Chủ nhật, 11/08/2024, 02:19[GMT+7]

Thái Thụy Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 23/02/2011 | 14:32:13
2,703 lượt xem
Năm 2010, 48/48 cơ sở hội nông dân ở Thái Thụy với 82% số hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Ngoài ra, mỗi xã đăng ký phấn đấu xây dựng từ 1 đến 2 mô hình điểm và mỗi chi hội giúp đỡ từ 1 đến 2 hộ nghèo trong thôn,  mỗi ban chấp hành hội ở xã gắn với một địa chỉ nhân đạo.

Mô hình làm nghề TTCN của nông dân Ngô Xuân Luyến (Thụy Dân- Thái Thụy)

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, đặc thù trong suốt quá trình hoạt động của Hội Nông dân huyện Thái Thụy.

Tham gia phong trào, nông dân được hỗ trợ vốn, giống, kiến thức khoa học kỹ thuật (KHKT) nên không ngừng sáng tạo, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Đồng Thị Quý cho biết: để giúp  hội viên đạt được các danh hiệu thi đua đã đăng ký, tổ chức hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đồng thời đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ nông dân.

Trong năm, hội đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng: Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, huy động các nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn Quốc gia giải quyết việc làm với tổng số tiền hơn 162 tỷ đồng cho 15.050 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất. Để giúp nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, các cơ sở hội tăng cường liên kết với các ngành, các công ty, các đơn vị... tổ chức 730 lớp chuyển giao KHKT trong thâm canh lúa màu, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc-gia cầm... với trên 50.000 lượt nông dân tham gia.

Hội nông dân huyện còn phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện tổ chức 5 lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho 100 nông dân tại 7 xã trong thời gian 2 tháng. Học viên không phải đóng học phí, được học ngay tại nhà, thực hành trên mô hình chăn nuôi của gia đình  nên rất phấn khởi, tích cực tham gia.

Đặc biệt, nhiều cơ sở hội còn tự liên kết với nhau, cùng góp kinh phí mở các lớp tập huấn, tổ chức cho cán bộ, hội viên đi thăm quan học tập các mô hình sản xuất như: hội nông dân xã Thái Phúc phối hợp với trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình mở lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho 30 học viên; 450 hội viên nông dân xã Thái Hồng, Thái Thuần, Thụy An, Thụy Trường, Thụy Dũng tham gia lớp đào tạo Trung cấp thuỷ sản trong thời gian 1 năm.

Hội nông dân xã Thái Thành  tổ chức cho một số hội viên đi thăm quan mô hình nuôi cá trạch, cua đồng ở Hà Tây; nông dân Thụy Quỳnh thăm mô hình lúa hàng hoá và nuôi cá sấu ở Ninh Bình; nông dân Thụy Phong đi thăm một số mô hình nuôi nhím ở trong và ngoài huyện.

Được tổ chức Hội hỗ trợ, tiếp sức làm giàu, hàng ngàn nông dân ở Thái Thụy  đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động khác. Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện, chúng tôi tìm về gia đình anh Ngô Xuân Luyến, một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi ở xã Thụy Dân, Thái Thụy.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng to rộng mới xây trị giá mấy trăm triệu đồng, anh cho biết: đây chính thành quả lao động từ làm nghề TTCN của hai vợ chồng trong những năm qua. Trước đây, hai vợ chồng cũng làm ruộng như nhiều nông dân  khác, vất vả mà cũng chẳng đủ ăn. Năm 2000, nghề mây tre đan phát triển mạnh, anh quyết định nhận hàng về làm thử, ban đầu chỉ gia đình làm, sau rủ hàng xóm,  bạn bè cùng làm, dần dần hình thành xưởng sản xuất lớn.

Hiện nay, anh liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất 2 nghề mây tre đan, móc sợi  tạo công ăn việc làm cho 200 lao động địa phương. Năm 2010, sau khi trừ các khoản chi phí nguyên liệu, công lao động hai vợ chồng thu nhập 120 triệu đồng. Khác với anh Luyến, nông dân Đào Viết Anh ( Cao Dương Hạ, Thụy Hưng) lại chọn hướng làm giầu bằng cách đầu tư xây dựng mô hình VAC tổng hợp trên diện tích 7.200m2 tại vùng chuyển đổi. Trong trang trại,  anh thường xuyên nuôi 30 lợn nái sinh sản, 80 đến 100 lợn thịt, 500 đến 1.000 gia cầm kết hợp đào ao thả cá, trồng cây ăn quả.

Sau khi trừ cho phí, mỗi năm gia đình có nguồn thu gần 100 triệu đồng. Hay như nông dân Nguyễn Đăng Tuyển ở xã Thái Đô, sau khi đầu tư nuôi tôm tại vùng chuyển đổi không hiệu quả, anh quyết định chuyển hướng sang nuôi ngao. Dốc hết vốn liếng trong nhà cộng thêm 60 triệu đồng vay Ngân hàng, hai vợ chồng nhận đấu thầu 1 ha vùng bãi triều ven biển cải tạo rồi thả giống. Mấy năm qua, ngao nuôi tỷ lệ sống cao lại bán được giá nên anh Tuyển trúng lớn, bình quân mỗi năm thu khoảng 200 triệu đồng, ngoài ra còn tạo thêm việc làm cho hàng chục lao động của địa phương.

Không chỉ  tự ý thức vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình các nông dân ở Thái Thụy còn luôn phát huy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn, xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nông thôn mới. Mỗi gia đình cán bộ, hội viên đều tham gia tích cực phong trào mỗi hộ đóng góp 10 ngàn đồng trở lên để giúp đỡ hộ nghèo. Tổng đã giúp đỡ các hộ tại cộng đồng nông thôn được 3.250 ngày công, 30 ngàn cây con giống, trên 900 triệu đồng tiền mặt; đồng thời góp 9,3 triệu đồng xây dựng sổ tình nghĩa, trên 1.000 ngàn ngày công, 165 triệu đồng cùng với MTTQ và các tổ chức đoàn thể xây dựng nhà tình thương tặng hộ nghèo.

Tại hầu hết các xã, thị trấn, nông dân tích cực đóng góp ý kiến vào quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi nông dân còn góp công góp của, hiến đất ruộng phục vụ quy hoạch làm đường giao thông. Qua bình xét các phong trào thi đua năm 2010, toàn huyện có 28.142 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 71% số hội viên đã đăng ký; 80% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình nông dân văn hoá.

 Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày