Thứ 6, 09/08/2024, 14:25[GMT+7]

Những ngôi nhà vắng tiếng cười

Thứ 3, 05/11/2013 | 08:03:14
2,580 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về nó vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính. Trở về quê hương, lập gia đình, tưởng chừng niềm hạnh phúc trọn vẹn sẽ đến với họ khi những đứa con ra đời. Thế nhưng niềm hy vọng ấy sớm bị dập tắt khi đứa con được sinh ra mang trong mình di chứng chất độc da cam với khuyết tật cả hình hài, thể xác lẫn tinh thần.

Vợ chồng ông Nguyễn Công Sự (xã Minh Quang, Vũ Thư) chăm sóc người con trai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Họ và gia đình vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đang phải chịu đựng sự “gặm nhấm” của nỗi đau. Chất độc da cam đã khiến họ trở thành người khổ nhất trong những người khổ, nghèo nhất trong những người nghèo, gia cảnh của họ khiến người chứng kiến phải rơi nước mắt. Trong những ngôi nhà ấy, bên cạnh vẻ hoang sơ, nghèo túng là âm thanh gào hét, ú ớ xen lẫn tiếng khóc, tiếng thở dài của số phận bất hạnh. Có những ông bố, bà mẹ ở độ tuổi “thất thập” vẫn oằn mình, còng lưng để cõng và chăm sóc những đứa con “không lớn nổi thành người”.

 

Vừa đặt chân đến nhà ông Nguyễn Công Sự (xã Minh Quang, Vũ Thư), chúng tôi đã nghe thấy tiếng rên, tiếng ú ớ đến rầu rĩ của người con trai. Cách đây 40 năm, ông bà sinh được người con trai với bao niềm hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi đứa con của ông phát triển không bình thường, lớn mà không có khôn, suốt ngày chỉ nói ú ớ với đôi mắt đờ dại, không biết tự chăm sóc bản thân mình. Mọi sinh hoạt gia đình đè nặng lên đôi vai vợ chồng già, tấm lưng ông Sự đã còng xuống bởi 40 năm ông phải cõng con bên mình.

 

Bản thân bị nhiễm chất độc da cam nên sức khỏe của người đàn ông 73 tuổi cũng đang suy yếu dần. Người vợ thương chồng, thương con, suy kiệt tinh thần, thể xác nên cũng ốm đau luôn. Ông tâm sự: “Chúng tôi đã già, sức khỏe đã yếu, bây giờ còn cố chăm sóc cháu được, mai kia rồi không biết sẽ ra sao”. Giọng của người cựu chiến binh bỗng chùng xuống thay cho giọt nước mắt đang rơi. Mỗi lần nhìn con đau đớn, trái tim họ quặn lại, sự nghiệt ngã của chất độc da cam khiến họ không thể vượt qua nếu thiếu sự quan tâm, động viên và chia sẻ từ cộng đồng.

 

Đến thăm ngôi nhà bà Bùi Thị Mậu (69 tuổi, ở xã Đông Quang, Đông Hưng), chúng tôi ai cũng phải rơi nước mắt bởi gia cảnh của bà là sự tận cùng khổ đau. Trong nước mắt, bà chia sẻ: “Sau 11 năm ông tham gia quân ngũ, trở về địa phương chúng tôi lấy nhau và sinh được 4 cháu. Thế nhưng sự ra đời của những đứa con thay bằng nụ cười là giọt nước mắt. Cả 4 cháu đều bị nhiễm chất độc da cam, cháu lớn bị u đầu, tay chân khoằn khèo và đã mất, cháu thứ hai bị điếc, cháu thứ 3 năm nay 36 tuổi nhưng bị khuyết tật thần kinh còn cháu út bị mất trí hoàn toàn, không nhận thức được gì cả”.

 

Hoàn cảnh gia đình khiến bà rơi vào trạng thái tuyệt vọng đến tột cùng bởi mọi sự khổ đau đè lên đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé, ông đã ra đi mãi mãi vào năm 2001, một mình bà phải chăm sóc những đứa con “không lớn nổi thành người”. Bà có 4 người con mà không một lần được nghe hai tiếng “Mẹ ơi”. Hàng ngày đi làm bà phải xích chân các con lại vì sợ con mình đi đập phá nhà hàng xóm và trong cơn vô thức con đi mà không biết đường về. Giở cho chúng tôi xem vết thương bị bầm tím trên vai vẫn còn đau nhức mà người con trai út mới đánh, bà xót xa cho gia cảnh của mình, thương những đứa con vô tội đã bị chất độc da cam hành hạ cả tinh thần và thể xác. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau mà những ông bố, bà mẹ ấy đang phải chịu đựng, sinh con ra mà không được chứng kiến con trưởng thành và những đứa con vô tội kia được sinh ra trên đời mà không có quyền làm người. Trong ngôi nhà ấy, tiếng cười đã không còn hiện hữu suốt hàng chục năm nay, thay vào đó là tiếng khóc, tiếng than của những mảnh đời bất hạnh.

 

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có hơn 30.000 người bị nhiễm chất độc da cam và mới chỉ có khoảng 21.000 người trong số đó được trợ cấp thường xuyên. Còn rất nhiều, rất nhiều những nạn nhân đang cần sự sẻ chia từ cộng đồng. Vòng tay nhân ái của các nhà hảo tâm sẽ phần nào xua tan đi nỗi đau mà họ đang chịu đựng. Chúng ta hãy cùng nhau siết chặt vòng tay nhân ái của tình người, cùng san sẻ, cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Hoàng Lanh

 

  • Từ khóa