Chủ nhật, 17/11/2024, 11:19[GMT+7]

Nhớ mùa hoa cải bên sông

Thứ 5, 09/12/2010 | 09:07:06
3,739 lượt xem
Có lẽ trong mỗi chúng ta không ai là không biết đến loài rau cải. Là món ăn rau được chế biến nhiều cách trong các bữa ăn của người Việt: Rau cải nấu canh, xào, luộc và muối dưa. Rau cải lại dễ trồng.

Từ nông thôn đến miền núi và ngay ở phố xã người ta cũng trồng trong những thùng xốp, vừa làm cảnh, vừa có rau ăn. Rau cải có thể trồng quanh năm nhưng vùng quê tôi thì rau cải trồng theo mùa.

Đó là mùa thu, khi những cơn mưa mùa Hạ không còn nữa, khi chớm gió heo may là bắt đầu gieo hạt cải. Khi cây cải lên được vài lá to bằng lá chè là người ra đánh ra trồng thành từng luống. Quê tôi cứ quen gọi là cải bẹ (vì cây ra từng bẹ lá to xếp đan nhau quanh gốc cải). Lá cải có vị cay, hăng, viền lá thì hơi xoăn lại. Loài cải bẹ này rất ưa sống ở nhữn chỗ đất ẩm ướt, nhất là những vùng phù sa, triền sông.

Vì thế dọc các triền sông quê tôi về mùa cải chỗ nào cũng thấy trồng. Chính vì ưa loại đất phù sa, triền sông nên cải rất nhanh tốt, lá cải rất xanh và non. Từ khi trồng xuống độ 20 ngày cải đã lên xanh rờn. Khi ấy người ta có thể tỉa dần lá cải để nấu canh, luộc. Nhưng có lẽ cải bẹ khi còn nen xanh như thế nấy canh là hợp và ngon hơn cả. Và có lẽ không ít những ai xa quê mà không nhớ tới món canh cải nấu cá rô đồng....

Đó là những buổi chiều khi tan học về tôi thường vác cần câu đi dọc triền sông. Cá rô cũng thường đi kiếm ăn vào những lúc chiều vàng lại háu ăn nên chả hôm nào là tôi không câu được năm, bảy chú cá rô vàng ươm. Khi ấy, mẹ lại ra bờ sông tỉa những bẹ cải non xanh về nấu canh. Cá rô thì luộc lên gỡ hết lấy thịt để ra, còn lại đầu xương già nhỏ lấy nước. Rau cải rửa sạch thái nhỏ cùng một lát gừng đập nhỏ. Khi nồi canh sôi đều thả số thịt cá rô đã gỡ vào... Cái cay hăng hăng của rau cải, cái vị ngọt, bùi, thơm của thịt cá rô, thật khó ai có thể quên được món canh cải nấu cá rô đồng này nếu đã một lần thưởng thức.

Khi những cơn gió heo may xa dần và những cơn gió bấc tràn về mang theo cái lạnh tê tái của mùa đông. đấy là lúc cải lên ngồng và chuẩn bị trổ hoa. Lúc ấy, lá cải không còn non xanh nữa đã gần chuyển sang màu vàng nhẹ nên chỉ hợp với muối dưa là ngon hơn cả. Để cho lá nhanh vàng, già thì muối dưa mói ngon, mẹ tôi thường ngắt những ngồng hoa cải mang về và luộc. Nước mắm cáy đỏ au mẹ đã ủ trong hũ từ hồi nào được đem ra chấm. Cái vị ngọt của ngồng cải, cái thơm lừng của nước mắm cáy vắt chanh đã tạo nên một hương vị ngọt ngào khó quên. Chẳng thế mà người ta ví “Cải ngồng non, gái một con...”.

Những cây cải để làm giống cho vụ sau thì ngồng đã lên cao, hoa đã trổ vàng và mùi thơm rất quyến rũ. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã không giấu nổi những cảm xúc để sáng tác nên: “Mùa Hoa Cải”. Bài thơ đã được nhạc sĩ Lê Vinh phổ nhạc. Và ca khúc ấy đã được rất nhiều độc giả yêu thích. Nhất là những người đã từng là người lính... “Có một mùa hoa cải - Nở vàng bên bến sông... Có một mùa hoa cải - nắng vàng trong mê mải...”.

Khi những cây cải đã ngả sang màu vàng là lúc thu hoạch. Đem phơi một hai nắng cho cải hơi héo rồi cho vào vại sành muối dưa. Cái vị cay, thơm của dưa cải còn mãi trong mỗi bữa ăn. Nhất là mỗi độ xuân về, Tết đến. Dưa cải, hành muối lịa làm ta nhớ đến hương vị của ngày Tết “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...”. Và mùa thu cũng sắp đi qua, có lẽ bên những triền sông của những miền quê tràn đầy hương đồng và gió nội; hoa cải đã bắt đầu trổ ngồng, đơm hoa.

Những bến sông rực vàng hoa cải còn mãi in dấu trong ký ức những người xa quê.

Trung Hiếu

(Công ty CP Xây dựng 2 - Quảng Ninh)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày