Thứ 4, 03/07/2024, 10:31[GMT+7]

“Thóc đâu bồ câu đấy”

Thứ 4, 06/12/2017 | 08:09:14
1,437 lượt xem
Thời gian qua, xuất hiện nhiều chợ cóc, chợ tạm hoạt động tự phát trước cổng các khu, cụm công nghiệp, công ty, xí nghiệp không chỉ ảnh hưởng tới giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.

Biển cấm không có tác dụng.

Có dịp đi qua cụm công nghiệp thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) vào khoảng từ 11 - 12 giờ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đẩy, xe máy với sọt hàng lớn tập trung trước cổng các công ty trong cụm công nghiệp. Hàng hóa được bày bán trên vỉa hè, dưới lòng, lề đường, thậm chí treo trên hàng rào chắn để các “thượng đế” thuận tiện lựa chọn bất chấp tấm biển cấm họp chợ được dựng ngay ngắn bên vỉa hè. 

Ông Đỗ Văn Hoàng, người dân thị trấn Quỳnh Côi cho biết: Các tiểu thương biết được giờ tan ca của công nhân nên họ bày hàng trước đó 15 - 30 phút, khi công nhân về hết họ lại dọn đi. Thi thoảng có xe công an qua, hàng quán chạy tán loạn nhưng không thể dẹp triệt để nên hôm sau đâu lại vào đấy. Vào giờ tan ca, hàng nghìn công nhân đổ ra đường cộng với hàng quán, người mua kẻ bán gây tắc nghẽn giao thông, xe đi qua bấm còi inh ỏi.

Chị Nguyễn Thị Tân, một công nhân làm trong cụm công nghiệp cho biết: Công nhân tự lo cơm trưa, công ty hỗ trợ 15.000 đồng/bữa, nhiều người nhà xa không về được thì mang cơm ở nhà đi, thức ăn mua sẵn ngoài cổng nhờ đó có thể tiết kiệm được một phần tiền ăn công ty hỗ trợ. Do thời gian nghỉ trưa ít nên nhiều người dù về nhà ăn cơm nhưng vẫn mua thức ăn nấu sẵn ngoài cổng công ty để tiết kiệm thời gian. Giá cả phù hợp với túi tiền của công nhân vì các tiểu thương cũng nắm bắt tâm lý mua đồ rẻ, tiện lợi của công nhân.

“Thóc đâu bồ câu đấy”, xuất phát từ thực tế ấy, nhiều hộ dân quanh cụm công nghiệp thị trấn Quỳnh Côi nấu thức ăn sẵn, đựng trong túi nilon, chia theo từng phần mang bán tại cổng các công ty. Thậm chí họ còn ghi tên, nhận chỗ bán trên vỉa hè, dưới lòng đường, tự tạo các móc sắt để treo túi thức ăn trên hàng rào chắn cho công nhân dễ quan sát, lựa chọn do họ bán trong thời gian chưa đầy một tiếng vào thời điểm công nhân nghỉ trưa, sau đó tự giải tán.

Chợ tạm tại khu công nghiệp Gia Lễ (xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng) cũng sôi động không kém. Vì chợ họp trong đoạn đường đi vào khu công nghiệp, ít xe qua lại nên hàng hóa đa dạng hơn, từ thực phẩm sống, chín đến quần áo. 

Bà Vũ Thị Son, một tiểu thương cho biết: Ban đầu chỉ là một vài nông dân mang mớ rau, quả trứng của nhà để bán cho công nhân. Sau đó phát sinh thêm các hộ bán đồ ăn sẵn, hàng thịt, hàng cá… các mặt hàng bày bán ngày càng đa dạng, thậm chí xe ô tô bán quần áo cũng dừng bán phục vụ nhu cầu của công nhân. Tuy hàng hóa bán với giá rẻ hơn nhưng “chạy” hơn và không mất phí so với ngồi bán trong chợ.

Do quy luật cung, cầu, thói quen mua bán cũng như vì kế sinh nhai, việc dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm không dễ. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để nâng cao ý thức tự giác của người dân.

Video: cho_coc_tiem_an_nguy_co_gay_tai_nan_giao_thong_web_301117.mp4

 

Ngân Huyền