Thượng chí Long Hầu
Cuối triều Lê đầu triều Nguyễn, bãi Tiền Châu (nay là huyện Tiền Hải) nằm trong bản đồ hành chính huyện Chân Định, phủ Kiến Xương. Tổng diện tích bãi bồi từ lạch Long Hầu tới mép sóng ước khoảng 18.970 mẫu Bắc Bộ. Đất bồi ấy màu mỡ, sú vẹt, lau sậy mọc thành rừng, là nơi trú ngụ của các loài chim muông quý hiếm. Dân ven bờ chỉ dùng bãi bồi thả trâu, chăn bò hoặc vào đầm lầy bắt tôm, cá hay đi sâu vào rừng sú vẹt săn bắt muông thú. Bãi bồi cũng là địa bàn lẩn trốn của những kẻ ẩn náu sự truy đuổi của triều đình. Dân chưa đông, đất canh tác chưa đủ dùng nên dân Chân Định chưa đủ sức vươn ra biển…
Chỉ đến khi Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ vâng mệnh triều đình về Chân Định tiến hành công cuộc khẩn hoang với chính sách “Khẩn hoang ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo” nên từ năm 1822 - 1828 để thành lập được huyện Tiền Hải việc đắp đê biển ngăn sóng dữ tạo sự lắng đọng phù sa mở rộng diện tích đất canh tác và di dân đến định cư được xem là công việc khẩn cấp.
Với tầm nhìn chiến lược Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tận dụng lạch Long Hầu cho dân công đào thành sông Long Hầu, sông nối dòng từ sông Trà Lý sang sông Lân làm trục chính lấy nước ngọt vào bãi trũng phía Đông của Tiền Châu đồng thời xây 2 cống lớn để tiêu úng. Dân các lý, ấp chia bổ dân công đào 14 sông chạy song song dẫn thủy từ Long Hầu ra biển (dân huyện Tiền Hải quen gọi là sông Xương Cá). Sông giữa các lý thường rộng 5m, giữa các ấp rộng 3m. Tùy theo địa hình có thể sâu từ 2 - 3m. Sau bước phát hoang, định điền, định thổ… tùy theo số đinh, số thổ được hưởng, các lý, ấp phải chịu trách nhiệm gánh phần quai đê biển.
Theo chỉ dụ của vua Minh Mệnh những năm ấy “nên xuất nhiều vật hạng trong kho ra mà làm khiến cho mười phần kiên cố để phòng ngừa nạn nước dâng lên lần nữa”. Đình thần nghị tâu: “Sông hạng trung (sông Trà Lý) mặt rộng 1 trượng 2 thước, chân đê rộng 4 trượng, bề cao 1 trượng; sông nhỏ (cỡ sông Lân, sông Xương Cá) mặt đê 9 thước, chân đê 3 trượng, cao 9 thước”. Vua lại chỉ dụ: “Đất có nơi cao, nơi thấp, nên lấy nước làm chuẩn đích, tùy theo thế nước mà thi hành công tác, hoặc cần tăng thêm bề rộng, chiều cao thời làm bản dự trù tâu lên. Đến mùa đông nước đã rút. Tâu xin thuê dân khởi công thi hành”.
Trước đó, năm 1486, Lê Thánh Tông ra sắc lệnh cho các phủ huyện xã “nơi nào có ruộng bỏ hoang ở vùng ven biển mà người ít ruộng tình nguyện bồi đắp đê khai khẩn làm ăn, nộp thuế, thì phủ huyện xét thực cấp bằng cho làm”.
Theo sách “Đại Nam thực lục” từ 1802 - 1883, trải 81 năm chỉ tính riêng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng đã có 23 năm có bão, 50 năm có nạn lụt và 38 năm có vỡ đê lớn xảy ra. Trước tình hình trên các vua quan triều Nguyễn buộc phải thi hành một số biện pháp tích cực, trong đó có công tác thủy lợi đi đôi với khai hoang, lấn biển. Quá trình hàng chục thập kỷ xây dựng, phát triển hệ thống các công trình thủy lợi đã đem lại nhiều thành quả cho con người dân lao động và lập nên nhiều làng mới ở Tiền Hải.
Theo các tài liệu khảo cứu, vua quan triều Nguyễn ít nhiều đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của vấn đề thủy lợi để thực hiện chính sách trọng nông. Các triều vua Nguyễn đã rất quan tâm và có những biện pháp tích cực thúc đẩy công cuộc thủy lợi, đắp đê biển và đê các sông lớn ở huyện Tiền Hải. Triều đình cũng đặt các chức quan Đê chính, Doanh điền sứ chuyên trách công việc xây dựng, quản lý và sử dụng đê biển, đê sông một cách chi tiết, chặt chẽ, toàn diện hơn. Những công trình quan trọng sẽ được triều đình trợ cấp tiền gạo, công cụ, nguyên vật liệu. Đến mùa bão, lũ, triều đình thường cử quan đại thần về kiểm tra, đôn đốc việc canh phòng cứu hộ các sông đồng thời cũng cử các quan Doanh điền sứ giàu kinh nghiệm, cần mẫn như Nguyễn Công Trứ, Doãn Khuê chăm lo các công việc thủy lợi, khai hoang. Triều đình nhà Nguyễn phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói do sản xuất nông nghiệp đình trệ, mất mùa. Để đối phó với nạn đói, nhà Nguyễn đề ra chính sách khẩn hoang đẩy mạnh nhất vào thời Minh Mệnh. Việc đào sông, đắp đê ở Tiền Hải rầm rộ nhất từ năm 1827, từ 1828 công cuộc đắp đê, làm thủy lợi, khai hoang có kết quả ở vùng bãi biển Tiền Châu (Cồn Tiền).
Theo tài liệu khảo cứu, dựa vào nguồn tài chính của triều đình cấp phát ban đầu, Nguyễn Công Trứ đã chiêu mộ và tổ chức dân nghèo xây dựng các công trình thủy lợi, tiến hành khai khẩn đất bãi biển Tiền Châu, tổ chức nhân dân đắp nhiều đê ngăn mặn. Đê sông Lân có tầm quan trọng đã được tập trung lực lượng đắp, mặt đê 4m, chân đê rộng 8m. Đê sông Lân cùng với các đê sông Long Hầu, sông Cá, sông Cổ Ngư… được xây dựng tạo thành một hệ thống đê biển khá vững chắc.
Đi đôi với việc đắp đê ngăn mặn, nhân dân còn khơi lạch thành hệ thống sông ngòi để dẫn nước ngọt vào đồng ruộng, thau chua rửa mặn, cải tạo đất và tưới, tiêu cho cây trồng. Hệ thống thủy lợi ở đây được xây dựng theo một quy hoạch hợp lý có hiệu quả cao, kết hợp quy hoạch thủy lợi với quy hoạch lãnh thổ cứ 10 đạc (600m) chiều ngang của một lý hoặc 6 đạc (360m) chiều ngang của một ấp lại có một con sông đào thẳng. Từ con sông đào chính nhân dân đào ra hai bên những con sông nhỏ, mương lạch để đưa nước ngọt, phù sa từ sông Long Hầu về các xứ đồng, làng ấp. Hệ thống thủy lợi này đã giúp người nông dân chủ động trong việc tưới, tiêu đồng ruộng và đi lại bằng thuyền nhỏ rất thuận tiện nên dân gian có thơ:
“Nước sa chảy xuống Long Hầu,
Các già bắc một cái cầu làm duyên,
Nước nguồn chảy đổ hai bên,
Chảy xuống Nguyệt Lũ, chảy lên chợ Cầu.
Cạn thời lấy nước Long Hầu,
Lớn thời tháo nước ra đầu Bạch Long”.
Công sức của người dân dưới sự chỉ đạo của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã chuyển hóa thành hệ thống đê điều, sông ngòi, lạch dẫn thủy nhập điền đem lại thành quả. Huyện Tiền Hải với diện tích 18.900 mẫu và 2.300 suất đinh, 7 tổng, 4 làng, 17 ấp, 20 trại, 10 giáp. Hệ thống đê sông, biển, ngòi, lạch phục vụ khai hoang, lấn biển lập thành làng, ấp vùng bãi biển Tiền Châu được đánh giá là khoa học và hiệu quả và nó đã biến vùng bãi cát sa bồi, đầm lầy hoang vu thành đồng ruộng tốt tươi.
Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải Thừa hưởng di sản hệ thống thủy lợi của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ để lại đã được nâng cấp, cải tạo hiện đội ngũ cán bộ chuyên môn của huyện Tiền Hải thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn việc duy tu các công trình thủy lợi, trong đó ưu tiên nạo vét, khơi thông các trục sông chính, nhất là vùng có nuôi trồng thủy sản và vớt bèo bồng tại các cửa cống để bảo đảm lưu thông dòng chảy. Đồng thời, nạo vét các kênh nội đồng, bể hút, kênh dẫn các trạm bơm các hệ thống tưới, tiêu, bảo đảm đáp ứng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, các HTX DVNN khơi thông dòng chảy, bảo đảm hệ thống thủy lợi nội đồng hoạt động đồng bộ. Ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Những năm đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn đứng trước những khó khăn về kinh tế trầm trọng do những cuộc nội chiến Lê - Trịnh kéo dài từ mấy thế kỷ trước. Ngân khố quốc gia trông chờ vào nông nghiệp mà nông nghiệp lại đình đốn trong khi dân số ngày càng đông, ruộng đất của nông dân bị địa chủ cướp đoạt ngày càng nhiều. Chính sách thống trị của nhà Nguyễn nói chung có những điểm khắc nghiệt, lạc hậu nên không những không đáp ứng được các yêu cầu phát triển của xã hội mà còn tạo ra những khó khăn phức tạp hơn những thời kỳ trước. Để thực hiện chính sách trọng nông, các triều vua Nguyễn đã quan tâm và có những biện pháp tích cực thúc đẩy công cuộc thủy lợi, khai hoang ở đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là địa hạt huyện Tiền Hải. Ông Lê Công Hưng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hệ thống thủy lợi thời nhà Nguyễn do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chỉ đạo được xây dựng theo một quy hoạch hợp lý, hiệu quả cao do biết kết hợp quy hoạch thủy lợi với quy hoạch lãnh thổ. Chưa kể đến việc giải quyết vấn đề thủy lợi nhỏ ở làng, xã, chỉ căn cứ những sử liệu ghi về các công trình thủy lợi lớn do nhà nước phong kiến tập quyền tổ chức xây dựng dễ dàng nhận thấy trong hơn 80 năm đầu thế kỷ XIX, thành quả về thủy lợi trên vùng đất Thái Bình đạt được kết quả to lớn. Đó chính là các công trình thủy lợi ở ven sông lớn, trong nội đồng và ven biển. Tất cả đều được quan tâm xây dựng, củng cố, tu sửa và sử dụng tốt cho đến ngày hôm nay. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ