Thứ 2, 22/07/2024, 19:10[GMT+7]

Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

Thứ 2, 22/07/2019 | 08:13:47
1,670 lượt xem
Thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đều chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh hiệp thương, lựa chọn nội dung xây dựng chương trình giám sát và phản biện xã hội theo quy định, hướng dẫn ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả.

Đầu tư xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới là nội dung MTTQ nhiều xã lựa chọn để giám sát.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập 3 hội đồng tư vấn gồm: Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội và Hội đồng tư vấn về Kinh tế. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh đã chủ trì đề xuất, điều chỉnh chương trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội theo tinh thần Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/2/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cụ thể là có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động của MTTQ với các đoàn thể chính trị - xã hội, tránh chồng chéo, hình thức. Thực tế ở tỉnh ta, hàng năm MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đều xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Đã có những năm, các đoàn thể chính trị - xã hội đề xuất chương trình giám sát, phản biện xã hội hoặc là trùng nội dung, trùng địa phương hoặc là không nắm được dự thảo đề án của các cơ quan chức năng để phản biện. Quán triệt Kết luận số 62 của Bộ Chính trị, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy làm văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh đề nghị thông báo dự thảo đề án cần phản biện; chủ trì hiệp thương, đề xuất, điều chỉnh nội dung giám sát, phản biện xã hội sao cho sát với nhiệm vụ, chức năng của từng đoàn thể, tránh được sự chồng chéo trước khi báo cáo xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy. Cách làm này vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Tỉnh ủy trong giám sát, phản biện đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các đoàn thể mà không có sự chồng chéo về nội dung và địa phương được giám sát, phản biện.


5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì 14 cuộc giám sát, phối hợp giám sát 18 cuộc; ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã tổ chức 54 cuộc giám sát. Nội dung giám sát đều gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương và liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như: việc tiếp dân, giải quyết đơn thư kiến nghị của công dân; việc thực hiện pháp luật về môi trường tại Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình; việc thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về vận động nhân dân đấu nối, sử dụng nước sạch; việc thực hiện Quyết định số 17 của UBND tỉnh về xây dựng nếp sống văn hóa; về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; việc triển khai, thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Tiếp công dân; việc quản lý thu, chi các khoản đóng góp trong các trường học; việc thực hiện các quy định của pháp luật về giám sát đầu tư của cộng đồng... Bên cạnh đó, ủy ban MTTQ các cấp còn đẩy mạnh hướng dẫn hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện một số sai phạm trong sử dụng nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc giám sát thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã góp phần gắn kết tổ chức đảng, chính quyền với nhân dân, tạo môi trường dân chủ để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và cùng bàn việc làng, việc xã. Qua đó động viên nhân dân hăng hái tham gia các phong trào hành động cách mạng, tích cực lao động sản xuất xây dựng nông thôn mới.


Song song với hoạt động giám sát, thời gian qua, MTTQ các cấp đã tổ chức phản biện một số dự thảo chương trình, đề án, dự án của tỉnh liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như: đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; đề án sắp xếp số lượng, chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh... Đối với cấp huyện, cấp xã, nhiệm vụ phản biện xã hội từng bước được triển khai, chủ yếu tham gia góp ý xây dựng các cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những ý kiến phản ánh, phản biện của MTTQ các cấp đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện nội dung báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, góp phần nâng cao chất lượng các đề án, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội... Tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, 5 năm qua, Đảng đoàn MTTQ tỉnh đã gửi phiếu góp ý cho trên 60 tập thể lãnh đạo cơ quan và cá nhân; cấp huyện gửi đóng góp ý kiến cho 361 tổ chức, cá nhân về 3 vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; đồng thời, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tập hợp ý kiến, kiến nghị phù hợp, chính đáng của tập thể, cá nhân và của các tầng lớp nhân dân để kiến nghị cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng chủ trương, chính sách sát với thực tiễn.

Ông Trần Trọng Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Thái Bình

Trong nhiệm kỳ qua, công tác phản biện xã hội được MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố triển khai sâu rộng và hiệu quả. Nội dung tập trung vào việc tham gia góp ý, kiến nghị đối với dự thảo một số dự án luật; chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của HĐND, UBND; dự thảo văn kiện của Đảng, đề án nhân sự trước các kỳ đại hội; kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều chỉnh một số chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và cán bộ cơ sở... Nhiều ý kiến, kiến nghị chất lượng đã góp phần nâng cao chất lượng các đề án, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh.

Ông Phạm Huy Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vũ Thư

Hàng năm, MTTQ các cấp trong huyện đều chủ động xây dựng nội dung giám sát đăng ký với cấp ủy, sau khi được cấp ủy đồng ý MTTQ sẽ triển khai xây dựng kế hoạch và ra quyết định thành lập các đoàn giám sát và tổ chức giám sát theo nội dung đã đăng ký. Nội dung giám sát MTTQ các cấp trên địa bàn huyện tập trung thời gian qua thường là những vấn đề nổi cộm mà người dân quan tâm và có nhiều ý kiến, cụ thể là: giám sát việc giải quyết đơn thư tố cáo của công dân; công tác quản lý đất đai; việc xây dựng các công trình trong xây dựng nông thôn mới...

Ông Phạm Quang Đản, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thụy Liên (Thái Thụy)

Nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ xã đã chủ trì thực hiện 3 cuộc giám sát, phối hợp với các đoàn thể của xã thực hiện 8 cuộc giám sát với nội dung tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công; các trợ cấp xã hội; công tác quân sự, quốc phòng địa phương, cải cách hành chính, an ninh trật tự... Ngoài ra, Ủy ban MTTQ xã còn phối hợp với Thường trực HĐND xã giám sát các công trình xây dựng; việc thu, chi xây dựng nông thôn mới của các thôn; việc thu, chi của HTX và các trường học. Qua giám sát đã chỉ ra một số thiếu sót, đề nghị đơn vị được giám sát sửa chữa. Nhờ làm tốt công tác giám sát nên trong thời gian dài địa phương không có đơn thư khiếu kiện hay tố cáo.

 

Đào Quyên


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày