Chủ nhật, 18/05/2025, 23:05[GMT+7]

Khi săn chuột đi ngược lại lợi ích

Thứ 2, 11/11/2013 | 10:14:08
3,790 lượt xem
Diệt chuột bảo vệ mùa màng là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, cần có nhiều hơn các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong việc chọn cách diệt chuột phù hợp, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông... để mỗi chiến dịch diệt chuột qua đi, người nông dân không phải lo lắng vì chuyện “phá bờ”.

Dùng cuốc, thuổng đề đào hang chuột, khiến nhiều con đường xuống cấp.

Một ngày cuối tháng 10, thời tiết se lạnh và hanh khô, chúng tôi theo chân một tốp thanh niên thôn Trung, xã Ðông Phương (Ðông Hưng) đi săn chuột đồng. Cả đội gồm 6 thanh niên lực lưỡng, người cầm cuốc, người vác thuổng, cầm bao bừng bừng khí thế tiến thẳng ra cánh đồng đầu làng.

 

Năm nào cũng vậy, đám trai làng làm nghề tự do trên Hà Nội và các tỉnh lân cận lại kéo nhau về quê giúp gia đình thu hoạch mùa màng. Khi mùa màng xong xuôi, họ nán lại dăm ba hôm để săn “con đặc sản” về nhậu. Duy năm nay 24 tuổi, người thôn Nam, xã Ðông Phương làm thợ hồ bên Hưng Yên, thành viên trong đội săn chuột cho biết: “Trước đây ở quê mình chuột nhiều lắm. Giờ cơn sốt thịt chuột lan rộng, nhiều người bỏ việc trên thành phố về săn chuột bán, vừa nhàn lại dễ kiếm tiền. Nhưng chỉ những tháng cuối năm chuột đồng mới nhiều và béo, dễ bắt”.

 

Ðến địa điểm săn chuột, Duy giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong đội. Dưới lòng mương khô nứt chân chim, sau 15 phút phát cỏ, Duy và đám bạn tìm được một hang chuột khá mới. Theo Duy, qua vết chân chuột ở cửa hang thì đây là ổ chuột đàn vì cửa hang nhẵn lì, nhiều vết mới. Vì mương cạn nên không dùng nước để bắt, cả nhóm dùng thuổng, cuốc để đào. Tìm được hang chính, họ lấy rọ vít các của hang phụ đề phòng chuột thấy động lao ra tẩu thoát. “Cách này tuy vất vả, mất sức nhưng triệt để, chuột không bị dính nước lại sạch sẽ. Với lại mình đào hang thì sau này chuột nó không còn sử dụng hang này nữa. Ðã triệt là triệt tận gốc luôn”. Duy vừa đào vừa nói với chúng tôi.

 

 

Chỉ một chốc lát, cả đội đã nhìn thấy thành quả, Duy khéo léo tóm từng con chuột đồng béo múp, bẻ răng cho vào bao tải. Sau khi đào đến khi không còn ngách nào, cả đội đã bắt được gần 20 con chuột, không để con nào tẩu thoát. “Bãi chiến trường” để lại là khoảng đất đào bới nham nhở. Lần đầu tiên đi săn chuột chúng tôi mới thực sự hiểu để tóm gọn một ổ chuột, những tay thợ phải đào bới tung cả một đoạn bờ ruộng, bờ mương.

 

Ði săn chuột với nhóm Duy, chúng tôi còn gặp nhiều “tiểu đội” khác. Họ đa phần là thanh niên và những người trung tuổi. Có những đội cả chục người với chiến lợi phẩm là một bao tải chuột lúc nhúc. Ði trên con đường dài gần 1km, rộng 7m theo đúng tiêu chí nông thôn mới, chúng tôi bắt gặp nhiều đoạn đường bị đào bới nham nhở, có đoạn đào vào quá nửa đường đi, đây là hậu quả của việc săn chuột. Họ không có ý thức san lấp lại sau khi đào bắt chuột. Việc săn chuột đã trở thành hoạt động phá hoại hệ thống giao thông nội đồng. Khi được hỏi về chuyện phá bờ bắt chuột, Duy và đám bạn đều có chung một câu trả lời. “Mình không đào thì người khác cũng đào, ở đây chẳng ai cấm bắt chuột cả vì chuột vốn là loài phá hoại mùa màng, là kẻ thù của người nông dân. Người ta còn khuyến khích bắt chuột dưới mọi hình thức. Khu đồng cao không có nước nên giải pháp tốt nhất là đào thôi”.

 

Rời xã Ðông Phương, chúng tôi tiếp tục theo các đội quân “săn chuột” của các xã Song An, Trung An, Việt Thuận, Vũ Ðoài…(Vũ Thư) “hành nghề” trên khắp các cánh đồng.

 

Ðào bờ máng bắt chuột ở xã Trung An, huyện Vũ Thư.

 

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, anh Nguyễn Thái Học - một nhân viên văn phòng, quê ở Trung An (Vũ Thư) theo chân hai “cao thủ” đi bắt chuột vừa để làm mồi nhậu lại được thỏa đam mê bắt chuột từ nhỏ của mình. Có nhiều cách bắt chuột: đổ nước, hun khói,… nhưng vào mùa khô, những chân ruộng cao thường cạn nước, nên dân “săn chuột” thường chọn cách đào hang. Chỉ vài tiếng đồng hồ, sau khi xới tung một đoạn mương ước chừng 1km, thành quả gần 5kg chuột đã nằm gọn trong bao. Anh Học chia sẻ: “Săn chuột vừa kiếm được thứ mồi nhậu “đặc sản”, lại diệt được loài phá hoại mùa màng, đặc biệt là được tìm lại những cảm giác hồi hộp, hào hứng của tuổi thơ trước kia”.

 

Khi “họ hàng nhà tí” trở thành “đặc sản”, thành món nhậu hấp dẫn thì nghề bắt chuột đã trở thành một nghề “hái” ra tiền. Chưa đến 6 giờ sáng, “đội quân săn chuột” của Ngô Văn Thủy, Lê Văn Trường, Lê Văn Ðức (Xuân Trường, Nam Ðịnh) đã có mặt trên cánh đồng xã Việt Thuận (Vũ Thư) để “săn chuột”. Anh Thủy cho biết: “Ở làng tôi có rất đông người chuyên đi bắt chuột, chuột quanh vùng khan hiếm, nên chúng tôi phải lặn lội sang bên này, mong bắt được nhiều chuột to hơn”.

 

Xách giỏ chuột hơn chục kilôgam, anh Trường, một người trong nhóm vui vẻ cho biết: “Chuột phải còn sống thì bán mới được giá, mùa này chuột đồng đang rộ, nên giá chuột khoảng 70.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại to, nhỏ; chuột làm lông sẵn, thui rơm vàng ruộm có giá trên 100.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, nhóm tôi “săn” được gần 20kg chuột, trừ chi phí đi lại, ăn uống thu nhập cũng được xấp xỉ 400.000 đồng/người”.

 

Ðặc biệt, sau vụ gặt, các “đội quân săn chuột” khắp nơi đổ về. Vì mải mê lùng bắt chuột, những “đội quân săn chuột” như anh Cao, anh Thủy… đã vô tư “quên” đi việc đắp lại bờ thửa, do vô tình hay hữu ý họ trở thành những “đội quân phá bờ”. Sau chiến tích diệt chuột, chiến trường họ để lại là những đoạn bờ mương, máng, đường giao thông nội đồng bị đào xới nham nhở, ngổn ngang. Khi được hỏi về việc đắp lại bờ sau khi đào chuột, họ khiên cưỡng đắp lại qua loa hoặc bỏ đi nơi khác đào tiếp.

 

Có thị trường tiêu thụ ắt có nguồn cung dồi dào, thịt chuột lại càng có cơ hội lên ngôi. Nhưng đằng sau “thương hiệu” tự phong ấy là mối hiểm họa về bệnh tật, vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng vốn đã được các phương tiện truyền thông thông tin đăng tải. Bên cạnh đó, hậu quả để lại cho ruộng đồng là những con đường bị cày xới, băm nát, nhiều công trình thủy lợi, đê điều, đường giao thông… xuống cấp, hư hỏng vì nạn săn chuột. Cứ mỗi mùa săn chuột qua đi, người dân lại bỏ thời gian đi sửa sang bờ vùng, bờ thửa trước khi vào vụ mới.

Tất Ðạt - Nguyễn Thơi

 

 

  • Từ khóa