Thứ 3, 23/07/2024, 05:30[GMT+7]

Hỗ trợ tốt nhất để thanh niên khởi nghiệp, xây dựng đất nước

Thứ 3, 12/12/2017 | 08:28:47
614 lượt xem
Trong khuôn khổ Ðại hội đại biểu toàn quốc Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022, đã diễn ra các diễn đàn gặp gỡ, đối thoại giữa đại biểu tham dự Ðại hội và đại diện lãnh đạo các bộ. Tại đây, các "tư lệnh" ngành đã trả lời nhiều câu hỏi và vấn đề thực tiễn do đại biểu nêu lên.

Các đại biểu trải nghiệm các ứng dụng công nghệ cao tại Triển lãm "Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh - Tự hào truyền thống, vững bước tương lai". Ảnh: ANH SƠN

Tại diễn đàn "Khởi nghiệp, việc làm", nhiều đại biểu quan tâm vấn đề hỗ trợ, tạo động lực để thanh niên khởi nghiệp thành công trong bối cảnh đất nước đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ðại biểu Hà Tuấn Linh, Bí thư Ðoàn Thanh niên Tổng công ty Sông Ðà băn khoăn: "Trong phong trào khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã thành công, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp thất bại. Ðiều này vừa gây thất thoát nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp, vừa lãng phí nguồn vốn của người khởi nghiệp. Vậy, Nhà nước có chính sách gì để hỗ trợ người khởi nghiệp, nhất là trong việc định hướng cho thanh niên?". Giải đáp thắc mắc này, Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng: Khởi nghiệp luôn đi kèm rủi ro, nghĩa là không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng thành công. Ðể giảm thấp nhất những rủi ro trên con đường khởi nghiệp cho các bạn trẻ, thời gian tới đây, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ trình dự thảo nghị định quy định chi tiết về khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích thành lập quỹ đầu tư, tạo dựng căn cứ pháp lý cho các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Trong khi đó, tại diễn đàn "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới", đại biểu Phan Thanh Sang, Tỉnh đoàn Lâm Ðồng, một trong những điển hình khởi nghiệp thành công với mô hình trồng hoa lan bày tỏ lo ngại: "Nền nông nghiệp truyền thống ở nước ta coi trọng "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Nhưng hiện nay, giống mới là yếu tố hàng đầu. Ngành giống Việt Nam vẫn còn yếu, thủ tục nhập khẩu giống lại mất quá nhiều thời gian, hiện đang là rào cản không nhỏ cho phát triển nông nghiệp. Ðồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Cải thiện mạnh mẽ các loại giống phục vụ nông nghiệp đang là vấn đề mà Bộ đặc biệt quan tâm. Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu để dần loại bỏ những quy định ngặt nghèo, phức tạp về nhập khẩu giống, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, ổn định hơn.

Tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho những người trẻ năng nổ, nhiệt tình, có tinh thần sáng tạo, dần xóa bỏ cơ chế "xin - cho", đó là những ý kiến được đại biểu quan tâm tại diễn đàn "Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo". Ðại biểu Lê Ðức Tùng, Bí thư Ðoàn Trường đại học Bách khoa Hà Nội, thẳng thắn: Ở nước ta, có những công việc, vấn đề mà các trí thức trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận, nhưng lại không được tin tưởng trao cơ hội. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ trẻ rất quan tâm việc được nhìn nhận đúng thực lực khi đăng ký đề tài nghiên cứu, ứng dụng, nhưng gặp khó vì cơ chế "xin - cho". Cũng theo đại biểu Lê Ðức Tùng, các bộ cần phối hợp Ðoàn Thanh niên các cấp trong việc tham mưu, đề xuất với Chính phủ về việc tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, học viện nhằm hỗ trợ các công trình nghiên cứu của sinh viên, nghiên cứu sinh. Trước vấn đề này, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng thừa nhận: Trong đấu thầu dự án tại Việt Nam, chỉ cần có tiêu chí "kinh nghiệm từ một đến ba công trình" là các doanh nghiệp trong nước lập tức "bị loại" rất đáng tiếc. Vậy nhưng, khi doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu thì lại thuê doanh nghiệp Việt Nam thực hiện dự án. Ðiều này cho thấy, cơ chế "kinh nghiệm" đang khiến các doanh nghiệp trẻ trong nước gặp khó khăn ngay trên "sân nhà".

Mong muốn chung về việc học đại học của giới trẻ là chính đáng, cần khuyến khích. Tuy nhiên, phải căn cứ năng lực bản thân, điều kiện kinh tế, bởi đại học không phải con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Năm 2018, giáo dục nghề nghiệp sẽ là khâu đột phá của ngành. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp với mười giải pháp lớn để giải quyết vấn đề này.
Ðào Ngọc Dung
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội
Chính sách việc làm cho thanh niên là điều quan trọng nhất, trong đó chú trọng tạo việc làm cho sinh viên mới ra trường. Cơ hội cho cán bộ trẻ trong đào tạo, tuyển dụng công chức cũng như quy hoạch lãnh đạo vẫn còn nhiều. Bởi thời gian tới, các công tác này sẽ được tiến hành thông qua hình thức thi tuyển thay vì xét tuyển.
Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Nội vụ


Theo: nhandan.com.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày