Thứ 7, 17/05/2025, 13:39[GMT+7]

Việc nghĩa của dòng họ Phạm ở Tự Tân

Thứ 6, 28/02/2014 | 17:12:39
2,207 lượt xem
Hơn một trăm năm tồn tại, ngôi từ đường tiểu tông cổ kính khiêm nhường của dòng họ Phạm, xã Tự Tân (Vũ Thư) đã chứng kiến những bước ngoặt của thời đại, với bao biến thiên thăng trầm, buồn vui thấm đậm lòng yêu thương đồng tộc, đồng hương, tình nghĩa đồng bào, đồng chí.

Một góc khu dân cư xã Tự Tân (Vũ Thư). Ảnh: Thành Tâm

Năm 2013, ngôi từ đường lại chứng kiến một sự kiện nảy sinh từ phong tục truyền thống. Ðầu năm giỗ tổ, cộng đồng gia tộc quyết định đưa liệt sĩ cách mạng tiền bối danh tiếng Phạm Huề Chủy vào thờ ở bái đường. Cuối năm, các đại biểu của 6 chi chòm họp mặt làm lễ đặt bài vị.

Ðược thông báo của dòng họ, một đoàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, nơi sinh quán của liệt sĩ đến thắp hương và đặt lễ trang trọng. Hội đồng họ Phạm của huyện đến chứng kiến. Phần lễ đơn giản nhưng rất xúc động, có sức lan tỏa.

Bàn thờ bằng gỗ quý chạm trổ hoa văn đặt ở gian đầu của bái đường. Linh vị ghi bằng chữ Hán – Nôm:

Phạm Huề Chủy – liệt sĩ cách mạng tiền bối sinh ngày 13/4/1914.

Mất 11/10/1941 – Giỗ 21 tháng 8 năm Tân Tỵ.

Các đại biểu đứng trước bàn thờ cầu nguyện cho liệt sĩ siêu sinh tịnh độ phù hộ cho gia tộc, làng xã nhân khang, vật thịnh.

Liệt sĩ Phạm Huề Chủy có vợ là Trịnh Thị Chính cũng là nhà cách mạng tiền bối mới từ trần năm 2010. Bà là con một gia đình có ba nhà cách mạng tiền bối ở xã Dũng Nghĩa (ghi trong từ điển Thái Bình). Các cháu gọi ông Chủy bằng chú ruột đều đã di cư vào thành phố xa xôi, không còn ai ở quê, không còn nhà cửa đất đai ở làng. Ðây cũng là một lý do để cả họ thờ cúng liệt sĩ. Hơn thế, còn ghi nhận chi thứ ba, trọn một chi gồm mấy chục con người của dòng họ học hành giỏi giang thành đạt đã và đang cống hiến cho đất nước, không một ai đi trái với ý chí của chú, của ông mình.

Sự tôn vinh liệt sĩ Phạn Huề Chủy đích đáng đã được xác định đến từng chi tiết qua lịch sử của tỉnh Thái Bình - nơi sinh quán và của Hà Nam - nơi đặt lăng bia liệt sĩ, đặc biệt là sự nhất quán ghi trong cuốn Từ điển Thái Bình mới xuất bản năm 2010.

Liệt sĩ Phạm Huề Chủy (tức Lương Văn Giáo) tham gia cách mạng khi đang học lớp nhì trường Tiểu học (1927), được công nhận đảng viên Ðảng Cộng sản Ðông Dương năm 1929. Cuối năm 1930, ông bị địch bắt vì treo cờ búa liềm. Năm 1931, ông ra tòa đề hình Thái Bình cùng 80 chính trị phạm, tiếp theo chuyển lên Hà Nội xử phúc thẩm. Một mình ông đã lớn tiếng tố cáo tội ác của giặc và tay sai, biến phiên tòa thành diễn đàn cách mạng (cùng thời điểm với phiên xử Lý Tự Trọng, 16 tuổi ở Sài Gòn), gây chấn động vang dội hiếm thấy trên báo chí xứ Ðông Dương.

Hai mươi bẩy tuổi đời, hơn mười tuổi Ðảng, ba lần Tây bắt khảo tra không sờn, chín năm quản thúc, trong vòng kiềm tỏa, đi chân đất mà luồn lỏi gây cơ sở cách mạng khắp nơi. Ðã từng làm Bí thư Ðoàn Thanh niên phản đế liên ba huyện, Bí thư Ðảng liên huyện ở Thái Bình. Thoát nhà tù chuyển lên liên C (Hà – Nam – Ninh – Thái) xứ ủy Bắc Kỳ, lập tức đến đồn điền Xác Ðanh xây dựng cơ sở rồi nhanh chóng lan rộng ra 3 huyện của Hà Nam.

Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của liệt sĩ (13/4/1914 – 13/4/2014), một người con thuộc thế hệ 15 và là cháu của liệt sĩ dựa vào Từ điển Thái Bình, dựa vào các nguồn tư liệu lịch sử và tư liệu tại chỗ, đã biên soạn tập truyện thơ lịch sử về Phạm Huề Chủy.

Phạm Lê Trọng

(Tự Tân, Vũ Thư)

  • Từ khóa