Chủ nhật, 19/05/2024, 02:26[GMT+7]

Đoàn TNCS HCM xã Bình Nguyên - Kiến Xương Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Thứ 6, 26/11/2010 | 07:44:38
2,397 lượt xem
Là một xã nội đồng, không có nghề phụ lại xa trung tâm kinh tế, chính trị của huyện, tỉnh, nhưng đời sống của người dân Bình Nguyên, huyện Kiến Xương ngày càng khởi sắc, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 04 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của Tỉnh uỷ đi vào cuộc sống.

Nông dân xã Bình Nguyên (Kiến Xương) chăm sóc cây màu vụ đông. Ảnh: Ngọc trâm

Đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình trang trại, gia trại làm ăn có hiệu quả và trong số đó phải để đến những mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng của thanh niên.

Hiện toàn xã có gần 1.500 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nhưng chỉ có khoảng trên 100 ĐVTN thường xuyên có mặt tại địa phương. Đây là một trong những khó khăn rất lớn cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên của xã. Nhưng với tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, rất nhiều thanh niên Bình Nguyên lựa chọn gắn bó với quê hương, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình.

 

Và họ đã trở thành những ông chủ triệu phú không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho người lao động trong và ngoài xã, góp phần thay đổi diện mạo của quê hương Bình Nguyên. Anh Phạm Trọng Anh- Bí thư Đoàn xã cho biết: Bình Nguyên hiện có trên chục triệu phú là ĐVTN, họ đã kỳ công gây dựng nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, tiểu thủ công nghiệp hay những mô hình trang trại VAC... hàng năm cho thu nhập từ một đến vài trăm triệu đồng.

 

Theo chân các đồng chí trong Ban Thường vụ Đoàn xã, chúng tôi đến thăm gia trại của anh Nguyễn Viết Xuân- 28 tuổi, xóm Lạng, thôn Đông Lâu mới hiểu hết ý chí vươn lên làm giàu của những thanh niên nơi đây. Ngay sau khi xã có chủ trương cho nông dân đấu thầu đất 2 lúa úng trũng cho năng suất thấp chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, anh Xuân cùng gia đình đã mạnh dạn làm đơn nhận thầu trên 5.000 m2 ruộng để thả cá kết hợp với nuôi lợn và vịt, gà.

 

Ban đầu vốn ít, chưa có kinh nghiệm, anh nuôi giống vịt cỏ và các giống cá truyền thống như trôi, trắm, mè, dần dần tích luỹ được chút vốn cộng với nguồn vốn vay của ngân hàng, anh bắt tay vào cải tạo, đắp bờ quy hoạch vùng nuôi. Bước đầu anh thả khoảng 100 con vịt siêu trứng, 20 con lợn, 100 con gà. Tận dụng nguồn thức ăn thừa, phân và nước thải, anh đã kết hợp nuôi cá mè, trôi, trắm.

 

Nhờ tính cần cù, chịu khó học hỏi, tuân thủ tốt yếu tố phòng dịch bệnh và được sự nhiệt tình hướng dẫn của khuyến nông viên xã nên đàn gia súc, gia cầm phát triển rất tốt, không xảy ra dịch bệnh. Ngay năm đầu tiên, anh đã có lãi trên 30 triệu đồng và đến nay tổng đàn gà, vịt của gia đình anh đã lên đến hàng trăm con, trên  30 con lợn.

 

Hàng năm, anh bán ra thị trường trên 1 tấn cá các loại. Trung bình mỗi năm trừ các khoản chi phí, còn thu lãi từ 65- 70 triệu đồng. Không những giỏi làm kinh tế, trên cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ đoàn xã, anh luôn năng nổ, nhiệt tình trong công tác phong trào; đồng thời luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn những bạn ĐVTN trong xã về kinh nghiệm chăn nuôi, cũng như cách phòng chống dịch bệnh. Còn với cách lập nghiệp của ĐVTN Nguyễn Văn Thương- 24 tuổi thì hoàn toàn khác.

 

Chấp nhận từ bỏ công việc đầu bếp ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp nấu ăn để trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn” làm giàu từ con lợn, con gà. Khó khăn lớn nhất khi trở về quê lập nghiệp là không được sự đồng thuận của gia đình, họ hàng, bởi lúc đó Thương còn quá trẻ, mới tròn 21 tuổi. Nhưng với quyết tâm làm giàu, cuối cùng em đã thuyết phục được gia đình và họ hàng đầu tư nguồn vốn hơn 100 triệu đồng để xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung với hơn 100 con lợn vào cuối năm 2008.

 

Thương chia sẻ: Trong kinh doanh không ai nói trước được điều gì, bản thân em đã phải đối mặt với khó khăn khi dịch lợn tai xanh xảy ra tại địa phương đầu năm 2010. Cũng như nhiều gia đình khác, toàn bộ đàn lợn hơn 200 con, cùng 6 con lợn nái đã bị nhiễm bệnh, 50% bị chết, thiệt hại trên 50 triệu đồng nhưng với quyết tâm, em tiếp tục đầu tư. Sau 6 tháng, không những thu hồi được nguồn vốn bị thua lỗ mà còn lãi trên 50 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2010, lợi nhuận đạt gần 100 triệu đồng.

 

Bóng chiều đã ngả, cũng đã đến lúc chia tay những ông chủ trẻ xã Bình Nguyên ra về, lòng tôi dâng lên cảm xúc khó tả. Mỗi người một hoàn cảnh, môi trường sống, làm việc khác nhau, nhưng họ đều có chung một nhiệt huyết của tuổi trẻ: năng động, nhiệt tình, dám nghĩ dám làm và đầy quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách để vươn lên khẳng định mình.

P.V

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày