Thứ 7, 03/08/2024, 09:13[GMT+7]

Giấc mơ Tết của trẻ em nghèo

Thứ 4, 22/01/2014 | 08:49:47
3,046 lượt xem
Càng cận kề ngày Tết, trẻ con càng háo hức mong chờ. Mong chờ bởi chúng sẽ được cha mẹ mua cho quần áo đẹp, được đi chơi, ăn những món ngon và được cả tiền mừng tuổi. Nhưng, ấy là niềm vui của những đứa trẻ gia đình có điều kiện, còn với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì điều ước ngày Tết của chúng giản dị đến mức khiến người ta không khỏi chạnh lòng.

Tết về, trẻ em mong có tấm áo mới diện Tết nhưng không phải điều ước nào cũng được thực hiện.

Trong cái rét đậm một chiều giáp Tết, nó cứ ngồi lặng lẽ cạnh một quán cà phê. Có khách nào vào quán là nó lại “bật” dậy đến mời đánh giày. Khách từ chối nó lại về chỗ cũ ngồi với vẻ mặt mệt mỏi. Còn chưa đầy nửa tháng nữa là Tết mà thu nhập của nó chẳng hơn ngày thường. Có lẽ tại năm nay “ông giời” ít mưa, đường xá sạch sẽ nên người ta cũng ít gọi nó đánh giày. Nó bảo, Tết này chắc nhà nó buồn lắm vì mẹ nó đang ốm, bố thì đi làm xa nhà, nghe nói công việc cũng khó khăn nên chẳng biết ông có mang được ít tiền về cho gia đình không.

17 tuổi, nó bỏ học đã hai năm nay. Hàng ngày, nó đi đánh giày thuê cho khách vào uống cà phê ở những quán trên đường Trần Hưng Đạo, kiếm tiền giúp cha mẹ. “Em không cần có quần áo mới diện Tết, chỉ mong sao mấy ngày cận Tết trời có mưa, khi đó sẽ có đông khách đánh giày để em có thêm tiền giúp mẹ chữa bệnh và mua cho đứa em bộ quần áo mới”. Nó chia sẻ rồi vội vã đứng lên khi đánh xong đôi giày cho tôi và thấy có khách mới vào quán. Không biết rồi những ngày cận Tết trời có mưa như nó thầm mong không?

Năm nay Thanh đang học lớp 6, còn anh trai Thanh lẽ ra đang học lớp 10 nhưng vì nhà khó khăn quá, bố mẹ không nuôi nổi hai anh em tuổi ăn, tuổi học nên anh nó phải nghỉ học đi làm thuê. Nhà của Thanh giáp vách nhà tôi, bố mẹ đều là lao động tự do, vì sức khỏe yếu nên bố em ngày làm, ngày nghỉ, mọi chi tiêu trong gia đình đều “đổ” lên vai người mẹ với thu nhập chưa đầy 2 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, mẹ em đi làm thuê từ lúc tờ mờ sáng, chiều về lại tất tả lo việc nhà, trồng thêm rau xanh bán để tăng thu nhập. Thanh bảo, gia đình em chưa năm nào mua được con gà để ăn Tết. Cứ chiều 30 Tết, bán xong rau thì mẹ mới tranh thủ đi mua cân giò về thắp hương và một con ngan để nấu đông ăn Tết. Bánh kẹo thì mẹ cũng chỉ mua ít và chọn loại rẻ tiền. Với em một bộ quần áo mới, một đôi giày đẹp để diện Tết cùng bạn bè sao mà thật khó.

Cùng hoàn cảnh như Thanh, bố của Dung Nguyên đi làm thuê cho một cơ sở kinh doanh cây cảnh. Công việc không đều nên thu nhập tháng có, tháng không. Còn mẹ em đi làm công nhân ở một công ty may từ 6 giờ 30 sáng đến 6 giờ 30 tối. Để có thêm thu nhập, mẹ em nhận làm tăng ca, nhiều hôm 7 - 8 giờ tối mới về đến nhà. Vất vả lao động nhưng thu nhập để lo cho một gia đình 4 miệng ăn cũng chỉ vẻn vẹn 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Cuộc sống khó khăn, hai chị em Nguyên không được chăm sóc đầy đủ nên cả chị, cả em đều bé như “cái kẹo”. Em của Nguyên năm nay đã 2 tuổi, ốm đau liên miên và bị suy dinh dưỡng nặng nên vẫn chưa biết đi.

Hỏi Nguyên tết này ước điều gì, em hồn nhiên rằng em ước có một đôi giày màu đỏ, giày của em đã rách lâu rồi nhưng mẹ chưa có tiền để mua. Mấy đợt rét đậm vừa rồi, em toàn phải đi dép lê đến lớp học. Nghe con trẻ nói mẹ em ngậm ngùi: “Ai chả muốn mua quần áo, giày dép đẹp, đồ ăn ngon cho con, nhưng hoàn cảnh khó khăn, lo ăn còn vất vả nên đành chịu. Quần áo của hai đứa tôi toàn đi xin lại đồ cũ. Được cái chúng “dễ tính” nên vẫn vui vẻ mặc, không đòi hỏi gì” - Chị cười nửa ngại ngùng, nửa xót xa.

Nhớ lại một hôm thấy mẹ Nguyên cầm về mấy đôi giày, hỏi chị mới biết đó là mấy đôi giày cũ chị được một người bà con cho bọn trẻ nhưng con chị đi đôi nào cũng rộng nên chị cất đi để dành… sang năm. Nghe chị nói mà thấy chạnh lòng, chẳng biết rồi mấy đôi giày gia công ấy sang năm Nguyên có cơ hội xỏ chân đi không hay khi cầm đến thì giày đã bị hỏng rồi.

Tết đã về trên những con đường, Tết cũng đã gõ cửa mỗi gia đình. Tết về, người vui nhất là những đứa trẻ. Nhưng với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Tết của chúng vẫn là những ngày rong ruổi trên đường lo kiếm sống, là những điều ước giản dị mà chỉ để ước mơ. Trong khi hàng ngày cha mẹ chúng vẫn vất vả, gồng mình lo cơm áo gạo tiền, không biết đến bao giờ những trẻ em như Thanh, như Nguyên, như đứa trẻ đánh giày thuê mới có được cái Tết đủ đầy như bao trẻ em khác. Đến bao giờ ngày Tết mới là ngày vui và những điều ước ngày Tết của các em sẽ không còn khiến người nghe phải chạnh lòng?   

Mai Hân

  • Từ khóa