Thứ 5, 15/05/2025, 13:35[GMT+7]

Chủ động phòng, chống các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người

Thứ 2, 24/02/2014 | 10:21:04
1,429 lượt xem
Những tháng đầu năm 2014, dịch cúm gia cầm H5N1 diễn biến hết sức phức tạp, đến ngày 20/2 dịch cúm đã xảy ra ở 17 tỉnh, trong đó có Nam Ðịnh liền kề với Thái Bình. Trong tháng 1/2014, đã phát hiện 2 trường hợp ở người mắc cúm A/H5N1 và đã tử vong tại Bình Phước, Ðồng Tháp.

Các gia trại chăn nuôi ở xã Vũ Vân (Vũ Thư) luôn làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại.

Ðặc biệt, tình hình dịch cúm A/H7N9 đang xảy ra tại Trung Quốc (vi rút cúm A/H7N9 được phát hiện trên gia cầm và người ở tỉnh Quảng Tây, giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam), đã ghi nhận 339 ca bệnh, trong đó 66 ca tử vong. Tổ chức FAO nhận định, Việt Namon>, Lào và Myanmaron> là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc.

 

Chốt chặn vận chuyển gia cầm tại bến đò Cát ra vào địa bàn xã Vũ Vân (Vũ Thư).

Trong khi đó, Thái Bình là tỉnh có đường quốc lộ chạy qua, việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn tỉnh đi tiêu thụ tại Quảng Ninh, Hải Phòng, một số tỉnh của Trung Quốc và ngược lại rất phức tạp, chưa được kiểm soát chặt chẽ, do đó nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới rất cao. Báo Thái Bình đã kịp thời trao đổi với đại diện một số ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

* Ông Nguyễn Văn Ðức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y:

Phóng viên (PV): Thưa ông, vi rút cúm H5N1 đã có sự biến chủng, xuất hiện nhánh mới nên chưa có vắc xin tiêm phòng phù hợp, vậy việc phòng, chống dịch cúm gia cầm trong những năm gần đây được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Ðức: Cùng với việc tổ chức họp triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật theo, trước mỗi đợt tiêm phòng, ngành chuyên môn đều ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật tới từng cơ sở. Công tác giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên thông qua hệ thống thú y cơ sở và qua đường dây nóng (0363.643.640); nhiều ca bệnh đã được phòng dịch tễ và Trạm Thú y các huyện, thành phố kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời.

Về thực hiện lấy mẫu giám sát sự lưu hành của vi rút các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại các chợ buôn bán gia cầm, hộ chăn nuôi thuộc vùng GAHP; ngay trong tháng 1/2014 đã tổ chức lấy mẫu giám sát cúm gia cầm tại 9 chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 6/54 mẫu dương tính với cúm A, 5/6 mẫu dương tính với cúm A subtype H5, 2/5 mẫu dương tính với vi rút cúm A subtype N1. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” đồng loạt trong toàn tỉnh; hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

PV: Trong những năm qua dịch cúm gia cầm H5N1 vẫn xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ðức: Nguyên nhân dịch cúm còn xảy ra ở một số địa phương là do vi rút H5N1 vẫn lưu hành ở trên đàn gia cầm, khi gặp thời tiết bất lợi làm giảm sức đề kháng nên dịch đã bùng phát. Thực tế cho thấy, kết quả giám sát đàn gia cầm tại các chợ trong tháng 1/2014, Chi cục đã phát hiện 2 mẫu dương tính cúm H5N1 tại chợ Ðề Thám, phường Ðề Thám (Thành phố Thái Bình).

Ðồng thời, việc tiêu độc, khử trùng ở một số địa phương làm chưa tốt; tình trạng buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó là việc vi rút cúm H5N1 đã có sự biến chủng, chưa có vắc xin tiêm phòng phù hợp nên đàn gia cầm không kháng lại được các nhánh biến chủng mới...

PV: Trước diễn biến hết sức phức tạp về dịch cúm gia cầm H5N1 và nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta nói chung, Thái Bình nói riêng, cần có những biện pháp gì để chủ động phòng, chống, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ðức: Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, tỉnh đã thành lập các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các đầu mối giao thông; tăng cường giám sát dịch bệnh tới từng thôn xóm, hộ chăn nuôi; thành lập các địa chỉ khai báo về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm của người dân. Tổ chức lấy mẫu kiểm tra định kỳ để phát hiện kịp thời sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm; truy xuất nguồn gốc gia cầm có mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lưu hành, nhất là vi rút H7N9.

Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh; kiên quyết tịch thu, tiêu hủy và không hỗ trợ, bồi thường đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, buôn bán nghi nhiễm bệnh, chết. Chính quyền các cấp giao trách nhiệm cho trưởng, phó thôn cùng với Ban chăn nuôi thú y tăng cường giám sát, phát hiện dịch bệnh ngay trong diện hẹp. Trong trường hợp có gia đình trong thôn, xóm có biểu hiện triệu chứng nghi nhiễm cúm sẽ được điều tra dịch tễ để xác định những đàn gia cầm có tiếp xúc với đàn bị nhiễm bệnh; tiêu hủy tất cả gia cầm trong các đàn bị nhiễm bệnh và đàn có tiếp xúc với đàn nhiễm bệnh.

Ðồng thời tổ chức tiêu độc khử trùng tại khu vực có đàn gia cầm nhiễm bệnh và tạm dừng vận chuyển gia cầm trong thôn, cả việc cấm thả rông gia cầm...; thông báo cho ngành y tế để tiến hành giám sát bệnh trên người. Chi cục Thú y đã thành lập đội kiểm dịch lưu động thực hiện ký cam kết với các chủ bến đò, phà giáp ranh với tỉnh Nam Ðịnh về việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh; cấp hỗ trợ 1,5 tấn hóa chất cho huyện Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương.

* Ông Nguyễn Văn Nghiên, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường:

Hiện Thái Bình chưa phát hiện thấy việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, thịt nhập lậu

Thời gian qua, đặc biệt từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2088 về tăng cường kiểm soát gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, các ngành chức năng của tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp. Nhờ vậy tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn, nhất là gia cầm và sản phẩm gia cầm thịt. Hiện toàn tỉnh chưa phát hiện thấy việc vận chuyển, buôn bán, kinh doanh gia cầm thịt. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm giống nhập lậu vẫn tái diễn, năm qua các lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt và tiêu hủy hơn 40.000 con gà giống 1 ngày tuổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc.

Mặc dù Thái Bình không phải là địa bàn trọng điểm về vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu nhưng việc vận chuyển, buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ vẫn có thể xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H7N9. Vì vậy, thời gian tới Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đội tăng cường công tác quản lý địa bàn; nắm chắc những hộ kinh doanh, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn phụ trách; phối hợp tích cực với lực lượng chức năng khác tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời việc vận chuyển, buôn bán, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa có giấy hoặc dấu kiểm dịch. Ðồng thời bố trí lực lượng sẵn sàng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh khi chính quyền địa phương yêu cầu.

* Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân:

Dịch cúm có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu người dân không chủ động phòng tránh

Rút kinh nghiệm của lần xảy ra dịch tai xanh tại xã làm chết 19 con lợn, ngay sau khi nhận thông tin dịch bệnh gia cầm xuất hiện tại tỉnh Nam Ðịnh, xã đã tuyên truyền nhận thức thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch. Từng thôn tổ chức kiểm tra, ký cam kết với các chủ bến đò, các hộ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng từ tháng 12/2013 đến nay, Ban Thú y xã đã phun thuốc khử trùng 2 đợt với hơn 48 lít hóa chất trên địa bàn 6 thôn. Xã đã thành lập đội phòng chống dịch cúm gia cầm, lập 2 chốt kiểm soát với 11 công an viên luân phiên cắm chốt tại các bến đò giáp ranh với tỉnh Nam Ðịnh. Ðến thời điểm này xã Vũ Vân (Vũ Thư) chưa phát hiện dịch cúm gia cầm trên đàn vật nuôi.

Anh Bùi Văn Hiến, thôn Quang Trung: Gia đình tôi đang nuôi 1.300 con gà thịt, trên 500 con vịt đẻ, đây là nguồn thu nhập chính, nên tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ chọn con giống đến phương thức chăn nuôi và vệ sinh chuồng trại. Sau khi nghe thông tin dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại tại tỉnh Nam Ðịnh giáp ranh với địa phận xã, tôi đã chủ động tích trữ các loại thuốc, 5 tạ vôi bột, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh; tiêm phòng định kỳ đầy đủ các loại vắcxin.

Bác Vũ Ngọc Thang, thôn Quang Trung: Trong chăn nuôi, công tác phòng chống dịch là yếu tố quan trọng giúp cho các hộ chăn nuôi bảo đảm an toàn cho vật nuôi. Gia đình tôi cứ cách hai tuần là phun hóa chất khử trùng chuồng trại một lần, thường xuyên rắc vôi bột, tiêm phòng định kỳ theo khuyến cáo của Ban Thú y xã. Do làm tốt công tác phòng chống bệnh, từ khi chăn nuôi đến nay gia trại duy trì trên 1.300 con gà nhưng chưa bị dịch cúm ảnh hưởng.

 

Vi rút cúm A/H7N9 được xác định có nguồn gốc từ gia cầm nhưng chưa gây bệnh lâm sàng cho gia cầm; lây truyền từ gia cầm sang người, gây bệnh cho người và tỷ lệ tử vong rất cao. Vi rút này có phương thức tồn tại và lây truyền giống vi rút cúm H5N1, thường được phát hiện tại những nơi tập trung gia cầm song không kiểm soát được nguồn gốc, những nơi lưu giữ gia cầm liên tục, những chợ buôn bán gia cầm không có hoặc có ít ngày đóng cửa để vệ sinh, tiêu độc khử trùng... Ðể chủ động phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 nói riêng, các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác nói chung có khả năng lây sang người, ngoài sự nỗ lực của tỉnh và của các ngành chức năng, hơn lúc nào hết những hộ chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ðây là việc làm cấp bách, không chỉ tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước, mà còn bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa