Thứ 7, 28/12/2024, 04:00[GMT+7]

Vang bóng sông Diêm

Thứ 3, 21/12/2010 | 14:11:37
2,055 lượt xem
Vốn liếng thời gian chỉ vẻn vẹn hơn nửa thế kỷ từng mục sở thị vậy mà dòng Diêm Hộ đủ ăm ắp nơi tôi chuỗi kỷ niệm chẳng dễ nhạt phai.

Sông Diêm ngày hội. Ảnh: Ngọc Linh

Đã đầu thai tại làng Diêm Điền rất hiếm người thoát được kiếp bám biển mưu sinh. Rất tự nhiên, lũ trẻ con đều gặp nhau ở thứ “mệnh thủy” thiên định là đam mê nghịch nước. Trong làng cứ thấy người ra khích lệ con cháu tập bơi tập lặn. Dân biển mà không biết bơi đồng nghĩa hiểm họa luôn kè kè bên mình.

 

Có lẽ thế nơi đây từng khai sinh câu răn dạy đậm chất sông nước: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”. Là thú vui lại được người lớn cổ xúy nên bơi lội hiển hiện một thói quen cơ bắp của trẻ con làng biển Diêm Điền. Vào mùa hè cứ chiều chiều trẻ trong làng ới nhau ùa ra các bến sông đông vui như mở hội.

 

Thời Pháp thuộc dân Diêm Điền rất ít người có cơ tính chuyện học hành. Đói chữ cũng đành chịu nhưng phải học bơi để kiếm chút vốn “nhập môn” lo xa cho cuộc đời sông biển. Vận tải, đánh cá, quai xăm, đóng đáy, kéo vét, mò cua, lặn hàu, lặn hà, vớt củi trôi nổi khi triều cường... tất tật đều bắt đầu từ ngụp lặn mà ra.

 

Đặc chỉ những đứa trẻ tinh nghịch trong làng thời xa xưa, người Diêm Điền từng khai sinh đủ loại ngạn ngữ: “Lặn ngòi ngoi nước”, “Đầu sông ngọn nguồn”... Mấy ai ngờ rằng trong số đám nghịch tử “Lặn ngòi ngoi nước”, “Đầu sông ngọn nguồn”... ngày nào nhiều người được khoác áo vận động viên bơi lội cấp tỉnh, cấp quốc gia.

 

Một điều đáng tự hào là, làng Diêm Điền liên tục bổ sung cho Hải quân Việt Namon> lớp lớp chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm sông biển. Ở thập niên 60 của thế kỷ XX khi cuộc đọ sức giữa nhân dân Việt Nam với bọn xâm lược Mỹ đã lên tới đỉnh điểm, rất nhiều thanh niên bơi lội tên tuổi của Diêm Điền kịp thời có mặt trong đội ngũ đặc công nước trực tiếp chiến đấu trên các bến cảng và kênh rạch miền Nam. Nhiều người được phong tặng danh hiệu cao quý “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Không ít trong số họ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang giải phóng miền Namon> thống nhất Tổ quốc. Tên tuổi và chiến tích của họ cùng hội về điểm tô cho trang sử dòng Diêm Hộ thân thương nơi quê cha đất tổ.

 

Hôm nay về với dòng sông tuổi thơ ta không còn phải chứng kiến dấu ấn nhọc nhằn ở thời quá vãng. Đôi bờ Diêm Hộ nhà ngói, nhà tầng chen vai thích cánh. Mặt nước ngày đêm sôi động những con tàu hiện đại trăm tấn ngàn tấn hối hả vào ra. Vui đấy nhưng sao cứ canh cánh một nỗi buồn.

 

Vẫn khúc sông xưa, vẫn chu kỳ lên xuống muôn thuở của thủy triều nhưng lạ thật không thấy bóng dáng một đứa trẻ nào xuống sông vùng vẫy? Đâu phải trẻ con Diêm Điền từ chối bơi lội mà chính là nước sông bây giờ không đủ sạch để tắm để bơi nữa rồi. Một thế hệ, rồi nhiều thế hệ kế tiếp sẽ không còn chỗ tập bơi tập lặn nghĩa là mất hẳn nguồn danh tài bơi lội truyền thống. Sự thật nghiệt ngã này không dừng ở THIỆT THÒI mà phải gọi là ĐAU XÓT xem ra mới đúng lý.

 

Buồn cho cảnh ô nhiễm quanh khúc sông Diêm, người Diêm Điền cứ đau đáu về bức tranh phong thủy hoàn mỹ của quê hương thuở chưa quá xa. Nhắc đến chuyện xanh – sạch – đẹp của sông nước Diêm Điền xưa, trong đầu các bậc cao niên tự nhiên lại tái hiện như in chân dung một người được liệt vào hàng khả kính trong làng: Ông Đội Thứ.

 

Ông Thứ bị thực dân Pháp bắt làm lính đưa sang Châu Âu tham gia thế chiến thứ nhất 1914 – 1918. Trong thời gian ở Pháp ông đặc biệt để tâm quan sát cách bố trí cảnh quan của quốc gia phát triển này. Mãn hạn lính trở về, ông Thứ tìm mọi cách đem những bài học từ đất Pháp vận dụng vào công việc làm đẹp xóm đẹp làng. Trước khi động viên cả cộng đồng cùng tham gia, ông bỏ tiền của tự đứng ra xây dựng nhiều công trình công cộng rất độc đáo.

 

Cảm phục tâm huyết của ông Thứ rồi tận mắt chứng kiến thành quả do ông tạo ra, cả xóm cả làng bảo nhau góp công góp của vào việc làm đẹp môi trường. Ngoài lập kế hoạch cụ thể từng tháng từng năm, ông Thứ còn khích lệ thi đua giữa 5 xóm trong làng với nhau nên hễ bắt tay làm công trình nào là thấy ngay kết quả công trình đó. Đặt chân về đất Diêm Điền nếu chưa kịp chứng kiến hệ thống giếng thơi nước trong leo lẻo, chưa kịp dạo bước trên những đoạn ngõ ghép gạch sạch bong, khách thập phương đã đủ choáng ngợp trước vẻ đẹp quanh bờ ngòi, bờ sông Diêm Hộ.

 

Con kè xây đá kiên cố với độ dài mấy trăm mét thực sự là một công trình đa chức năng: Vừa là bức tường thành chắn sóng vừa là điểm xuất phát cho những cuộc đua tài bơi lặn của hàng trăm thanh thiếu niên mỗi khi triều cường. Ấy là chưa kể vào những đêm trăng hè, dân xóm kéo ra mặt kè hóng mát chuyện trò râm ran vui tới tận khuya.

 

Giữa làng Diêm Điền có đoạn ngòi cụt ăn thông ra dòng Diêm Hộ mà người nơi này quen gọi “sông con”. Được bàn tay ông Thứ cải tạo và chăm sóc, sông con liền biến thành một tiểu khu sinh thái ấn tượng để đời. Đoạn đường ven sông con xây bằng gạch ghé phẳng như sân, chính giữa được cách điệu hàng đá tảng 40x40cm đều tăm tắp. Đồng điệu quanh mặt nước sông con phải kể đến dáng xanh ngằn ngặt của phi lao của dừa của bàng...

 

Ở cái thời chưa ai biết điện là gì, ông Thứ đã nhạy bén dựng một loạt cây đèn tôn thêm nét văn hóa độc đáo cho con đường ven sông. Nhìn những chiếc đèn 5 mặt ghép kính được đặt trên cây cột xinh xắn cao gần 2 mét người ta như bắt gặp loại phương tiện chiếu sáng ven đường phố Pari, Mác-xây ở thế kỷ XIX.

 

Một mô hình sông nước, cảnh quan rất nên thơ kèm theo là bản hương ước chặt chẽ về môi trường do ông Thứ tư vấn khởi thảo khiến người Diêm Điền thuở ấy không một ai lỡ lơ đãng trách nhiệm của chính mình. Không có hiện tượng ràng, buộc trâu bò phá hại cây bóng mát. Không có hiện tượng trút rác bừa bãi xuống dòng sông... Từ trẻ đến già ai cũng sẵn ý thức bảo vệ đường làng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ những cây đèn rực sáng đêm đêm... Dòng sông con thông thủy bốn mùa vừa là nơi tránh bão cho thuyền bè vừa trở thành một hồ bơi tự nhiên đông vui vào mùa hè...

 

Cảnh quan sông nước y hệt một công viên như vậy đã trở thành hoài niệm khôn nguôi đối với những người Diêm Điền mỗi khi ôn cố tri tân. Thì ra đâu phải thiên nhiên mà là con người, chính con người mới đúng nghĩa tác nhân tạo ra môi trường đấy chứ!

 

Thấy rác rưởi, nước thải tràn lan. Thấy dòng sông Diêm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay tự nhiên cứ bật ra câu hỏi:

Đến bao giờ mới hết cảnh ta vô cảm với chính ta?

 

CTV: Hoàng Ngọc Khuyến

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày