Thứ 2, 29/07/2024, 03:30[GMT+7]

MỄ THƯƠNG VÀ TRẬN CHIẾN BÊN SÔNG KỲ II: NGHI BINH THOÁT HIỂM

Thứ 3, 14/09/2010 | 22:13:49
1,765 lượt xem
Thực chất, nhà Trần đã có tầm nhìn xa trông rộng khi biết rằng đế quốc Nguyên - Mông chưa bao giờ nguôi ngoai ước mộng xâm lăng Đại Việt nên đã quyết định cho lập khu sản xuất lúa gạo lớn nhất Đại Việt ở A Sào - An Hiệp trang, nhằm kế sách chiến đấu lâu dài bảo vệ non sông Đại Việt.

Căn cứ Bát Đụn trang xưa, nay là những làng mạc trù phú. Ảnh: Quang Viện

Căn cứ Bát Đụn Trang trải rộng khắp miền ven biển. Vùng cửa sông hiểm yếu này được canh phòng cẩn mật. Hưng Đạo Vương cho bố trí bốn đồn phòng thủ sát hai bên cửa sông, riêng hai đồn phía tả ngạn được đặt ở Lưu Đồn ( Thụy Hồng) và Phương Man (Thụy Dũng). Cẩn trọng hơn, Hưng Đạo Vương còn cho bố trí rải rác khắp vùng lân cận các trại lính cùng nhiều bãi tập rèn luyện quân sỹ lớn nhỏ. Ở các cửa biển trọng yếu khác như cửa Đại Toàn ( sông Diêm Hộ, thị trấn Diêm Điền nay), Giao Hải ( cửa Ba Lạt nay) đều được bố trí quân phòng thủ, đồng thời còn cho cắm nhiều cọc gỗ, tre làm chướng ngại, ngăn bước lui của quân thù.

Các kho lương cũng được bố trí thuận lợi cho việc "điều binh, khiển tướng", đại quân có thể chiến đấu yên tâm vì quân không sợ đói. Bấy giờ các kho lương lớn như: kho Nại ( Liên Hiệp - Hưng Hà), Đại Nẫm ( Quỳnh Thọ - Quỳnh Phụ); Mễ Thương ( An Thái - Quỳnh Phụ); Phong Nẫm (Thụy Phong - Thái Thụy); Lưu Đồn (Thụy Hồng - Thái Thụy) luôn đầy ắp lương thảo có thể phục vụ đại chiến trong nhiều ngày. Người dân khắp vùng cùng các hào kiệt không tiếc thóc gạo đem đến kho lương hiến tặng đại quân. Sử thần Ngô Sỹ Liên ghi lại: "Năm Đinh Tỵ ( 1257), đời Nguyên Phong, giặc Nguyên sang cướp, các vương hầu cũng đem người nhà và hương binh, thổ hào làm quân giúp vua".

Tướng công họ Đào là người có công lao lớn trong việc giúp nhà Trần đánh giặc Thát bằng những đoạn xích sắt nơi cửa sông, cửa biển. Sau khi ông mất, nhân dân thương tiếc dựng đền thờ ông tại làng Hòe Thị xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình.

Ảnh: Quang Viện

Thực chất, nhà Trần đã có tầm nhìn xa trông rộng khi biết rằng đế quốc Nguyên - Mông chưa bao giờ nguôi ngoai ước mộng xâm lăng Đại Việt nên đã quyết định cho lập khu sản xuất lúa gạo lớn nhất Đại Việt ở A Sào - An Hiệp trang, nhằm kế sách chiến đấu lâu dài bảo vệ non sông Đại Việt. Sử cũ ghi: để trấn giữ kho lương quan trọng này, vua Trần chọn cử viên tướng hoàng tộc trẻ tuổi, tài năng khác thường là Trần Quốc Tuấn giữ chức Thượng vị hầu làm trấn thủ. Trước đó nhiều năm, trong chiến lược xây dựng quân đội nhà Trần quyết định chỉ chọn lựa đinh tráng ở một vài lộ phủ trù phú và tin cẩn nhất để sung vào đội quân túc vệ, thứ quân thời ấy được coi là "nanh vuốt" của triều đình. Long Hưng và Kiến Xương (Thái Bình) cũng được chọn là một trong số những lộ được chọn xung quân ấy. Các quân hiệu: Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần đều lấy quân dịch trai đinh ở Long Hưng.

Trai đinh Kiến Xương được xung quân Thánh Dực và Thần Sách. Cũng theo kế sách ấy, các vương hầu, hoàng tộc triều Trần cũng lấy luôn các nô tì, dân tráng quanh các điền trang, thái ấp ngay Long Hưng - Kiến Xương lập nên các đội quân mà triều đình đặt là: Vương hầu - gia đồng. Thực chất, đây là lực lượng quân đội dự bị tại chỗ hết sức quan trọng, khi đất nước có binh biến, đội quân này ngay lập tức được triệu tập và có thể xung trân ngay. Một trong những đội quân vương hầu - gia đồng thiện chiến làm thất điên bát đảo quân giặc ngay từ trận chiến đầu có tên gọi Tinh Cương ở đất Ngự Thiên do tướng quốc Thái úy Trần Nhật Hạo chỉ huy còn lưu giữ trong sử sách.

Hậu cần cho cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên - Mông không chỉ do các dòng sông mang lại, nhà Trần còn phân chia các khu vực cung ứng lương thảo rất hợp lý. Thợ dệt Phương La cung cấp quân phục, người làm công tác thương vận được giao cho Lưu Xá. Thợ rèn Cao Dương, Vế Diệc chuyên tâm rèn sửa binh khí, khi nhận được lệnh triệu gấp về đại bản doanh để lo rèn đúc "sửa sang khí giới" thì các thợ làng lâu năm trong nghề đều đồng loạt tới phục vụ. Các lò rèn ngày đêm đỏ lửa, sản xuất nhiều gươm, giáo do vậy mới có tên "đống gươm, đống giáo, đống yên". Khí giới được sản xuất nhiều thành những đống cao ngất, sau đó được chuyển về Am Qua (An Đồng), khu đống Yên (An Thái).

 

Theo truyền tụng tại thời điểm ấy, những người thợ rèn còn được giao thêm nhiệm vụ quan trọng là rèn đúc những đoạn xích sắt khổng lồ để chăng ở các cửa biển, cửa sông trọng yếu. Tướng công họ Đào là người có công lao lớn trong việc giúp nhà Trần đánh giặc Thát bằng những đoạn xích sắt nơi cửa sông, cửa biển. Sau khi ông mất, nhân dân thương tiếc dựng đền thờ ông tại làng Hòe Thị xã Đồng Tiến. Trong đền còn câu đối: Thiết võng tí Lục Đầu Giang hạ đại phá Nguyên binh" được dịch là: Lưới sắt giăng ở cửa Lục Đầu Giang dẹp tan giặc Thát.

 

Dân gian còn lưu truyền những câu chuyện cảm động về mối quan hệ quân dân nhà Trần rằng: bấy giờ Đại Việt bị quân Nguyên - Mông tàn phá, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn về A Sào (An Thái), nơi điền trang xưa của Phụng Kiền Vương Trần Liễu, cha mình để đặt đại bản doanh. Nhân dân nơi đây hết sức phấn khởi, khắp thôn cùng, ngõ hẻm đều vang lên lời ca, tiếng hát đón ông. Cũng là do "lòng người vẫn luyến phục chủ cũ" nên nhân dân khắp vùng chẳng ai bảo ai đều ùn ùn mang thóc lúa tới A Sào mong muốn được góp công, góp của và sức người cùng đại binh nhà Trần đánh giặc Thát.

 

Khi lượng thóc gạo của nhân dân chở đến đã đầy ắp kho Mễ Thương, quân đội nhà Trần phải huy động lực lượng chuyển lương sang các kho khác. Cứ như vậy, người góp thóc, gạo, hiến đất cày, kẻ góp công...rồi những kho đụn chứa lương thực cho kháng chiến cứ nhiều lên mãi. Những kho đụn lớn nhân dân quen gọi là Đại Nẫm. Dân gian lưu truyền, ở An Hiệp trang có một hào trưởng giàu có tên Trình Quang Minh, vừa chủ động tự mình hiến lúa gạo cho quân đội vừa đứng ra thu gom lúa gạo trong nhân dân cho đại quân, về sau ông được tin dùng, Trần Hưng Đạo hết lời ngợi ca công đức, giao cho làm quản kho. Hiện nay, ở đình An Hiệp (xã An Hiệp - Quỳnh Phụ) vẫn phối thờ ông cùng Hưng Đạo Vương.

 

Trở lại với quá khứ của lịch sử oai hùng, căn cứ Bát Đụn Trang có địa thế gò đống, chủ yếu là cồn cát còn lại là đầm lầy, lau lác, sú vẹt ngập trời trải dài đến sát mép biển. Tương truyền, do căn cứ đóng trên các cồn cát lại ở mép biển nên các đồn trại binh lính thiếu nước ngọt để ăn uống, nhưng lòng dân thuận ý trời nên nhiều làng đã cử trai tráng khỏe mạnh lên rừng sâu, núi thẳm tìm đá về ghép lại và đào đắp cả một hệ thống giếng nước ở trong đồn trại (khu gò Tu của thôn Lưu Đồn vẫn còn một số giếng nước, dấu tích một thời trận mạc).

 

Nước ngọt đã có, nhưng quan trọng hơn, quân đội nhà Trần mà trực tiếp ở đây là quân đội của Hưng Đạo Vương còn có được lòng dân. Để có những bãi tập luyện binh, dân chúng quanh vùng đã tập hợp lại cùng quân lính ra sức dọn bãi, san gò làm nơi luyện tập. Thuở binh đao ngày đó, xung quanh các đồn trại của nhà Trần luôn văng vẳng tiếng cờ reo, trống giục vang động cả một vùng trời vốn dĩ bình yên.

 

Quân giặc Nguyên - Mông không từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Việt. Những thất bại nặng nề và nhục nhã trước một nước Đại Việt nhỏ bé nhưng kiên cường đã làm cho sự tàn bạo của quân giặc tăng lên gấp bội. Chúng lại tiến công xâm lược Đại Việt. Sử cũ ghi: khoảng trung tuần tháng 2 năm 1285 sau khi dùng hơn nửa triệu quân có cả kỵ binh và bộ binh vượt qua biên giới tiến vào Đại Việt phá vỡ căn cứ Vạn Kiếp, đánh tan chiến tuyến sông Hồng, quân Nguyên - Mông tiến vào Thăng Long.

 

Chúng hả hê. Trấn Nam Vương Thoát Hoan cho một cánh quân lớn rượt đuổi theo dấu vết các Vua Trần. Sức giặc mạnh như gió đông, ào ạt như lửa cháy. Càng tiến sâu vào Đại Việt, quân giặc càng có vẻ thế thắng. Chúng mắc phải kế sách của nhà Trần "vườn không, nhà trống". Bởi, nhà Trần đã nhìn rõ tương quan lực lượng giữa ta và giặc nên đã chủ động rút quân chiến lược xuôi dòng sông về hạ lưu. Tuy đã chuẩn bị kỹ càng, nhưng vua tôi nhà Trần lúc bấy giờ không khỏi lao đao trước những tình huống gấp gáp và quyết liệt của cuộc chiến.

 

Hàng loạt các đồn trại của quân dân nhà Trần dọc theo hai bên sông Hồng bị giặc tàn phá, cơ đồ tưởng chừng bị "nuốt chửng" trong gang tấc. Nhưng, thế trận bên sông đã chờ sẵn. Cửa Hải Thị đã nghênh đón giặc đúng lúc. Nhà Trần huy động dân binh Long Hưng có vũ khí phối hợp với quân triều đình ở khắp các đồn trại dọc theo tuyến sông nhỏ, to trên đất lộ Long Hưng (được bố trí ẩn dựa vào chiến lũy trên sông, khai thác triệt để chướng ngại phòng thủ) tiến đánh quân thù. Sự chống chọi có tính chiến lược không kém phần ác liệt khiến quân Nguyên - Mông chùn bước. Chúng không thể hiểu nổi làm cách nào mà dân Đại Việt lại có thể khiến chúng không thể tiến thêm được bước nào nữa khi đặt chân đến vùng đất ngã ba sông Luộc.

 

Chúng càng không thể hiểu được rằng chỉ cần tranh thủ chút thời gian quý giá giữa hai trận chiến các vua Trần đã tập hợp được một lực lượng quân dân hùng hậu từ phủ Kiến Xương, Long Hưng, Thiên Trường, Trường Yên chuẩn bị phản công quyết liệt. Sử cũ chép rằng: đến ngày 10 tháng 3 năm 1285, được tin cánh quân lớn của Toa Đô đánh vòng từ phía nam đã ra tới Thanh Hóa, Thoát Hoan mới cho quân tiến đánh Long Hưng. Thế trận giặc dã như hai gọng kìm dần xiết chặt, vua tôi nhà Trần đã rút xuống gần biển, khéo léo dựa vào các đồn trại tổ chức cuộc hành quân mưu trí thoát được hiểm nguy.

 

 Trong trận chiến trên sông Hồng, vùng Đại Hoàng (giáp ranh giữa Kiến Xương và Thiên Trường) với Thoát Hoan, vua Trần giả bộ cầu hòa, cử phái bộ sang phía quân địch, đồng thời tổ chức những toán quân nhỏ quấy rối địch, tìm cách kìm chân chúng lại. Trong lúc "tranh tối, tranh sáng", vua tôi nhà Trần bí mật rút toàn bộ quân chủ lực ra cửa Giao Hải, theo đường biển lên lộ Hải Đông (Quảng Ninh). Giặc không hề hay biết đang bị lừa, quân Toa Đô tiến ra đến Trường Yên (Ninh Bình), Thoát Hoan thấy vững tin liền huy động quân mải miết truy tìm các vua Trần ở lộ Long Hưng.

 

Chúng không thể biết rằng, càng đi sâu vào cuộc chiến bí hiểm, chúng dần dần đã mất mục tiêu, bị quân dân nhà Trần dồn vào tình thế khốn quẫn, dịch bệnh. Nhận định đúng thời cơ, tháng 5 năm 1285 Hưng Đạo Vương  thân chinh dẫn đại quân kéo về Long Hưng diệt đồn A Lỗ (gần kề ngã ba Luộc) mở đầu cuộc tổng phản công quyết liệt quét sạch các cứ điểm của giặc dọc sông Hồng như Hàm Tử, Chương Dương, Man Trù, Tây Kết...

(Còn tiếp)

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

(Tài liệu tham khảo: ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày