Thứ 7, 10/08/2024, 16:17[GMT+7]

Bài ca người trồng lúa

Thứ 5, 04/02/2016 | 11:36:28
5,161 lượt xem
Người nông dân đang từng ngày làm chủ đồng ruộng, họ luôn yêu đất và mong muốn được làm giàu từ đất. Bài ca về cây lúa vẫn mãi là bài ca gần gũi, dung dị và thân thương nhất nhưng thêm vào đó còn có bài ca tự hào về người trồng lúa hôm nay.

 

Chồng công tác xa, một mình chị vẫn cấy hơn một mẫu ruộng. Khi nghe hỏi tại sao có một mình chị lại làm được như vậy, chị cười hề hà: Các cô ở thành phố mà xem ra lạc hậu quá, không biết người nông dân chúng tôi đã đổi mới lắm rồi. Tiếng là hơn một mẫu nhưng ruộng chỉ còn một mảnh, cấy, gặt, chăm sóc rất thuận lợi. Vụ cấy cũng như vụ gặt, chỉ vài ngày là xong. Mùa cấy đổi công cho chị em trong làng, mùa gặt đã có máy liên hoàn, chỉ việc mang thóc về sân! Chị kề cà giải thích thêm, đấy là do đồng ruộng chỗ thấp chỗ cao, phần nhiều là ruộng trũng chưa làm được gieo thẳng chứ nếu không đã có thể thuê ruộng cấy nhiều hơn nữa. Họ hàng ở thành phố lâu ngày mới về quê ai cũng tròn mắt nghe chị kể chuyện đồng áng, ruộng vườn, nhiều người góp ý chị đừng tham việc quá, phải lo giữ sức khỏe, chị vẫn cười hề hà: Quanh xóm, phụ nữ bà nào cũng tham việc như thế. Sáng dậy từ lúc trời còn tờ mờ để nấu cơm, nấu nước, tất bật bèo cám, lợn gà cả ngày, đến khi gà đã lên hết chuồng mới nghỉ ngơi. Trong làng đã hình thành cả một đội cấy thuê. Ðến vụ cấy, các bà vô cùng tất bật. Cấy hết trong làng ra đến ngoài xã, đến khi hết mùa cấy mới nghỉ.

 

“Người nông dân không ai là không chăm chỉ” - nhận xét này quả đúng khi được nghe kể chuyện về sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Không chỉ có chị mà nhiều nông dân đều phân tích: Tài sản lớn nhất của người nông dân suy đến cùng cũng chỉ có đất, có lúa, nếu không gắn bó với đất, với lúa, không yêu đất, không yêu lúa thì đời sống khó mà khá lên được. Vì vậy, trong khi ngày càng có nhiều người rời làng, rời quê đi làm ăn xa thì bù lại vẫn còn những người hết lòng gắn bó với đồng ruộng. Luân canh gối vụ, đất không nghỉ, người cũng không nghỉ và họ cũng nhanh nhạy nắm bắt thị trường để chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân các địa phương An Ấp, An Cầu, Quỳnh Minh, Quỳnh Hội… (Quỳnh Phụ) một năm thu hai vụ lúa (một vụ lúa chính, một vụ lúa tái sinh) và thêm vụ đông chủ lực trồng ớt. Nông dân các xã Thụy Trường, Thụy An, Thụy Tân, Thái Nguyên… (Thái Thụy) cùng với lúa cũng có thêm vụ trồng hành, tỏi. Nông dân các xã Song An, Trung An, Song Lãng (Vũ Thư) luân canh vừa trồng lúa, vừa trồng hoa màu từ xuân hè sang đến thu đông. Không chỉ có lúa, nhiều làng hoa xen giữa làng lúa đã trở nên tên tuổi tại các địa phương như các làng hoa Vũ Chính (thành phố Thái Bình), Bách Thuận (Vũ Thư), Minh Tân, Hồng Việt (Ðông Hưng), Minh Hòa (Hưng Hà). Nhiều tập quán canh tác cũ đã được thay thế bằng những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, tư duy của người nông dân cũng mới lên từng ngày. Vì vậy, cánh đồng mẫu lớn đã hình thành ở khắp các địa phương.

 

 

Ðưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

 

Thăm mô hình cánh đồng mẫu lớn tại nhiều địa phương, thấy rõ bà con nông dân đã dần vứt bỏ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thay vào đó là tư duy đổi mới, tăng cường liên kết. Liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà khoa học. Theo báo cáo, đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã xây dựng được 177 cánh đồng mẫu. Tính trung bình cứ 1,5 xã xây dựng được một cánh đồng mẫu. Ðây là kết quả khẳng định sự thành công của chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trên những cánh đồng mẫu tại các xã Bình Ðịnh (Kiến Xương), Thái Tân (Thái Thụy), Ðông Quý (Tiền Hải)…, phương thức sản xuất tập trung đã thực sự được áp dụng. Các hộ xã viên cùng sản xuất một loại giống, tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ, phòng trừ sâu bệnh, địa phương, hợp tác xã chủ động với công tác thủy lợi, thủy nông. Phần lớn các hợp tác xã còn đứng lên liên kết để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Vì thế, chi phí đầu vào giảm, năng suất tăng, hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt. Hơn hết, việc xây dựng cánh đồng mẫu còn thể hiện được ý Ðảng lòng dân, thể hiện sự chia sẻ giữa cán bộ và nhân dân. Cán bộ địa phương, cán bộ hợp tác xã trở nên năng động, dám nghĩ, dám làm. Bà con nông dân từ bỏ dần thói quen trong nếp nghĩ: Mạnh nhà ai nhà ấy lo. Không chỉ có tập thể, nhiều cá nhân nông dân cũng mạnh dạn bứt phá thực hiện mô hình sản xuất tập trung. Thăm mô hình cánh đồng mẫu của ông Trần Xuân Lưỡng (xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương) - người đã vật lộn với đất để cải tạo ruộng hoang, sau gần 4 năm, mô hình sản xuất của ông đã có nhiều thay đổi. Sau khi đầu tư máy cày, máy gặt để cải tạo đất và sản xuất lúa, đón đầu vụ lúa xuân 2016, ông vừa tiếp tục đầu tư máy cấy để chuẩn bị bước vào vụ mới. Với gần 12ha đất trồng lúa, ông cho biết, không như những vụ đầu cấy lúa lai hoặc lúa thuần, vài vụ gần đây ông đã chuyển sang cấy lúa Nhật. Theo ông, lúa Nhật cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Ðiều đặc biệt là ông đã tự tìm được đầu ra rất ổn định. Thu hoạch 60 - 70 tấn thóc/vụ, ông ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Sau gặt, chỉ cần dồn thóc vào bao là đơn vị hợp đồng đã về thu nhận, không phải mất công trông nom, phơi sấy. Ðây chẳng phải là hướng đi đích thực của sản xuất lúa hàng hóa?

 

Tại khắp các làng xã trong tỉnh đã hình thành đội ngũ những người lao động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Người chuyên máy cày, người chuyên máy cấy, người chuyên phun thuốc trừ sâu, người chuyên gặt. Nhiều người phân tích, với sự phân công lao động nông nghiệp hướng đến sự chuyên nghiệp như hiện nay, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ khó có cơ hội phát triển bởi không có lãi. Sự hình thành và phân công lao động ngày càng chuyên nghiệp trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất tập trung là một nhu cầu phát triển tất yếu và đây cũng là tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Về nông thôn, gặp các lão nông tóc bạc, da mồi, nghe cười hể hả: Bây giờ máy làm thay người hết rồi, các anh, các chị chẳng mượn đến những người như chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn phải ra thăm đồng cho đỡ nhớ lúa!... Theo các cụ cao tuổi thì chưa có khi nào người nông dân sung sướng như bây giờ. Ði xe máy ra đến tận chân ruộng thăm lúa. Chỉ cần có sức khỏe và chí thú làm ăn thì tất cả nông dân ai cũng có của ăn của để. Cứ đà phát triển như hiện nay, trong tương lai không xa, nông dân Việt Nam sẽ hội nhập với nông dân các nước phát triển. Ðồng làng vẫn đi qua bốn mùa với những sắc màu cuộc sống: màu nâu trầm tư của đất, màu vàng no ấm của lúa, màu xanh tràn hy vọng của rau màu. Trên những mảnh đất thuần nông, người nông dân đã và đang từng ngày gắn bó với đất, với lúa, họ nghe lúa thở và nghe lúa hát. Ðã qua rồi cái thời “Người ta đi cấy lấy công…”. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau đang lùi dần vào dĩ vãng. Ước mơ “…và bao cô gái sẽ ngồi máy cấy” đang từng ngày hiện hữu trên mỗi cánh đồng. Người nông dân đang từng ngày làm chủ đồng ruộng, họ luôn yêu đất và mong muốn được làm giàu từ đất. Bài ca về cây lúa vẫn mãi là bài ca gần gũi, dung dị và thân thương nhất nhưng thêm vào đó còn có bài ca tự hào về người trồng lúa hôm nay.

 

Trần Thu Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày