Thứ 7, 10/08/2024, 16:19[GMT+7]

Tiền Hải phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Thứ 5, 06/08/2015 | 08:39:51
2,344 lượt xem
70% dân số là nông dân, kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp nên trước mắt cũng như lâu dài, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Tiền Hải. Vì vậy phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa là hướng đi đang được huyện chú trọng.

Trồng cây củ đậu tại xã An Ninh (Tiền Hải).

Những năm qua, mặc dù tỷ trọng nông nghiệp của Tiền Hải ngày càng giảm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng bình quân 6,78%/năm. Năng suất lúa bình quân 5 năm đạt 125,5 tạ/ha, lúa chất lượng cao được mở rộng và phát triển ở cả 2 vụ với nhiều giống lúa mới, đặc biệt đã dần khắc phục việc chậm thời vụ. Toàn huyện có 21 xã quy vùng xây dựng cánh đồng mẫu với diện tích 1.327ha, trong đó 11 xã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Sản xuất cây màu được mở rộng ở cả vụ xuân, vụ hè, vụ đông; vụ đông năm 2014 đạt 3.575ha, tăng trên 700ha so với năm 2010. Ngoài cây màu truyền thống, nhiều cây màu có giá trị kinh tế cao như khoai tây, bí xanh, cà chua F1, sa lát... đã được đưa vào sản xuất vụ đông.

Chăn nuôi của Tiền Hải phát triển cả về số lượng và chất lượng.  Đàn lợn bình quân hàng năm đạt 143.000 con, đàn gia cầm 1,3 triệu con. Toàn huyện có 40 trang trại, 1.654 gia trại, trong đó có 19 trang trại quy mô lớn, công nghệ cao. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2015 ước đạt 284,7 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 34,3% so với năm 2010. Trong lĩnh vực thủy sản, Tiền Hải phát triển mạnh nuôi trồng, khai thác, từng bước đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu. Sản lượng khai thác hàng năm bình quân đạt 16.650 tấn, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân hàng năm 13,48%. 

Những kết quả đã đạt được là tiền đề tạo ra hướng đi mới cho Tiền Hải phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong thời gian tới, huyện xác định tập trung ưu tiên thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tăng tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ; tạo quy mô đủ lớn để sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Theo đó, huyện giữ vững diện tích lúa ổn định 20.000ha/năm, năng suất đạt từ 125 - 130 tạ/năm; trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 50% diện tích gieo cấy trở lên. Thực hiện tốt phương thức luân canh: lúa xuân - cây hè - lúa mùa - cây màu vụ đông với cây trồng phù hợp yêu cầu thị trường, phù hợp với từng vùng. Mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, bình quân đạt từ 60 - 70% diện tích/vụ. Tiến tới thực hiện mỗi xã chỉ cấy từ 2 - 3 giống lúa và có cánh đồng mẫu từ 50 - 100ha trở lên cấy 1 loại giống và xây dựng thương hiệu gạo thơm Tiền Hải. Phát triển cây vụ đông với diện tích trên 3.700ha/năm thành vụ chính theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn công nghệ cao tại các vùng chăn nuôi ở 21 xã đã quy hoạch với diện tích là 367,1ha. Phát triển chăn nuôi lợn ngoại, đàn lợn nái F1. Tạo bước đột phá về chuyển đổi loại hình chăn nuôi gia cầm, giảm áp lực ô nhiễm môi trường. Làm tốt công tác tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản cả 3 lĩnh vực: nước mặn, nước lợ, nước ngọt, bảo đảm tăng trưởng gắn với chế biến và mở rộng thị trường. Phấn đấu sản lượng nuôi ngao hàng năm đạt 55.000 - 60.000 tấn. Mở rộng diện tích nuôi trồng nước lợ với đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú P15, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cua xanh… Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, đóng mới tàu và ngư cụ cho tàu xa bờ và trung bờ, giảm khai thác ven bờ, gắn khai thác với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nâng cấp, hoàn thiện bến cá, khu vực neo đậu tàu thuyền; phát triển và quản lý tốt diện tích rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn.

Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày