Chủ nhật, 17/11/2024, 11:19[GMT+7]

Cá nắng

Thứ 5, 16/09/2010 | 10:11:12
1,775 lượt xem
Không riêng gì thành phố mà ngay ở nhiều vùng quê dễ gì tìm được con cua, con rạm? Giờ thì không thấy hẳn rồi, còn ngày xưa lại có cả đấy mà rất sẵn nữa là khác. Đồng ruộng thuở ấy sao mà thanh khiết, sao mà sẵn cá đến vậy. Tháng 5, tháng 6 vào buổi trưa nắng lửa nước ruộng nóng như sôi. Không chịu nổi, cua ngoi lên gốc rạ, ngoi hết cả lên bờ.

Ảnh mang tính minh họa

Qua 4 thập kỷ rồi vẫn nghe vang vọng đâu đây câu thơ của Thần đồng Trần Đăng Khoa:

 “...Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy...”

Lời thơ đâu chỉ đặc tả chân dung lừng lững của mẹ ta, chị ta giữa thời bom Mỹ đầy trời. Chịu lục tìm còn thấy ẩn hiện bức tranh sinh thái của đồng ruộng Việt Namon> nữa đấy chứ. Bây giờ tại các nhà hàng, khách sạn, món canh cua đồng đã đứng vào danh mục “đặc sản”.

Cá tôm dồn vào hang hốc, bóng cây, bụi cỏ. Già trẻ, gái trai ới nhau túa ra đồng bắt cá nắng vui như hội. Bắt cá nắng chả cần nơm vó gì hết. Chỉ một chiếc rổ chao kèm chiếc giỏ tre đủ trọn vẹn bộ đồ nghề rồi đấy. Cũng không ít người thủ hẳn 2-3 chiếc giỏ các cỡ. Những chiếc giỏ giắt quanh thắt lưng coi bộ lặc lè lôi thôi vậy nhưng tiện ích đáo để: Giỏ đựng cua, giỏ chứa cá, giỏ để tôm tép đâu ra đấy chẳng sợ cua cắp, nát cá, nát tôm. Bắt cá nắng không phải lội xuống ruộng.

 Đi dọc các bờ lấy rổ mà chao, dùng tay mà bắt mà chộp loáng cái đã nặng giỏ. Gặp chân ruộng trũng cua cá tụ lại nháo nhào, ngoi ngoi, quẫy quẫy tìm cách trốn chạy khỏi nguồn nước đang nóng như sôi thế là người nọ gọi người kia túm tụm thi nhau chao xúc cho thật nhanh. Nhanh nhưng không tranh không cướp. Mà chẳng tội gì phải tranh phải cướp trong khi ven bờ ruộng nào cũng nhung nhúc cua cá chết bỏng. Phải nhanh nếu không mặt trời xế bóng khiến nước nguội dần cua cá hồi sức sẽ lẩn bằng sạch. Phải nhanh để thoát khỏi ông mặt trời chói chang cứ nhằm đỉnh đầu mà rọi lửa.

Đi bắt cá nắng cần có sức, cần đủ gan chịu được cái nóng hầm hập đến từ ba bốn bên. Không ít người xách được giỏ cá vừa về đến nhà đã phải nằm vật ra vì say nắng. Vào ngày bội thu cá nắng, giữa trưa ngoài cánh đồng nhộn nhịp bao nhiêu thì ngay chiều ấy trong xóm trong làng lại hồ hởi tất bật bấy nhiêu. Nhà nào cũng đầy cua đầy cá, muốn bán chắc gì đã có người mua, thế là ai cũng tìm cách chế biến dùng dần. Vào đâu cũng gặp lỉnh kỉnh nào chĩnh, nào vại ủ mắm tôm mắm tép.

 Đường ngang ngõ tắt tíu tít những bước chân tăng tả qua lại. Người ới xin quả khế quả chay, kẻ chạy tìm củ gừng củ nghệ mà ngỡ không khí lễ hội ẩm thực ngàn cưa đang phảng phất đâu đây. Nói đến cá nắng chẳng gì ngoài con rô, con giếc, con quả, con trê. Cá nắng tạp vậy nhưng món ăn được chế biến phong phú muôn hình vạn trạng. Không thể rõ bao lâu rồi, chỉ biết từ con cá nắng từng ra đời một món ăn được liệt vào hàng “phổ cập” tươi rói thương hiệu dân dã: “Cá kho húi trấu”.

Dân dã bởi dụng cụ làm món cá kho húi trấu chỉ là chiếc nồi đất chẳng vạ gì phải lụy vào nồi đồng nồi nhôm cầu kỳ. Riêng khoản đồ đun cũng thế, ngoài rơm rạ và nắm trấu chớ có dại lạm dụng than, củi mà tốn tiền. Muốn thưởng thức cá kho húi trấu đúng nghĩa lại lơ đãng khâu gia giảm cũng coi như vứt. Gia giảm đã sẵn cây nhà lá vườn có điều đa phần phải dưới dạng khô mới dậy mùi, mới ngon: Chay khô, khế khô, ớt khô, củ cải khô, vỏ hành khô...

Một chiếc nồi bỗng được lót lá gừng, lá nghệ dưới đáy. Cá rửa sạch tẩm ướp mắm muối, nước hàng, tương chua rồi trộn đều với gia giảm, tất cả ém vào nồi. Sau ít phút đun nhỏ lửa cho ngấm mắm muối, đổ nước bằng cái lại tiếp rục đun tới khi cá đủ chín. Lấy mảnh lá chuối bịt kín miệng nồi, úp vung thật khít tránh tro bụi. Xong xuôi chỉ việc dùng than bắc nồi đặt vào. Đốt thêm nắm rơm bên trên sau đó đổ trấu trùm kín nồi cá. Trấu âm ỉ cháy, nồi cá cứ thế lách rách sôi đẫy buổi. Cá chín cách này mới đích thực “cá kho húi trấu”. Đĩa cá húi trấu ngào ngạt vị hương đồng gió nội. Con cá húi trấu rắn đanh khoe màu thẫm đặc trưng ăn cứ nhừ tươm khiến tất thảy nam phụ, lão ấu ai rồi cũng... mắc nghiện.

Đồng ruộng thời hóa chất bùng nổ bây giờ có bói cũng không ra cá nắng nữa rồi, cho dù sức nóng mùa hè đã gay gắt vượt hẳn ngày xưa. Buồn vì không được tận hưởng cái thú bắt cá nắng càng buồn gấp bội khi thấy họ hàng nhà thủy sinh đã bị “chu di” đến tuyệt tự trước sự tác oai của đủ loại hóa chất.

Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3 thị trấn Diêm Điền-Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày