Thứ 2, 06/05/2024, 20:18[GMT+7]

Người ba phận

Thứ 2, 12/03/2018 | 15:31:51
1,577 lượt xem
Tương truyền, đầu thế kỷ XII, trong một chuyến vi hành từ Sài Sơn xuống hạ lưu sông Hồng, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã đặt chân đến vùng đất làng Thọ Lộc, trấn Sơn Nam hạ (nay là làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư), nhìn thấy dải đất hình con chim phượng lung linh trong nắng, cư dân nơi đây hiền hòa, thiền sư liền ở lại vận động dân chúng quyên góp công đức xây chùa làm nơi tu hành. Dân làng Thọ Lộc mừng vui khôn xiết bởi có thiền sư về hoằng dương phật pháp cầu cho quốc thái dân an…

Kiệu lao xuống giếng ngọc trước cửa chùa cốt là để rũ sạch bụi trần.

Gần 1.000 năm trôi qua, người dân làng Thọ Lộc hương khói thờ phụng thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong tiềm thức sâu xa, những câu chuyện ly kỳ về thiền sư vẫn thấm đẫm huyền thoại gắn với mảnh đất Thọ Lộc và ngôi chùa nhỏ mang tên Phượng Vũ. Mặc dù sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh hóa kiếp đầu thai đã được các nhà nghiên cứu lịch sử thống kê khá đầy đủ trong các tư liệu và thư tịch cổ như Việt Điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh ngữ, Đại Việt sử lược, An Nam chí lược, An Nam chí nguyên, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí… nhưng với dân làng Thọ Lộc thì chuyện về thiền sư không hẳn nhuốm màu huyền bí.

Kiếp người mang ba thân phận của thiền sư: “vi tăng, vi đế, vi thần” (nghĩa là thiền sư, làm vua và cuối cùng được phong thần), cuộc đời thiền sư Từ Đạo Hạnh được gắn với nhiều huyền thoại bao phủ theo từng bước đi trải gần nghìn năm trôi qua nhưng người ta vẫn tưởng tượng dấu chân thiền sư còn in đậm trên mảnh đất Thọ Lộc trong tận cùng tâm thức, hạnh nguyện độ sanh vẫn lớn dần theo nhịp tử sinh, kỳ bí trong vô cùng không tận, không lời lẽ tụng hạnh nào có thể diễn tả trọn vẹn. Tương truyền, lúc nhỏ thiền sư có tên húy là Lộ, tự là Đạo Hạnh, có tiên phong đạo cốt. Thuở niên thiếu thích giao du, hào hiệp phóng khoáng, chí lớn phi phàm, hành động cử chỉ không ai có thể lường được. Đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì đá cầu thổi sáo... vì thế cha thường trách con là lười nhác, không nghiêm túc. Một đêm, người cha bí mật dòm qua khe cửa, thấy trong phòng của Đạo Hạnh ánh đèn rực rỡ, sách vở chồng chất, Đạo Hạnh gục xuống án ngủ say nhưng tay vẫn không rời sách, người cha vì thế không còn lo lắng nữa. Năm sau Đạo Hạnh dự thi khoa Bạch Liên, đỗ Đệ nhất danh (triều Lý có kỳ thi riêng cho tăng đồ; Đạo Hạnh đỗ khoa này). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nhâm Thìn, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 3, 1112, bấy giờ vua Lý Nhân Tông tuổi đã nhiều mà chưa có con trai nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiền hầu (không rõ tên) chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng: “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải báo tôi biết trước”. Rồi Đạo Hạnh cầu khẩn với sơn thần, 3 năm sau phu nhân có mang, sinh con trai là (Lý) Dương Hoán...”. Sự tích Đức Thánh Từ đầu thai làm vua (Lý Thần Tông) được sử cũ ghi đại ý: Lý Dương Hoán được vua Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi và truyền ngôi cho ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), trở thành vua Lý Thần Tông. Ngày 26 tháng 9 năm 1138, Lý Thần Tông qua đời ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 10 năm, thọ 23 tuổi. Người xưa cho rằng vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu (em Lý Nhân Tông) để duy trì sự nghiệp của nhà Lý. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “Năm 1136 vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Thiền sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ ban cho Minh Không. Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành (tức Minh Không) dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này”. Sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh hóa thác tái sinh làm vua là một hiện tượng lạ và độc đáo có một không hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nhuốm màu huyền thoại nhưng chuyện thiền sư Từ Đạo Hạnh về đất Thọ Lộc xây chùa hoằng dương phật pháp thì có thật “một trăm phần trăm”. Thật mà huyền bí hơn nữa là chuyện kiệu quay trong lễ hội đền chùa Phượng Vũ (mở hội ngày mùng chín tháng Giêng hàng năm), các phủ giá kiệu lễ hàng năm của làng Thọ Lộc đều thừa nhận một hiện tượng lạ khi khởi giá kiệu lễ, vừa nhấc bổng kiệu lên kiệu bỗng xoay tròn, tám phủ giá bám chặt vào đòn kiệu trượt đi theo đà kiệu xoay. Từ ngàn xưa truyền lại kiệu trong đội hình rước thánh đền chùa Phượng Vũ gồm kiệu lễ, kiệu Long Đình và kiệu Song Loan. Mỗi kiệu có 8 phủ giá, các phủ giá được tuyển chọn từ đám trai làng còn “thanh khiết” được “án chứng” âm dương hẳn hoi. Kiệu lễ đi trước quay tròn, tiếp đến kiệu Long Đình và cuối cùng là kiệu Song Loan. Từ trong đền Thọ Lộc, kiệu lao ra ngoài sân, những bàn chân phủ giá như nhấc bổng trên mặt đất, cả ba kiệu ngả nghiêng, xoay tròn theo các chiều khác nhau tạo thành vòng chuyển động kỳ diệu. Nhìn phủ giá bám chặt đòn kiệu lao theo chiều quay của kiệu người ta có cảm nhận vận tốc kiệu quay rất mạnh. Lưu luyến đền Thọ Lộc dùng dằng chẳng dứt, bỗng thánh kiệu lao ra ngoài đường cái thẳng tới bờ hồ trước mặt đền chùa, đi qua dòng sông nhỏ bên làng để rồi kiệu quay tròn cuốn các phủ giá xuống giếng ngọc trước cửa chùa cốt rũ cho sạch bụi trần.

Theo các cụ cao niên ở làng Thọ Lộc, ngày mùng chín tháng Giêng hàng năm khai hội đền chùa Phượng Vũ có lễ rước kiệu quay trên sông nước gắn liền với sự tích chiến thắng pháp sư đã sát hại thân phụ của thiền sư trên dòng sông Tô Lịch và mừng sự kiện Đức Thánh giúp dân cơi đê sông Hồng ngăn lũ, bảo vệ mùa màng, bảo vệ dân chúng. Cả hai sự kiện trên đều liên quan đến sông nước gắn liền với hiện tượng kiệu quay độc đáo ở lễ hội đền chùa Phượng Vũ từ ngàn đời truyền lại.

Ông Ngô Duy Chiền, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền chùa Phượng Vũ, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư

Quần thể kiến trúc chùa Phượng Vũ có các ngôi Tam bảo, Tháp am và nhiều công trình kiến trúc cổ tọa lạc trên dải đất hình phượng vũ thuộc làng Thọ Lộc, xã Minh Khai gồm đền thờ Mẫu, nhà phương trượng, bia đá, giếng chùa và tam quan chùa Phượng Vũ. Bên ngoài tam quan có đôi câu đối: “Tây phương học đạo khởi hiền muôn vạn vổ tri chân truyền địa thiết/Càn khôn đại thử lễ lạc cổ đại hiện ánh xuất nhập quyền phương phong cảnh thái khí chúng”, dịch nghĩa là: “Đức ngài sang Tây trúc học đạo Phật về hành đạo đầu tiên trên mảnh đất này, được lưu truyền đến ngày nay/Giữa nơi đất trời tam quan có từ cổ xưa là nơi ra vào cửa thiền môn”, đại ý kể câu chuyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh về làng Thọ Lộc chọn đất xây dựng chùa Phượng Vũ làm nơi tu hành.
Ông Nguyễn Văn Trì, thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư

Lễ hội chùa Phượng Vũ cuốn hút khách thập phương hội tụ cả ngàn vạn người chính là các điểm kiệu quay trên ao hồ, sông nước, đường cái quan… Con đường nối làng Thọ Lộc với chùa Phượng Vũ qua cánh đồng nhỏ có nhiều ao hồ và một đoạn sông. Kiệu thánh lao xuống sông, nước sông dạt sóng, có khi cả ba kiệu cùng lao xuống nước. Kiệu sơn son, thếp vàng quay tròn, nghiêng ngả trên mặt nước, phủ giá bám chặt đòn kiệu có khi phải ngụp lặn dưới nước, có đoạn nước sâu chân không chạm đất nhưng kiệu vẫn xoay tròn…
Ông Nguyễn Văn Tri, thôn Thọ, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư

Ngày mùng tám tháng Giêng, sau lễ mở cửa đền, các phủ giá bao sái kiệu và đồ tế khí rồi khiêng ba ngôi kiệu cùng bao kinh, văn tế từ chùa Phượng Vũ về làng Thọ Lộc. Sáng mùng chín, các phủ giá đưa kiệu lễ vào nhà ông chủ hội rước bao kinh, văn tế ra đình. Diễn văn khai mạc lễ hội chấm dứt, ba hồi chín tiếng trống khai hội vang lên là lúc lễ khởi giá nâng kiệu. Đi sau đoàn kiệu là ông chủ hội cân đai, mũ áo chỉnh tề, các đoàn bát biểu và đồ tế khí, phường bát âm, các đoàn tế nam quan, tế nữ quan…

Quang Viện