Thứ 7, 28/12/2024, 05:45[GMT+7]

Bán hàng đa cấp có giúp nhiều người đổi đời?

Thứ 6, 27/09/2013 | 08:55:02
25,683 lượt xem
Thời gian qua, bán hàng đa cấp phát triển ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Với tham vọng kiếm được bội tiền, nhiều người đã về Thái Bình tham gia loại hình kinh doanh này. Vậy, sau những tháng ngày bám trụ nơi đất khách quê người, "giấc mộng đổi đời" của họ có trở thành hiện thực?

Nhân viên kinh doanh đa cấp chuẩn bị bữa ăn cho các bạn cùng phòng trọ.

"Mơ ước" làm giàu từ kinh doanh đa cấp
Năm 2011, Trương Quang Chiến, sinh năm 1989 (Thành phố Hà Tĩnh) ra Thái Bình làm nhà phân phối của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội. Chiến kể: "Tốt nghiệp THPT, em học nghề kế toán nhưng ra trường gửi hồ sơ gần 10 nơi mà không đâu nhận. Được bạn giới thiệu, em thử sức mình ở lĩnh vực bán hàng đa cấp. Sau gần 3 năm kinh doanh, đến nay em đạt được cấp bậc quản lý, dưới em có hơn 200 người gồm trợ lý quản lý, giám sát, trợ lý giám sát và những nhà phân phối. Mỗi tháng em thu nhập không dưới 20 triệu đồng, riêng tháng 7/2013 đạt hơn 52 triệu đồng sau khi đã trừ thuế thu nhập cá nhân".

Tại các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng, Chiến và nhiều quản lý khác của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội luôn chia sẻ những thành công trong kinh doanh và mức thu nhập "khủng" hàng tháng họ nhận được từ bán hàng đa cấp. Điều đó đã khiến cho nhiều người lầm tưởng mình cũng có thể kiếm tiền dễ dàng, trở nên giàu có nếu tham gia loại hình kinh doanh này. Song, sự thật có đúng như vậy?

Theo chân bạn của Chiến là Thái Văn Thuấn, sinh năm 1989 (huyện Yên Thành, Nghệ An) chúng tôi đến ngôi nhà ngay chân cầu Đa-sô (xã Song An, Vũ Thư), nơi sinh hoạt của hơn 10 nhân viên Công ty TNHH Thương mại Lô Hội. Họ còn rất trẻ (phần lớn sinh năm 1994, 1995, đến từ huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Phòng trọ không có gì ngoài mấy chiếc phản kê làm giường nằm, song điều kỳ lạ là những thanh niên ở đây đều tin tưởng và chờ "vận may" đến thời điểm nhận được mức lương từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/tháng từ bán hàng đa cấp.

Kinh doanh đã được 1 năm nay, rất tự hào về nghề nhưng khi chúng tôi hỏi mức lương nhận được hàng tháng từ kinh doanh đa cấp thì Nguyễn Tiến Thành (sinh năm 1994) chỉ ậm ừ và cuối cùng thừa nhận mình chưa có thu nhập. Còn Võ Tạ Dũng (sinh năm 1994) cho biết: "Tất cả mọi người mới đang "học việc", một số người còn chưa bán được hàng và mời được đối tác nào tham gia. Mọi chi phí sinh hoạt đều do gia đình chu cấp nên chúng em phải chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng trung bình từ 700.000 đồng đến 900.000 đồng/người, riêng tiền ăn cũng chỉ chi 5.000 đồng/người/bữa". Dũng tin tưởng: "Khổ cực mà sau này "thành nghề” mới quý!".

Dù tin tưởng và luôn tự hào về nghề của mình, song hầu hết nhân viên kinh doanh đa cấp đều không dám nói thật công việc mình đang làm, sợ gia đình phản đối, cắt "viện trợ". Phạm Thị Lệ sinh năm 1995 (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ: "Em cũng chỉ dám nói với bố mẹ là ra Thái Bình học nghề cắt tóc. Nhưng nếu mình nỗ lực thì tin rằng chẳng bao lâu nữa sẽ thành công, lúc đó nói thật với gia đình cũng chưa muộn".

Các nhân viên kinh doanh đa cấp (tạm trú tại xã Song An, Vũ Thư) chia sẻ với phóng viên về nghề của mình.

Tin tưởng, chờ đợi rồi… bỏ cuộc
Được biết, để đạt được cấp bậc trợ lý giám sát, nhận được 5% tiền hoa hồng từ doanh thu bán sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội và bảo trợ người khác tham gia thì nhà phân phối trong mạng lưới kinh doanh phải đạt chỉ tiêu 2cc tương đương với việc mua hoặc bán được sản phẩm với số tiền 8,4 triệu đồng trong 2 tháng liên tiếp. Nếu bán được nhiều hàng, bảo trợ được nhiều người tham gia thì sẽ đạt được cấp bậc cao hơn, tiền hoa hồng cũng tăng lên.

Song, thực tế có rất ít nhân viên kinh doanh ở Thái Bình bán được hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của Lô Hội cho người dân bởi họ không có mối quan hệ, giá sản phẩm cao nên chỉ có những nhà phân phối ngay trong hệ thống mua. Muốn đạt được thành tích bán hàng, nhận được nhiều tiền hoa hồng buộc các nhân viên kinh doanh đa cấp phải tìm mọi cách mời chào được càng nhiều người tham gia càng tốt, thậm chí có thể "lừa" cả người thân, bạn của mình.

Nguyễn Văn Anh, sinh năm 1994 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) thừa nhận: "Để tìm  đối tác cùng kinh doanh với mình, nếu chúng em nói thật là bán hàng đa cấp thì  rất ít người tin. Vì vậy, hầu hết mọi người ở đây đành phải nói dối sẽ giúp đỡ người thân, bạn bè ra Thái Bình làm công việc nào đó ổn định, có thu nhập. Bạn em cũng bảo em ra Thái Bình làm ở một công ty lớn, đến đây mới biết kinh doanh đa cấp". Như vậy, nguồn thu nhập khổng lồ như người ta hứa hẹn trước đó chưa thấy đâu, nhiều người dù vô tình hay cố ý đã bị cuốn vào "vòng xoáy" của bán hàng đa cấp.

Có rất nhiều nhân viên bán hàng đa cấp đã vỡ mộng làm giàu, bỏ cuộc giữa chừng khi không bán được hàng, giới thiệu được người tham gia. Chị Nguyễn Thị Mến - hộ kinh doanh cạnh Quốc lộ 10 (Thị trấn Vũ Thư) cho biết: "Có nhân viên khoe với tôi giới thiệu được 25 người ra Thái Bình nghe hội thảo nhưng sau buổi đầu tiên 23 người bỏ về.  Đôi vợ chồng ở Thanh Hóa nghe bạn rủ rê đã bán một con bò lấy 8,7 triệu đồng để kinh doanh đa cấp, sau 3 tháng thu nhập chẳng thấy đâu mà tiền bán bò cũng hết đành khăn gói về quê”. Nguyễn Thái Nguyên, sinh năm 1990 (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) tiết lộ: "Em đã từng tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp ở Thái Bình nhưng chỉ sau 6 tháng phải đi tìm công việc khác, bởi làm mãi mà không có thu nhập. Em khẳng định, những người có mức lương vài chục triệu đồng/tháng từ loại hình kinh doanh của Lô Hội tại Thái Bình có nhưng chiếm tỷ lệ rất ít. Nghề này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may mắn và không phải ai cũng làm được. Nếu mấy chục nghìn người mà giàu cả thì những nghề khác trong xã hội ai làm".

Những hệ lụy
Năm 2009, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Sao Mai đăng ký kinh doanh và mở chi nhánh hoạt động tại Thái Bình (thuộc Công ty TNHH Thương mại Lô Hội). Đây là doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối độc quyền hóa mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Tập đoàn Forever Living Products - Hoa Kỳ tại Việt Nam theo hình thức bán hàng đa cấp. Trong thời gian từ năm 2009 đến tháng 7/2013, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn người từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Yên Bái… về tham gia các lớp hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng do các nhà phân phối của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội tổ chức.

Họ thuê nhà dân tại một số xã, phường, thị trấn của huyện Vũ Thư, Thành phố Thái Bình để ăn, nghỉ. Thôn Minh Quàn (xã Minh Quang, Vũ Thư), Nghĩa Chính (Phú Xuân, Thành phố Thái Bình) có số người thuê trọ rất đông nên lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt. Nhiều người dân địa phương cũng không biết họ kinh doanh cái gì chỉ biết người này đi thì người khác lại đến gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt, gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường. Giàu đâu chưa thấy, chỉ biết thực tế nơi ở rất tạm bợ, họ ăn uống kham khổ, đồ đạc vật dụng hàng ngày cũng chỉ ở mức tối thiểu.

Thời gian qua đã có một số dư luận không tốt xung quanh công việc, cuộc sống sinh hoạt của những nhân viên bán hàng đa cấp tại Thái Bình. Sau đó, nhiều bậc phụ huynh mới té ngửa biết mình bị con lừa xin tiền đi "kinh doanh", nên đành vượt hàng trăm cây số ra Thái Bình đưa con về quê. Một người dân ở Thị trấn Vũ Thư kể: "Có ông bố ở Nghệ An biết con tham gia bán hàng đa cấp gọi điện khuyên nhủ mãi không về đành phải hẹn con trai là ra ngã 3 (Km số 6, quốc lộ 10) nhận tiền chu cấp. Cu cậu không nghi ngờ gì, hí hửng ra nhận tiền thì bị bố ép đưa lên xe quay về quê, bỏ lại cả đồ đạc ở phòng trọ”. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều ông bố, bà mẹ của nhân viên kinh doanh đa cấp vẫn lao động vất vả kiếm từng đồng để gửi cho con "học nghề”, mong mỏi sau này có cuộc sống ổn định mà ít ai ngờ được ở nơi đất khách quê người con cái họ ôm mộng làm giàu chỉ bằng cách gọi điện, nhắn tin mời chào bạn bè, người thân cùng kinh doanh với mình. Ngoài những buổi "học", để "giết" thời gian một số chọn cách ngồi chơi, tán gẫu ở những quán trà đá, bờ sông, chọn những bãi đất trống đá bóng.

Nhiều nghề trong xã hội mọi người phải lao động, làm việc cật lực để kiếm tiền mà vẫn chưa thể giàu thì những thanh niên từ 18 đến 25 tuổi "sức dài, vai rộng" ở đây lại không lao động mà chỉ chờ kiếm được nhiều tiền là điều không tưởng, lãng phí nguồn nhân lực rất lớn của xã hội. Chưa biết trong tương lai, những công việc nhàn hạ thu nhập cao được người ta vẽ ra có thể đổi đời cho cả chục nghìn người hay không, nhưng hiện tại nếu chỉ kinh doanh theo cách mời chào gia tăng số lượng nhân viên, người này giới thiệu người kia, người đến sau nuôi người trước, thì chắc chắn  sẽ có thêm nhiều người kinh doanh đa cấp trắng tay, phải bỏ cuộc và vỡ mộng làm giàu.

(Còn nữa)
Bài, ảnh:
Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa

Thanh nhat - 8 năm trước

Lam nhu vay la sai

Tải thêm