Chủ nhật, 19/05/2024, 03:14[GMT+7]

Nước sạch về Tân Phương

Thứ 6, 12/01/2018 | 09:39:00
879 lượt xem
Ông Phạm Văn Phán, Trưởng thôn Tân Phương, xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) đưa tôi đi thăm một vòng thôn Tân Phương, vừa đi ông vừa trao đổi về tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con trong thôn, đặc biệt là vấn đề sử dụng nước sạch đang được các gia đình tiếp nhận nhiệt tình.

Ảnh minh họa.

Thôn Tân Phương có 235 hộ sống rải theo bờ sông Hoài, hầu như phía trước hoặc sau các gia đình đều có các ao nhỏ, được xây bờ, không có sự thông thủy. Chỉ tay xuống các ao của nhiều gia đình, ông Phán hài hước: Nhà báo xem, nước ao xanh như rêu, ngan, vịt thi nhau bơi lội, ô nhiễm nặng đã nhiều năm nay rồi nhưng làm ruộng thì phải chăn nuôi thêm con gà con vịt, nuôi thêm đàn lợn... nên biết là ô nhiễm, biết là ảnh hưởng đến sức khỏe mà chưa giải quyết dứt điểm được. Dừng xe ở đầu xóm Phương Đông - xóm mới của xã Đông Lĩnh được hình thành năm 1987 nay sáp nhập với xóm Tân Lập để có tên gọi thôn Tân Phương, Trưởng thôn Phạm Văn Phán xòe bàn tay lẩm bẩm đếm rồi quay sang nói với tôi: Xóm thì mới, người ở thì trẻ mà lại gặp nhiều tai ương, không hiểu do đâu hay do dùng nước giếng khoan mà mấy năm gần đây ở xóm này nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo và chết khi còn rất trẻ, điểm danh một loạt cái tên người đã chết do mắc bệnh hiểm nghèo như ông U, ông C, anh B, chị X, chị B, chị L..., gần chục người chết vì bệnh hiểm nghèo, khiếp quá! Ông phân vân, nhiều người ở đây thì nói là do dùng nước giếng không hợp vệ sinh nhưng chưa có điều kiện lấy mẫu nước đưa đi kiểm nghiệm, nghe đâu việc kiểm nghiệm nước hết nhiều tiền lắm mà dân lại nghèo nên đành phải sống chung với hiểm họa, nhà báo nhớ nói vấn đề này trên báo cho dân nhờ với.

Nửa thôn Tân Phương là xóm Phương Đông hiện mới chỉ có gần chục hộ sử dụng nước sạch, còn lại trên một trăm hộ nữa đang sử dụng nước giếng khoan, mà sử dụng nước giếng khoan đâu có rẻ hơn dùng nước máy, thuê tiền khoan giếng sâu 40 - 45m cũng hết mấy triệu đồng, tiền mua máy bơm cũng vài triệu, mỗi năm sửa chữa vài ba lần tốn kém lắm, nước hút lên ban đầu thì trong nhưng để trong chậu qua một đêm là có màu xám ngắt, khuất mắt trông coi phải ăn, phải uống và tắm giặt thôi, một ngày một hộ dùng 2 - 3 khối nước cũng mất mấy số điện dùng cho máy bơm, mất cả chục nghìn, dân chưa tính ra, nếu dùng nước máy mỗi hộ góp với doanh nghiệp hai triệu rưỡi từ đầu còn bây giờ thì góp ba triệu mà doanh nghiệp họ lắp đường ống đến đầu ngõ, lắp đồng hồ các hộ chỉ đầu tư từ đầu ngõ vào nhà, quá tiện, được dùng nước tới 49 năm, giá một khối nước chỉ có 7.100 đồng, nước sạch lại an toàn. Ông Phán dẫn tôi trở lại đầu thôn Tân Phương, dọc đường vừa chỉ các nhà hai tầng, ba tầng rồi đọc tên nhà anh Sơn, anh Đức, anh Khoa chẳng cần máy bơm gì cả nước máy lên tận tầng ba, có nhà lắp thêm dàn năng lượng mặt trời cứ hoe nắng là được tắm giặt bằng nước nóng thỏa thích, phía xóm Tân Lập của thôn Tân Phương cơ bản 100% hộ dùng nước sạch rồi, tính ra dùng nước sạch cũng không tốn kém nhiều, mỗi tháng nhà nhiều trên một trăm nghìn, nhà dùng ít chỉ sáu, bảy chục nghìn là cùng.

Phải mất cả tiếng đồng hồ ông Phán mới dẫn tôi chứng thực nước sạch về thôn Tân Phương, toàn thôn đã có khoảng 60% hộ dân dùng nước sạch, non nửa thôn đang dùng nước giếng khoan. Tôi được ông Phán dẫn lên tầng hai nhà ông nhanh nhẹn thao tác các thiết bị của công trình nước sạch, từ vòi sen, công trình phụ chỗ nào nước cũng xối ào ào. Ông Phán bảo: Nước mạnh lắm và trong vắt. Trước dùng nước giếng khoan, đồ dùng công trình phụ chỉ vài ngày là ố vàng, sau gần hai năm dùng nước sạch công trình vệ sinh vẫn sáng bóng, dùng nước sạch quả là lợi. Thấy tôi đi về phía bờ ao quan sát thêm, ông ra theo và nói ngay, ao tù này gia đình chỉ dùng cho ngan, vịt bơi còn chiếc bể có thể chứa 16 khối nước mưa bây giờ sắp được đập bỏ để thay vào đó mấy cây hoa cảnh chơi tết. 

Câu chuyện đến khi nào thì 100% các hộ dân thôn Tân Phương sử dụng nước sạch được tôi gợi mở thêm với Trưởng thôn Phạm Văn Phán, ông khẳng định ngay: Đảng ủy, UBND xã Đông Lĩnh đã có quyết tâm cao, có nghị quyết chuyên đề và giao cho các đoàn thể, các thôn vào cuộc quyết liệt, doanh nghiệp cung cấp nước sạch cũng mở thêm cơ chế cho các hộ khó khăn, hộ nghèo. Vấn đề trước đây doanh nghiệp khống chế ngay từ đầu, mỗi hộ phải dùng 4 khối nay thì hộ dùng nhiều trả tiền nhiều, dùng ít trả tiền ít đã được tháo gỡ. Dân vui lắm. Mới đây, ông Hoàng Quốc Lập, Giám đốc Công ty 27/7 Tiền Phong, chủ dự án cấp nước sạch cho nhân dân 6 xã Đông Huy, Đông Phong, Đông Lĩnh, Đông Á, Đông Kinh, Đông Tân của huyện Đông Hưng đã trực tiếp về Đông Lĩnh bàn thảo cùng lãnh đạo địa phương về cơ chế hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách neo đơn. Theo đó, việc đóng góp tiền để sử dụng nước sạch của các gia đình nộp tiền chậm có thời hạn và khuyến mại một số khối lượng nước dùng ban đầu. Số hộ dân đăng ký đấu nối, sử dụng nước sạch tăng từng ngày ở thôn Tân Phương.

Hết năm 2017, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đã đạt trên 60%, còn cả xã Đông Lĩnh thì tỷ lệ này còn cao hơn. Với quyết tâm của Đảng ủy, UBND xã, sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, các hộ dân xóm Phương Đông, thôn Tân Phương bỏ sử dụng nước giếng khoan hoàn toàn vào cuối năm 2018 và được sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe của chính mình, không còn nơm nớp lo sợ dùng nước giếng khoan sẽ bị mắc bệnh hiểm nghèo.

              Nguyễn Công Liêm

              (Thành phố Thái Bình)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày