Chủ nhật, 11/08/2024, 04:26[GMT+7]

Hướng đi mới cho cây tỏi Thái Thụy

Thứ 5, 31/12/2015 | 09:14:33
841 lượt xem
Thành công của Dự án không chỉ tạo hướng đi mới, phát triển bền vững cho những người nông dân trồng tỏi tại Thái Thụy mà còn là bài học quý đối với các nhà quản lý và các địa phương trong việc nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp.

 

Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tận dụng ưu thế và tiềm năng đất đai của từng vùng đã làm cho bức tranh của nền nông nghiệp Thái Bình có thêm những nét mới với việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh tập trung, tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng nghĩa với việc đòi hỏi cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại. Vì vậy, canh tác những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đang là một hướng phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp Thái Bình. Để thực hiện thành công, một trong những phương pháp bền chắc và hiệu quả là phải xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản tại địa phương. Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” dùng cho sản phẩm tỏi của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình” ký mã hiệu CT68 2012-2013/TW thuộc Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp” giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Sở Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện. Sau 2 năm triển khai, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đến nay, Dự án đang trong quá trình chờ Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu vào đầu năm 2016.  

 

Ông Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

 

Chúng tôi luôn quan tâm đến phát triển mọi mặt đời sống nhân dân, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Những năm qua, nông nghiệp Thái Thụy có sự phát triển vững chắc, góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của địa phương và của tỉnh. Chúng tôi rất quan tâm đến việc xây dựng thành công Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” dùng cho sản phẩm tỏi của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình”. Dự án không chỉ là hướng đi mới giúp người nông dân tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất đặc sản tỏi của địa phương, giúp người sản xuất, kinh doanh sản phẩm tỏi Thái Thụy bảo đảm đời sống mà còn góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị kinh tế - xã hội của huyện.

 

Ông Hoàng Văn Tâm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Tôi đánh giá cao việc Thái Bình xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm được sản xuất tại địa phương, trong đó có tỏi Thái Thụy. Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” dùng cho sản phẩm tỏi của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình” không chỉ thành công trong việc sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu, xây dựng hệ thống công cụ để quản lý sản phẩm tỏi dưới nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” đưa ra trên thị trường dựa trên phương án khai thác thị trường có hiệu quả, đưa lại danh tiếng và nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, chống sản phẩm nhái mà còn giúp người nông dân trồng tỏi nâng cao ý thức sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, mở rộng diện tích canh tác, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hướng đến sự phát triển bền vững cho cây tỏi.

 

Chị Đỗ Thị Thanh, tiểu thương chợ Gú, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy)

 

Trước sự tràn lan của tỏi Trung Quốc trên thị trường nên nhiều người tiêu dùng bị nhầm lẫn với đặc sản tỏi Thái Thụy. Gia đình tôi kinh doanh hành, tỏi đã lâu, tôi thấy việc xây dựng thương hiệu cho tỏi Thái Thụy là việc làm rất cần thiết, không chỉ giúp chúng tôi tiêu thụ được hàng hóa dễ hơn mà còn bảo đảm uy tín cho địa phương, nâng cao đời sống của bà con nông dân.

 

Trịnh Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày