Thứ 2, 29/07/2024, 03:18[GMT+7]

Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh

Thứ 4, 25/10/2017 | 16:45:45
903 lượt xem
Ngày 20/10/2017, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 25/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa.

Trong thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc khai thác nước ngầm (nước dưới đất) của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại một số địa phương đã diễn ra khá phức tạp, gây hạ thấp mực nước ngầm, nguy cơ suy thoái nguồn nước; tình trạng tự ý khoan giếng khai thác, sử dụng nước ngầm với chất lượng không đảm bảo (ô nhiễm do sắt, Asen, Cadimi, NH4...), khi không sử dụng được lại không trám lấp theo quy định, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, xâm nhập ranh giới nhiễm mặn, ảnh hưởng các tầng chứa nước ngầm trên địa bàn toàn tỉnh...

Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước và khắc phục những tác hại do hoạt động khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, UBND các cấp: Tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước tới toàn thể nhân dân, yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được tự ý khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác; khuyến khích nhân dân, các tổ chức, hộ gia đình cá nhân sử dụng nguồn nước mặt đã được xử lý bảo đảm các quy chuẩn 01:2009/BYT, 02:2009/BYT của Bộ Y tế và QCVN 07-1:2016/BXD của Bộ Xây dựng để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác.

2. UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã khoan giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn. Trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không tiếp tục khai thác, sử dụng nước ngầm thì phải thực hiện việc trám lấp giếng theo quy định tại Điều 35 Luật Tài nguyên nước; kiên quyết không tổ chức đăng ký cho các hộ gia đình, cá nhân khoan giếng khai thác nước ngầm, trường hợp cố tình vi phạm phải xử lý theo quy định pháp luật. Tổ chức tuyên truyền tới các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hạn chế khai thác sử dụng nước ngầm vì chất lượng không ổn định và khuyến khích việc sử dụng nước mặt đã được xử lý bảo đảm các quy chuẩn Việt Nam để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Không tiếp nhận, thẩm định các hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác nước ngầm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; không thẩm định cấp phép cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hành nghề khoan giếng khai thác trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp kiểm tra các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang khai thác, sử dụng nước ngầm trên địa bàn toàn tỉnh. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang khai thác, sử dụng nước ngầm đã có giấy phép thì phải xây dựng lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm, đến 31/12/2018 chấm dứt việc khai thác, sử dụng nước ngầm và chuyển sang sử dụng nước mặt; trường hợp đang khai thác, sử dụng nước ngầm nhưng chưa có giấy phép thì xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thực hiện việc trám lấp giếng theo quy định và chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt đã được xử lý bảo đảm quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan không thẩm định các dự án đầu tư có khai thác, sử dụng nước ngầm trên địa bàn toàn tỉnh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đôn đốc, giám sát các nhà đầu tư dự án nước sạch (đã có giấy phép khai thác) đang khai thác, sử dụng nước ngầm trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện các quy định pháp luật tài nguyên nước, xây dựng lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm, đến 31/12/2018 chấm dứt việc khai thác, sử dụng nước ngầm và chuyển sang sử dụng nước mặt, xử lý bảo đảm quy chuẩn Việt Nam.

6. Sở Khoa học và Công nghệ: Nghiên cứu các công nghệ mới xử lý chất lượng nước mặt bảo đảm các quy chuẩn Việt Nam để khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân áp dụng xử lý chất lượng nước bảo đảm cung cấp cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu các đề tài, dự án về ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước ngầm cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân như ô nhiễm nguồn nước ngầm từ sắt, Asen, Cadimi, NH4... để tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình, các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở: Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật tài nguyên nước và nội dung của Chỉ thị này tới toàn thể nhân dân trong tỉnh; tập trung viết bài, đưa tin biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt nội dung của Chỉ thị, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật tài nguyên nước.

8. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang khai thác, sử dụng nước ngầm để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm đến 31/12/2018 chấm dứt việc khai thác, sử dụng nước ngầm và chuyển sang khai thác, sử dụng nước mặt, xử lý chất lượng nước bảo đảm quy chuẩn Việt Nam.

9. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên vận động hội viên và nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh và giám sát chặt chẽ UBND các cấp, các cơ quan chức năng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định pháp luật về tài nguyên nước và Chỉ thị này trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày