Chủ nhật, 17/11/2024, 11:20[GMT+7]

Những nẻo đường xuân Tân Phong

Thứ 2, 09/01/2012 | 10:36:31
1,402 lượt xem
Sớm xuân nay, chúng tôi theo dòng người hối hả, nhộn nhịp với xe thồ, quang gánh rau xanh, quả chín, hoa tươi, náo nức đổ về phiên chợ Mễ - Tân Phong. Cũng vẫn là mớ rau, nải chuối, nhưng đi chợ Tết ở quê vẫn có nét khác so với thành phố. Cây nhà, lá vườn từ chính đôi tay của những người cần mẫn, quanh năm “bới đất lật cỏ”dường như chứa đựng cả sự thân thiết, ân cần trong câu mời chào, nụ cười cũng dễ mến, dễ gần như đã thân quen từ lâu, hồ hởi như người làng trên, với người xóm dưới.

Theo bước mùa xuân về xã ven thị Tân Phong, dường như lần nào chúng tôi cũng ngỡ ngàng trước những đổi thay dù trong làng hay ngoài cánh đồng. Tân Phong là một trong 5 xã làm  điểm cuộc “cách mạng” ruộng đất. Đón xuân Tân Mão 2011, dồn điền đổi thửa thành công, đoàn nào đến Tân Phong thăm quan, cũng trầm trồ về cánh đồng trải rộng. Những ô thửa lớn vuông vắn. Bờ vùng, bờ trục, mương máng liền kề thẳng tắp. Bờ lô cách đều nhau 100 m. Điều quan trọng là trên cánh đồng được chỉnh trang thuận tiện nhiều mặt, nhân dân đầu tư mua 5 máy gặt, 7 máy cày trung, giải phóng sức lao động thủ công, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Kết quả tổng giá trị ngành trồng trọt đạt trên 44,7 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2010, bình quân 75 triệu đồng/ha. Canh tác trên những ô thửa lớn, là tiền đề để Tân Phong bước vào xây dựng 3 mô hình điểm sản xuất hàng hóa tập trung trên 3 chân: đất 2 lúa, đất bãi và vùng màu.

Ba mô hình luân canh:  gồm 3 vụ (2 lúa+ vụ đông), quy mô diện tích 20 ha; 4 vụ (ngô, lạc, khoai tây, rau) trên vùng bãi 27 ha; vùng màu nội đồng 23 ha chuyên sản xuất rau xanh cung cấp cho thành phố. Thành công những mô hình này sẽ mở ra hướng đột phá cho sản xuất nông nghiệp của Tân Phong.

 

Trên mỗi nẻo đường chúng tôi qua, nơi đâu cũng thấy không khí xuân rộn ràng, len lỏi từng ngôi nhà, tạo nên sự giao hòa trời đất và lòng người. Làm tươi mới khu trung tâm xã và các thôn, ban văn hóa xã đã kẻ vẽ 45 khẩu hiệu, 85 băng rôn, 12 bảng tường, 1 cụm panô tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Khi tư tưởng của người dân đã thông, họ trở thành những chủ thể tích cực góp công sức, tiền của làm đổi thay diện mạo làng quê, bởi điều đó mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của họ. Nhân dân thôn Mễ Sơn 2, góp 47 triệu đồng làm 66 m2  nền hội trường thôn, 250 m2 sân bê tông, mua các thiết bị trang trí hội trường. Đồng thời chung sức mở rộng tuyến đường ngõ xóm dài gần 200 m, trị giá hàng chục triệu đồng.

 

Phong trào thi đua làm đường giao thông các thôn lan tỏa, lôi cuốn con em xa quê đồng tình, ủng hộ, như gia đình ông Lại Văn Sơn hiện đang công tác tại Quảng Ninh ủng hộ thôn 100 triệu đồng.  Nhân dân Ô Mễ 1, Ô Mễ 2 góp ngày công, trên 50 triệu đồng bê tông hóa 272 m đường. Ngày 31/8/2011, Tân Phong được huyện chọn làm điểm phát động phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

 

Tết đến, xuân về là niềm vui chung của mọi nhà. Với gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, hộ nghèo ở thôn Ô Mễ 3 - xuân Nhâm Thìn là dấu ấn khó phai mờ bởi quá nửa đời người gia đình ông mới được đón xuân trong mái ấm tình thương của cô bác, họ tộc và bà con nhân dân 2 thôn Ô Mễ 1, Ô Mễ 3. Người giúp công, người góp tiền, tổng số trên 22 triệu đồng, UBND xã cấp đất, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể đứng lên vận động, dóng dựng khởi công công trình đúng vào ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.

 

Từ sau bài học thành công dồn điền đổi thửa, Đảng bộ Tân Phong tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn bằng việc phát huy dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận của ý Đảng và lòng dân. Những công việc cụ thể xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội được tuyên truyền, phổ biến công khai đến người dân theo lộ trình phấn đấu từng giai đoạn. Nhân dân được tham gia bàn bạc, quyết định lựa chọn những nội dung, công trình đầu tư. Họ thấy được vai trò  điều hành, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của ngân sách địa phương, trách nhiệm của người dân phải làm gì cho sự nghiệp và lợi ích của chính họ. Đó là điều ông Lê Thanh Phơn, Bí thư Đảng ủy xã trao đổi với chúng tôi. Ông cho biết: Mục tiêu giai đoạn 2011- 2015, tổng khối lượng xã phải thực hiện gồm: Xây dựng 5.520 m máng cứng, 149 cống đầu khâu, 600 m cống bi, đào đắp bổ sung trên 46.000 m3 đất, làm đường bê tông trục chính ngoài đồng gần 3000 m; làm đường trục xã, thôn, xóm trên 13,5 km.

 

Để hoàn thành các công trình trên, qua khảo sát cần phải vận động nhân dân ở cạnh các tuyến giao thông trong xã hiến trên 13.000 m2 đất, dỡ gần 9.000 m2 tường dậu, 27 nhà kiên cố, 67 công trình phụ, di chuyển gần 200 cột điện thoại, điện sáng. Tổng số vốn phải huy động (2011- 2015) là 144 tỷ đồng, gồm: vốn Nhà nước hỗ trợ 33%, ngân sách xã 54%, nhân dân góp 13% và 7000 ngày công lao động. Tân Phong đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Người dân đầu tư chỉnh trang nhà cửa, xây dựng các công trình vệ sinh, cải tạo vườn tạp, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được cải thiện. Sau những ngày vui xuân, làng quê lại dồn sức mở hội xuống đồng gieo cấy lúa xuân đúng thời vụ.

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày