Thứ 2, 29/07/2024, 07:26[GMT+7]

Công tác bảo vệ môi trường: Còn đó nhiều nỗi lo

Thứ 4, 06/11/2013 | 14:21:41
3,027 lượt xem
Những năm qua, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các cấp, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Sự nhất quán trong chủ trương đã góp phần đưa công tác này đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song, vẫn còn đó nhiều nỗi lo.

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty may TAV (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh).

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều quan tâm đến công tác BVMT gắn với hoạt động sản xuất. Việc đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, thực hiện báo cáo giám sát định kỳ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn… đã được các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đổi mới thiết bị để giảm rung, khói bụi, tiếng ồn…, góp phần hạn chế tối đa các tác nhân ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra đã được đẩy mạnh để sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Gần 1 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra trên 250 đơn vị; trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các sở, ngành thanh, kiểm tra 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, xử phạt gần 1 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường phức tạp, kéo dài; trong đó đã hoàn thành di chuyển Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải ra địa điểm mới; cưỡng chế bằng hình thức ngừng cung cấp điện đối với 5 cơ sở nấu, giặt, tẩy, nhuộm xã Thái Phương (Hưng Hà); xử lý 3/6 kho thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ và Thành phố Thái Bình... Cùng với đó, tỉnh đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải.

Lựa chọn 8 cụm công nghiệp (Phong Phú, Đồng Tu, Đông La, Đập Neo, Vũ Ninh, Trà Lý, Mỹ Xuyên, Thị trấn Vũ Thư) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu xử lý nước thải tập trung; việc cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án mới hoặc mở rộng, nâng công suất có phát sinh nước thải tại các cụm công nghiệp này chỉ được thực hiện sau khi khu xử lý nước thải tập trung hoàn thành và đi vào hoạt động; không xem xét chấp thuận đầu tư vào các cụm công nghiệp còn lại. Đối với công tác BVMT khu vực nông thôn cũng có nhiều cải thiện. Ý thức của người dân ngày càng được nâng lên. Các xã, thị trấn đều đã có tổ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Nhiều xã đã cán đích tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là công tác đầu tư cơ sở hạ tầng về BVMT tại các khu, cụm công nghiệp còn chậm; nhiều KCN, cụm công nghiệp lấp đầy diện tích nhưng vẫn không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Toàn tỉnh mới có 2/6 KCN (Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh) có hệ thống xử lý nước thải; các cụm công nghiệp, làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT thì nguyên nhân chủ yếu bởi kinh phí đầu tư rất tốn kém, trong khi ngân sách dành cho công tác BVMT có hạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong các KCN sản xuất nhiều ngành hàng khác nhau nên vấn đề xử lý nước thải không hề đơn giản. Vì thế, nước thải chưa qua xử lý hoặc chưa đạt tiêu chuẩn vẫn được đổ thẳng ra các kênh mương, sông ngòi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT Phạm Thị Huyền cho biết: Hiện rất khó để xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp do biện pháp chế tài không chặt chẽ. Mức xử phạt còn thấp hơn chi phí vận hành hệ thống xử lý chất thải nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận bị phạt hơn. Hiện, lượng chất thải rắn phát sinh trong sản xuất công nghiệp rất lớn, trong đó chất thải rắn nguy hại chiếm trên 20%.

Tuy nhiên, việc thu gom, phân loại, xử lý chưa được quan tâm đầu tư, chủ yếu là do các doanh nghiệp tự lo. Toàn tỉnh mới chỉ có 1 khu chôn lấp chất thải rắn công nghiệp tại KCN Tiền Hải nhưng lượng chất thải được đưa đến đây còn rất ít, nhiều doanh nghiệp vẫn “tiện đâu đổ đấy”. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn ngày càng gia tăng. Cùng với đó, tình trạng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như: phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và việc sử dụng phân tươi, nhất là trong sản xuất các loại rau xanh, không chỉ có hại trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Công tác BVMT đòi hỏi sự chấp nhận đầu tư rất lớn, xử lý quyết liệt, thậm chí giảm mức độ tăng trưởng kinh tế... vì vậy, trong thời gian tới, Sở TN&MT, các đơn vị liên quan cần tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thanh, kiểm tra, khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định, tránh kiểm tra rồi mọi việc lại đâu hoàn đấy, hoặc chỉ kiểm tra khi có kiến nghị của người dân.

Đức Dũng

  • Từ khóa