cầm trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 80% số trẻ trong độ tuổi đến trường đã được đi học. Anh Nguyễn Văn Thế, một ngư dân vui mừng chia sẻ: Sau bao năm lênh đênh sống cảnh sông nước, giờ đây gia đình tôi đã có chỗ che nắng, che mưa mỗi khi thuyền cập bến. Con cái được học hành, bố mẹ già có nơi ở khang trang, không còn phải theo thuyền bươn chải có lẽ là niềm vui lớn nhất với mỗi ngư dân như tôi, giúp chúng tôi yên tâm hơn trước mỗi chuyến vươn khơi. Không chỉ có chốn an cư, những ngư dân được cấp đất cũng có cơ hội được thế chấp, vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng để sửa chữa, nâng cấp phương tiện đánh bắt, nâng cao giá trị khai thác.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thiệu, mỗi ngư dân Cao Bình mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các cấp, ngành để họ được vươn xa hơn nữa ở những ngư trường tiềm năng. Ông Thiệu cho biết: Là nghề truyền thống của địa phương, mỗi ngư dân Cao Bình đều rất giàu kinh nghiệm đi biển; họ thông thạo các cửa biển trong vùng, tiếp cận nhanh với các phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác, đánh bắt hải sản. Ðóng tàu công suất lớn vươn khơi là ước mơ cháy bỏng của nhiều ngư dân nơi đây. Ðể đánh bắt xa bờ cần tàu có công suất hàng trăm CV tương ứng với số tiền bỏ ra hàng tỷ đồng, vượt xa khả năng tài chính của họ. Số ngư dân chưa được cấp đất ở còn nhiều, khi trong tay “không mảnh đất cắm dùi” thì không thể tiếp cận với các nguồn vốn vay. Thực tế cho thấy, các hộ được cấp đất cũng chỉ có thể được vay 20 - 30 triệu đồng do giá trị tài sản thế chấp rất thấp. Nội dung Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, theo đó ngư dân được vay vốn đóng tàu đã được chính quyền địa phương phổ biến đến mỗi ngư dân. Toàn thôn có 12 chủ tàu đăng ký vay vốn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi, tuy nhiên khả năng tài chính hạn hẹp nên khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.

Có an cư mới lạc nghiệp, mỗi ngư dân Cao Bình mong muốn các cấp, các ngành sớm đẩy nhanh tiến độ cấp đất ở, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để từ đó có thêm những con tàu vững chãi, tự tin trước biển phát triển kinh tế, bảo vệ, giữ gìn và khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày