Thứ 3, 23/07/2024, 10:18[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về một số nội dung trong lĩnh vực nông nghiệp

Thứ 4, 02/08/2017 | 18:42:01
1,059 lượt xem
Chiều ngày 2/8, UBND tỉnh tổ chức họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đề án: Phát triển mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012 gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho các hộ thành viên; Phát triển nuôi tôm nước lợ ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2015.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Hiện nay, toàn tỉnh có 316 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy đã tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 song chất lượng và quy mô, số lượng các hoạt động dịch vụ của nhiều HTX còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu. Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động của HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, dự thảo Đề án Phát triển mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012 gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho các hộ thành viên đã chỉ rõ định hướng, mục tiêu, nội dung, giải pháp phát triển mô hình HTX. Kinh phí hỗ trợ thực hiện đề án 41.660 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 40.000 triệu đồng, ngân sách tỉnh 1.660 triệu đồng.

Năm 2016, diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh là 2.940ha, giá trị đạt 241,75 tỷ đồng. Tuy chiếm 85% tổng diện tích nuôi nước lợ nhưng giá trị từ nuôi tôm chỉ đạt 43,4% tổng giá trị thủy sản nước lợ, sản xuất còn thiếu tính ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm đạt 3.020ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 1.100ha, dự thảo Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025 đã chỉ ra 5 giải pháp đồng thời đề xuất một số chính sách hỗ trợ: kinh phí thực hiện tích tụ đất đai, hỗ trợ đơn giá mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất giống, chi phí kiểm dịch…

Kho lạnh bảo quản khoai tây của HTX SXKD DVNN xã Trọng Quan (Đông Hưng).

Tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất tính cần thiết phải xây dựng các đề án. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo các đề án, gửi xin ý kiến của các đơn vị, địa phương trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. 

Đối với dự thảo đề án về phát triển hợp tác xã, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi một số nội dung: xây dựng và phát triển mô hình; cơ chế hỗ trợ cho các HTX thực hiện mô hình điểm. 

Dự thảo đề án phát triển nuôi tôm nước lợ cần xác định rõ những vùng có thế mạnh trong nuôi tôm; quy định cụ thể hỗ trợ kinh phí mua máy quạt nước, hóa chất xử lý dịch bệnh trong cơ chế chính sách hỗ trợ. Ngành Điện cần rà soát, đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống điện sản xuất tại các vùng nuôi tôm tập trung, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí, tiếp cận, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển tôm. Sở Công thương chủ trì tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho người nuôi tôm. Sở Khoa học và Công nghệ phải xây dựng được thương hiệu tôm Thái Bình.

Lưu Ngần