Thứ 2, 06/05/2024, 21:02[GMT+7]

Vang mãi bản anh hùng ca xuân Mậu Thân 1968

Thứ 2, 12/02/2018 | 09:38:15
1,434 lượt xem
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã đi vào lịch sử dân tộc như bản anh hùng ca, mở ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hồi ức về cuộc chiến đấu ấy vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi cựu chiến binh (CCB) là người con Thái Bình trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm đó.

Các cựu chiến binh tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 trong ngày gặp mặt.

Một ngày cuối năm, các CCB từng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 có cơ hội gặp gỡ, cùng nhau ôn lại những câu chuyện về những ngày tháng bên nhau chiến đấu. Đa phần các CCB hôm nay tóc đã điểm bạc nhưng giọng nói vẫn khỏe, cái bắt tay vẫn chặt, vẫn ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Đối với họ, những ngày này 50 năm về trước thực sự là những ngày đáng nhớ trong quãng đời cầm súng của mình.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, CCB Phạm Hải Triều, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) vẫn không thể quên một thời chiến đấu oanh liệt. Gặp lại đồng đội trong ngày vui sau 50 năm súng kề vai, chung một chiến hào, cảm xúc những ngày chiến đấu xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn - Gia Định lại ùa về. Ông Triều nhập ngũ năm 1963, biên chế về Binh chủng Đặc công. Tháng 9/1967, ông cùng đơn vị nhận lệnh hành quân vào chiến trường Đông Nam Bộ. Trực tiếp tham gia chiến đấu tại Sài Gòn - Gia Định trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông Triều khi đó là cán bộ chỉ huy đại đội thuộc Tiểu đoàn Đặc công Gia Định 4 có nhiệm vụ phối thuộc với đơn vị bạn đánh chiếm các mục tiêu khu vực quận Gò Vấp, phát triển đánh chiếm khu vực Đông Bắc Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn...

Theo CCB Phạm Hải Triều, Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ, ngụy tại miền Nam Việt Nam. Để bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, Mỹ, ngụy đã tổ chức một hệ thống phòng thủ vững chắc nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều lực lượng tham gia. Theo hiệp đồng tác chiến toàn miền, trong chiến dịch Mậu Thân, tất cả chiến trường miền Nam đồng loạt nổi dậy, thời cơ chọn vào đêm giao thừa. Tuy là tết cổ truyền của dân tộc nhưng do điều kiện chiến tranh, vận mệnh của đất nước cho nên phải lợi dụng giao thừa để nổi dậy tiến công.

Lực lượng đặc công, biệt động của ta đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định như dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Tòa đại sứ Mỹ. Các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ từ vùng ven nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền ngụy ở Biên Hòa, Bình Dương, Long An... cũng bị quân ta tiến công.

Tại mặt trận Huế, 1 trong 3 chiến trường chính, trọng điểm của miền Nam để quân đội ta thực hiện tiến công chiến lược bẻ gãy ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ diễn ra trận đánh kéo dài 26 ngày đêm. Trực tiếp tham gia chiến đấu tại thành phố Huế, CCB Nguyễn Lê Nơi, xã Vũ Ninh (Kiến Xương) khi đó đang giữ cương vị Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9 (Quân khu Trị Thiên Huế) được giao nhiệm vụ mũi chủ công trong trận đánh phía Nam thành phố Huế. CCB Nguyễn Lê Nơi nhớ lại: Trước giờ nổ súng 2 phút, tại thành phố Huế có một máy bay OV-10 loại 2 thân của ngụy bay lên tuần tra 3 vòng xung quanh thành phố. Sau khi máy bay trinh sát đáp xuống sân bay thì lực lượng đặc công trong thành nội đã nổ 1 quả bộc phá làm lệnh tấn công ở khu Mang Cá Lớn. Đơn vị chúng tôi thực hiện tiêu diệt mục tiêu ở quốc lộ 1A, Quế Chữ xong thì phát triển đánh qua Đập Đá, qua cầu Bạch Hổ và khu hành chính Thừa Thiên, khu chợ Đông Ba rồi đánh vào Mang Cá Nhỏ và khu vực phòng ngự cố thủ để chuẩn bị đánh địch phản kích.

Đến ngày thứ sáu, ta và địch giằng co nhau từng tấc đất trong nội thành, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ từ biển và máy bay trực thăng đổ quân ồ ạt để cứu vây thành phố. Đến ngày thứ 24, đơn vị chúng tôi được lệnh cùng các lực lượng khác rút khỏi thành phố lên rừng củng cố lại lực lượng. Riêng Huế nổi dậy tốt, tiến công tốt, làm chủ 26 ngày đêm, làm thay đổi cục diện chiến trường, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận đàm phán Hiệp định Paris.

CCB Phạm Hải Triều cho biết: Qua cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tôi rút ra 4 cái nhất, đó là bất ngờ nhất; đánh vào nơi mạnh nhất, mục tiêu trọng yếu nhất; phạm vi, thời gian, không gian rộng lớn nhất; làm cho quân đội Mỹ, ngụy, chính quyền Sài Gòn choáng váng nhất. Đây cũng là thắng lợi quan trọng, một bước tiến mới khá toàn diện giữa tấn công và nổi dậy vũ trang quần chúng, tạo được sức mạnh đều khắp, gây được tiếng vang lớn.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những tháng năm chiến đấu gian khó và oanh liệt vẫn còn đầy ắp trong từng câu chuyện của các CCB. Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội CCB tỉnh tâm sự: Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối, hàng vạn đồng chí ở lại tiếp tục xây dựng quân đội, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Những người lính Cụ Hồ rời tay súng trở về đời thường tiếp tục nêu gương sáng trong cuộc sống, hăng hái thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, tích cực tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đến nay, toàn tỉnh có 344 trang trại, tổ sản xuất và 263 doanh nghiệp, hợp tác xã do CCB làm chủ, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Nhiều địa phương, hội CCB xã, phường, thị trấn không còn hội viên nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nhiều CCB được tín nhiệm bầu vào cấp ủy, chính quyền các cấp, tham gia các tổ, đội tự quản an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm... góp phần cùng các lực lượng, tổ chức đoàn thể địa phương bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Trong đó có những CCB từng trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.


Cựu chiến binh Mai Văn Bồng, xã Vũ Hội (Vũ Thư)

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, quân đội Mỹ, ngụy đã nếm đòn đau nhất trong các cuộc tấn công của ta, góp phần vào thắng lợi chính trị và bài học kinh nghiệm trong tác chiến của quân đội ta. Nhớ lại lời Bác Hồ chúc tết năm đó cũng là tín hiệu mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên toàn thắng ắt về ta”, chúng tôi thêm vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta.



Cựu chiến binh Phạm Văn Dòng, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà)

Là người lính từng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi hiểu được giá trị cao quý, thiêng liêng của độc lập, tự do. Tôi mong muốn thế hệ hôm nay và mai sau đừng bao giờ quên lịch sử quân và dân ta đã hy sinh nhiều xương máu mới giành độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình cho đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay phải tích cực góp công sức xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Tất Đạt