Thứ 5, 19/12/2024, 03:42[GMT+7]

Người dệt chiếu cói ở Quỳnh Phụ canh cánh nỗi lo giữ nghề

Thứ 3, 29/10/2013 | 09:44:20
6,979 lượt xem
Từ lâu, huyện Quỳnh Phụ nổi tiếng có nghề dệt chiếu cói với nhiều loại sản phẩm bền, đẹp. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng tiêu thụ cũng như giá bán chiếu giảm mạnh khiến cho việc duy trì nghề truyền thống của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Dệt chiếu gấp theo công nghệ mới ở cơ sở chiếu cói Xuân Hòa (An Vũ, Quỳnh Phụ)

Chiếu ế ẩm, giá giảm mạnh

Buông nắm cói đang nhặt dở xuống nền nhà, bà Nguyễn Thị Mận (thôn Bình Minh, xã An Dục) than thở: “Trước kia, cả làng cùng dệt chiếu, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó nhưng từ năm ngoái đến nay chiếu ế ẩm lắm. Có hôm, tôi lọ mọ ôm chiếu ra chợ đứng từ 1 giờ đêm đến sáng không ai hỏi mua lại mang về, có khi vài phiên chợ mới bán được một đôi. Giờ đây, cả thôn chỉ còn hơn chục hộ làm chiếu, thanh niên đi làm việc khác, nhưng hai vợ chồng tôi đều đã trên 70 tuổi nên đành bám go chiếu kiếm dăm ba chục mỗi ngày và cũng để giữ nghề”.

Cùng tâm trạng như bà Mận, chị Nguyễn Thị Thoa (thôn An Lạc, xã An Dục) kể: “Thời điểm từ năm 2009 đến giữa năm 2012, một đôi chiếu đậu đẹp rộng 1,5 đến 1,6 m dệt tay bán khoảng 380.000 đồng, sau khi trừ chi phí, 2 người dệt 1 ngày cũng có thu nhập từ 140.000 - 150.000 đồng. Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, giá các loại chiếu đều giảm mạnh, đôi chiếu đậu chỉ có giá từ  270.000 - 280.000 đồng, trong khi giá nguyên liệu tăng nên thu nhập mỗi người chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/ngày. Gọi là một ngày công lao động nhưng tính ra thời gian dệt một đôi chiếu phải mất 14 đến 15 tiếng đồng hồ với nhiều công đoạn.

Theo ông Hòa Quang Tinh, Chủ tịch UBND xã An Dục: “An Dục đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận xã nghề. 5/5 thôn trong xã đều dệt chiếu với 1.000 go thu hút hơn 2.000 lao động làm nghề quanh năm. Nhưng nay, do thu nhập không cao nên nhiều hộ đã bỏ nghề, số go của xã chỉ còn khoảng 300 với khoảng 600 lao động tham gia nhưng cũng không dệt thường xuyên”.

Không chỉ ở An Dục mà hiện nay tại các xã An Tràng, An Lễ, An Vũ, An Hiệp (những nơi được coi là “thủ phủ” làm chiếu của Quỳnh Phụ) số hộ làm nghề cũng giảm mạnh. Cả chiếu dệt tay thủ công và chiếu dệt máy đều ế ẩm. Ông Nguyễn Văn Thân, chủ cơ sở chiếu máy ở thôn Vũ Hạ, xã An Vũ cho biết: “Gia đình tôi có 10 máy dệt chiếu, trước kia thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi tháng có thể dệt tới 10.000 lá chiếu.

Nhưng từ đầu năm đến nay, chiếu tiêu thụ chậm, hiện vẫn còn chất đầy kho nên lượng sản xuất giảm xuống còn 5.000 lá/tháng mà vẫn lo đứng lo ngồi”. Ông Phan Văn Ấn, chủ thu gom chiếu ở xã An Lễ chia sẻ: “Trước đây, mỗi năm tôi thu gom khoảng 30.000 đôi chiếu cói bán ở miền Bắc, miền Trung, nhưng giờ chiếu ế ẩm, phải tận dụng mọi mối quan hệ mở rộng vùng bán vào tận miền Nam nhưng giỏi lắm cũng chỉ tiêu thụ được 20.000 đôi. Khu vực tôi sống có 3 chợ bán chiếu đêm ở An Lễ, An Dục, An Tràng vốn là nét văn hóa độc đáo của Quỳnh Phụ, giờ chợ chiếu An Tràng không còn hoạt động”.

Đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Chiếu cói Quỳnh Phụ cho biết: Chiếu cói Quỳnh Phụ bao đời nay nổi tiếng bền, đẹp, nằm ấm về mùa đông, mát về mùa hè, dùng tới chục năm không hỏng và được khách hàng cả nước biết đến. Đặc biệt, từ năm 2005 trở lại đây, nhiều cơ sở đã đầu tư máy dệt góp phần tăng năng suất từ 12 đến 15 lần so với phương thức dệt thủ công.

Giai đoạn từ 2006 đến năm 2012, toàn huyện có hơn 10 cơ sở dệt chiếu máy với số lượng trên 100 máy. Trung bình, mỗi năm Quỳnh Phụ xuất bán ra thị trường từ 2 đến 2,3 triệu lá chiếu, thu hút từ 7.000 đến 7.500 lao động tham gia làm nghề. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây số hộ làm chiếu cũng như sản lượng chiếu tiêu thụ giảm khoảng 30%. Thu nhập của người làm chiếu thủ công giảm từ 70.000 - 80.000 đồng/người/ngày xuống còn từ 40.000 - 50.000 đồng/người/ngày.

Năm nay, hầu hết các cơ sở chiếu máy chỉ duy trì sản xuất để giữ mối hàng chứ không có lãi, một số đã bán máy chuyển sang làm nghề khác. Theo ông Hòa, nguyên nhân trước hết là do thời gian qua kinh tế khó khăn nên đã tác động lớn đến sự phát triển nghề của địa phương. Đa số người dân trước đây đều nằm chiếu cói thì nay nhiều gia đình  chuyển sang dùng đệm hoặc chiếu trúc, chiếu nilon khiến lượng tiêu thụ giảm. Là địa phương dệt chiếu cói nổi tiếng nhưng phương thức sản xuất vẫn nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định và đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Cơ sở hạ tầng làng nghề, các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu tiên cho phát triển nghề còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.

Ngoài ra, chiếu cói của Quỳnh Phụ chịu sự cạnh tranh quyết liệt của một số vùng làm chiếu nổi tiếng như Nga Sơn, Quảng Xương (Thanh Hóa), Kim Sơn (Ninh Bình)… nơi có sẵn nguồn nguyên liệu cói. Với địa phương, cói phải nhập hoàn toàn từ miền Nam về nên không chủ động được nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán chiếu thì không tăng, thậm chí còn giảm đã khiến tiền công của người lao động cũng giảm theo. Thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống đã khiến nhiều người dân bỏ nghề tìm nghề khác thu nhập cao hơn.

Hướng nào để giữ nghề?

Để giữ nghề truyền thống, cuối năm 2012 ông Nguyễn Xuân Hòa đã đứng lên vận động, thành lập Hội Chiếu cói Quỳnh Phụ gồm 80 thành viên là những chủ cơ sở sản xuất, thu gom chiếu trên địa bàn. Hội hoạt động trên tinh thần tự nguyện với mục đích tạo mối liên kết hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Riêng cơ sở chiếu cói Xuân Hòa của gia đình ông cũng đã đầu tư 500 triệu đồng mua 4 máy dệt chiếu chất lượng cao theo công nghệ Hàn Quốc, Nhật Bản và đến nay đã xuất xưởng 1.000 lá. Trong tháng 8 vừa qua, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề do Sở Công Thương tổ chức, một số đơn vị sản xuất chiếu cói ở Quỳnh Phụ cũng đã kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, giải pháp ngành đưa ra vẫn chung chung nên tình hình ở các làng nghề chiếu cói đến nay vẫn chưa được cải thiện, khó vẫn chồng khó. Để nghề dệt chiếu cói tồn tại và phát triển, người dân nơi đây mong muốn tỉnh, huyện và các địa phương cần sớm hỗ trợ bà con một phần kinh phí mua máy dệt chiếu, đào tạo nâng cao tay nghề, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì, mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thành lập các tổ hợp tác, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, xúc tiến thương mại  nhằm quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm giúp nghề và làng nghề của địa phương phát triển ổn định và bền vững.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa