Thứ 7, 10/08/2024, 10:26[GMT+7]

Thái Thụy- chăn nuôi gia trại, trang trại phát triển mạnh

Thứ 3, 15/09/2015 | 10:31:48
4,791 lượt xem
Những năm qua, chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung ở huyện Thái Thụy phát triển mạnh, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, hạn chế phát sinh dịch bệnh mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Trang trại chăn nuôi gà ở xã Thái Phúc (Thái Thụy).

 

Mạnh dạn đấu thầu 5ha vùng đất úng trũng ven sông Hóa của xã Thụy Hưng, anh Bùi Minh Toán đầu tư đào đắp xây dựng thành mô hình trang trại tổng hợp. Anh luôn duy trì 6.000 gà đẻ, 60 đôi chim bồ câu Pháp, 30 con lợn rừng và hơn 3ha ao cá, mỗi năm từ trang trại thu nhập hàng trăm triệu đồng.

 

Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi của huyện Thái Thụy có sự chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng thông qua việc thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại bảo đảm an toàn dịch bệnh. Giải pháp này phù hợp với định hướng chung của tỉnh về phát triển chăn nuôi: từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn, khuyến khích sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi. Hiện toàn huyện Thái Thụy có 6 khu chăn nuôi tập trung, diện tích gần 160ha, 2.800 gia trại, 92 trang trại chăn nuôi. Trong đó 11 trang trại quy mô lớn, mỗi trang trại 1.500 - 5.000 lợn thịt, 600 - 1.000 lợn  nái, 3.000 - 6.000 con gà. Từ việc thúc đẩy kinh tế trang trại, gia trại góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 39,9% giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Đến thăm khu chăn nuôi tập trung ở Chiều Tô, xã Thụy Ninh mới thấy được sự đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất ven đê vốn được xem là  vùng đất khó. Nếu như trước đây, mùa màng năm được năm mất, cố gắng lắm người dân mới đủ ăn thì giờ đây 23 gia trại đều là những mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế xã Thụy Ninh phát triển mạnh. Ông Vũ Hữu Diễn, cán bộ xã Thụy Ninh cho biết: Khu Chiều Tô được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 11,2ha. Trong quá trình thực hiện, UBND huyện hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đến nay, mô hình đang phát huy tốt hiệu quả.

 

Tạo đà thúc đẩy chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, thời gian qua, huyện Thái Thụy hoàn tất các thủ tục giao đất lâu dài, chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phổ biến cung cách làm ăn mới nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, khuyến khích nông dân tích cực chuyển đổi diện tích ven sông, đất bãi cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi xa khu dân cư. Các trang trại, gia trại trên địa bàn đã góp phần từng bước hình thành phương thức sản xuất quy mô lớn, hạn chế tình trạng sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao. Đặc biệt, phát triển kinh tế trang trại luôn gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện và gắn với việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nông nghiệp, nông thôn; từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn.

 

Trong thời gian tới, huyện Thái Thụy sẽ xây dựng thí điểm vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở một số vùng chuyển đổi ở các địa phương, đồng thời chú trọng cải tạo đàn giống. Đối với đàn bò, tăng tỷ lệ sin hóa, giống Giê-bu. Đưa giống lợn cao sản vào sản xuất. Đối với gia cầm, sẽ thay đổi các giống có năng suất, chất lượng sản phẩm thấp bằng các giống có giá trị kinh tế cao. Hướng tới xây dựng vùng sản xuất chăn nuôi đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với sự liên kết trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

 

Tuy nhiên, việc phát triển trang trại trên địa bàn huyện Thái Thụy còn nhiều khó khăn, đó là cơ sở hạ tầng ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, phần lớn các chủ trang trại thiếu vốn trong quá trình sản xuất, khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Giá con giống, thức ăn, vật tư trong chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Đây cũng là bài toán đòi hỏi cần có biện pháp tháo gỡ nhằm đưa chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

 

Hoàng Hương

(Đài Truyền thanh Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày