Thứ 3, 27/05/2025, 23:51[GMT+7]

Thu phí vệ sinh môi trường Từ quy định trên văn bản đến thực tế triển khai

Thứ 2, 03/03/2014 | 10:27:41
2,299 lượt xem
Ngày 16/2/2013, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2816/QĐ-UBND về việc điều chỉnh mức thu phí vệ sinh trên địa bàn tỉnh. Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Quyết định này sẽ khắc phục tình trạng thiếu nhất quán trong thu phí vệ sinh giữa các đối tượng giống nhau trong cùng một khu vực. Song, nhìn lại thực tế từ khi triển khai thực hiện Quyết định (1/1/2014) đến nay, khảo sát đơn cử trên địa bàn Thành phố Thái Bình, bất cập lớn nhất là làm đúng thì khó giữ được người lao động

Thu gom rác thải ở một ngõ phố phường Đề Thám. Ảnh: Thành Tâm

* Ông Phạm Đức Học, Phó Chủ tịch UBND Thành phố:

Phóng viên: Xin ông cho biết qua 2 tháng thực hiện Quyết định thu phí vệ sinh trên địa bàn Thành phố có những thuận lợi, khó khăn gì?
Ông Phạm Đức Học: Về mặt thuận lợi, đây là cơ sở để UBND Thành phố chỉ đạo lập lại mặt bằng và các phường xã thống nhất mức thu phí, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Với mức phí theo quy định của tỉnh, những hộ nghèo, hộ khó khăn đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, trước khi Quyết định 2816 ban hành, từ năm 2006 Thành phố Thái Bình thực hiện Đề án 560 về phân cấp công tác vệ sinh đường phố. Theo đó, các phường xã thành lập Đội vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom rác thải đưa về điểm tập kết để Công ty TNHH Một thành viên vệ sinh và môi trường đô thị (Công ty MTĐT) vận chuyển về bãi xử lý rác. Do đó công tác thu và quản lý phí vệ sinh cũng được giao cho các phường xã tự tổ chức thu và quản lý sử dụng theo điều kiện thực tế ở mỗi địa phương. Nhiều phường đã thu mức 3.000 - 5.000 đồng/khẩu từ nhiều năm nay. Vì vậy, khi thực hiện theo Quyết định 2816 hầu hết các xã, phường đều đưa ra ý kiến: Rất khó để đưa mức phí đang thu (cao hơn) về mức thu theo Quyết định 2816 (thấp hơn).

Hiện các phường xã trên địa bàn Thành phố đang sử dụng 218 lao động thu gom rác, trong đó trên 50% là người từ các huyện Đông Hưng, Vũ Thư lên đây làm. Mức thu nhập của họ tùy vào số lượng nhân khẩu họ nhận thu rác và tiền lệ phí do các đối tượng đó thỏa thuận trả hàng tháng. Thu nhập của họ hiện đạt từ 1 - 3 triệu đồng/người/tháng. Nay nếu Thành phố chỉ đạo kiên quyết áp mức thu theo Quyết định 2816 của tỉnh, nhiều người lao động không muốn tiếp tục công việc.

Ông Phạm Đức Học, Phó Chủ tịch UBND Thành phố trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Vậy theo ông, để vừa giữ được người lao động, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm Quyết định 2816 của UBND tỉnh, Thành phố cần có giải pháp gì?
Ông Phạm Đức Học: Trước mắt, để người thu gom rác yên tâm tiếp tục làm tốt công việc của mình, bảo đảm  thu nhập và mức sống của họ, trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, UBND Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường họp tổ dân phố để quán triệt, đề nghị có sự tương thân, tương ái giúp đỡ đối tượng lao động là những người nghèo, cận nghèo. Vì miếng cơm, manh áo mà nhiều người đã chấp nhận sớm, tối, rét mướt đạp xe từ huyện lên Thành phố để làm công việc nặng nhọc, độc hại. Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo Công ty MTĐT đổi mới quy trình hoạt động của xe ép rác với lộ trình tương tự như xe buýt tiến tới xóa dần những điểm tập kết rác trên đường phố để giảm thời gian, sức lao động của họ chở rác đến bãi tập kết xa xôi, lòng vòng.

Về giải pháp lâu dài, Thành phố chủ trương nghiên cứu, thí điểm đưa việc thu gom rác về một mối, giao cho Công ty MTĐT trực tiếp ký hợp đồng với lao động từ các đội vệ sinh của phường xã, ban đầu triển khai thí điểm ở một số tổ dân phố phường Phú Khánh và Quang Trung. Đối với những người lao động tuổi cao, sức khỏe hạn chế, không đáp ứng yêu cầu công việc, có cơ chế để họ nghỉ việc khỏi bị thiệt thòi. Đây là việc làm cần có thời gian chỉ đạo làm điểm rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà.

* Ông Vũ Đình Hành, Giám đốc Công ty MTĐT:
Công ty chỉ nhận việc thu rác trong khu dân cư khi Thành phố cấp bù kinh phí
Hiện chúng tôi thu phí của một số đơn vị như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản, một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp… chúng tôi đang áp giá thu theo khối lượng rác chứ không tính theo mức phí như Quyết định 2816 của tỉnh quy định.

Nếu UBND Thành phố giao việc thu gom rác trong khu dân cư cho Công ty đảm nhiệm, theo tôi cũng có thuận lợi, bởi như thế sẽ thu về một mối, chấm dứt tình trạng rác sinh hoạt của dân do phường thu gom, nhưng nếu dân xả rác ra vỉa hè, lòng đường thì lại là trách nhiệm của Công ty MTĐT. Tuy nhiên, Công ty chỉ nhận việc thu rác khi Thành phố cấp bù kinh phí trên cơ sở hợp đồng khối lượng rác và định mức lao động chứ thu theo Quyết định 2816 chúng tôi không làm được.

* Ông Hồ Hữu Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị:
Các phường thu phí vệ sinh sai quy định đều có cách giải trình, không dễ xử phạt

Điều ràng buộc duy nhất của các xã, phường với người thu gom rác đó là công ăn, việc làm. Khi thu nhập của họ không bảo đảm, họ bỏ việc, Thành phố không thể một, hai ngày không thu rác nên chúng tôi rất muốn tìm lời giải hài hòa, sao cho không vi phạm Quyết định 2816, được người dân chấp thuận, đồng thời bảo đảm được thu nhập hợp lý cho người lao động.

Hiện tại các phường đang thu cao hơn quy định của tỉnh, họ đều có cách giải trình, không đơn giản xử phạt được người ta. Người ta cũng tổ chức họp dưới dạng HĐND phường, lấy ý kiến phần lớn người tham gia cuộc họp và kể cả người dân rằng lúc này lương đang tăng, giá cả đắt đỏ… cần động viên người lao động. Tức là người ta tự tạo lớp vỏ bọc an toàn để nâng mức thu lên từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng một người.

* Chủ tịch phường Lê Hồng Phong - Phạm Quang Toàn:
Thu phí rác thải phải bám theo các Quyết định của tỉnh, tránh hiện tượng để cho người dân khiếu nại

Người thu gom rác ở nơi khác về đây làm công việc nặng nhọc, độc hại, mức lương tối thiểu cũng phải bảo đảm 1,5 - 2 triệu đồng/tháng người ta mới làm. Trước đây, mức thu từng hộ bao nhiêu là do thỏa thuận giữa người lao động và các hộ dân. Phường cũng  nhắc nhở người lao động thu phí rác thải phải bám theo các quy định của tỉnh, tránh hiện tượng để cho người dân khiếu nại.

Nhân dân cũng cảm thông với người lao động, nên suốt thời gian qua chưa ai kêu ca, thắc mắc về mức nộp. Tiền lệ phí trả cho người lao động nhiều lắm là 10 - 15 nghìn đồng một tháng, không bằng một bát phở. Tuy nhiên họ cũng phản ảnh qua cán bộ cơ sở là nên có sự thống nhất chung mức thu giữa phường nọ với phường kia.

* Chủ tịch UBND phường Quang Trung - Vũ Cao Cường:
Mức thu phí có lợi cho người dân nhưng khó khăn cho người lao động trực tiếp
Mức thu phí vệ sinh tỉnh quy định có lợi cho người dân nhưng cũng khó khăn với người lao động trực tiếp. Hiện phường Quang Trung có 12.282 khẩu, theo mức thu theo Quyết định 2816, bình quân 2.000 đồng/khẩu, tổng thu (trừ tiền để lại phường) còn 17.336.000 đồng/tháng, thu nhập bình quân người gom rác là 1.019.000 đồng/người/tháng. 100% người lao động kiến nghị mức phí này không thể làm được.

NGƯỜI DÂN NÓI GÌ?

* Bà Nguyễn Thị Thủy (tổ 30, phường Đề Thám):

Năm 2014, gia đình tôi có 2 khẩu, theo quy định chỉ phải nộp phí vệ sinh 96.000 đồng/năm, nhưng người thu gom rác thu 120.000 đồng/năm. Số tiền 24.000 đồng không lớn, nhưng theo tôi, đã là quy định thì phải thực hiện đúng. Còn việc tương thân tương ái giúp đỡ người lao động thu gom rác thì tôi nghĩ ai cũng sẵn sàng, nhưng quan trọng là cách làm để tạo sự đồng thuận thực sự trong dân.

* Chị Đinh Thị Hương (tổ 25, phường Kỳ Bá):
Gia đình tôi có 3 khẩu, mỗi quý nộp 45.000 đồng, có khi  đưa 50.000 đồng cũng không lấy tiền trả lại. Khi gia đình có việc, phát sinh rác nhiều, tôi vẫn tự nguyện bồi dưỡng thêm cho người đi thu gom. Tuy nhiên có cô thu gom rác, khi chúng tôi bỏ vào rác cành đào, cây quất, hoặc chặt cành cây, đổ xỉ than, hòn gạch vỡ, nếu không đưa thêm tiền “bồi dưỡng”, thì người thu rác sẽ để những thứ đó lại, với lý do họ chỉ thu rác sinh hoạt, rác phát sinh phải trả thêm tiền.

* Bà Lê Thị Thời (tổ 9, phường Trần Lãm):

Ngày 15/2/2010, UBND tỉnh ra Quyết định số 2736/QĐ-UBND về việc bổ sung, điều chỉnh mức thu, tỷ lệ % để lại cho đơn vị thu một số loại phí, lệ phí, (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014). Theo đó, mức thu phí vệ sinh hộ gia đình từ 1 - 4 khẩu là 5.000 đồng/hộ/tháng, tương đương 62.000 đồng/hộ/năm. Tuy nhiên, trong cả 2 năm 2011 - 2012, tôi vẫn phải nộp 84.000 đồng/năm, cao hơn so với quy định của tỉnh 22.000 đồng. Năm 2014, phường chưa thu phí vệ sinh, nhưng tôi hy vọng sẽ không xảy ra tình trạng này nữa, mà thực hiện nghiêm túc Quyết định 2816 của UBND tỉnh.

Một trong những căn cứ quan trọng để UBND tỉnh ban hành Quyết định 2816 là Nghị quyết số 20/2013/NQ-HÐND ngày 13/12/2013 của HÐND tỉnh về việc điều chỉnh mức thu phí vệ sinh. Nghị quyết 20 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 HÐND tỉnh Khóa XV nhiệm kỳ 2011 - 2016 với sự nhất trí của các đại biểu HÐND - những người đại diện cho nhân dân địa phương thực hiện quyền lực nhà nước, thể hiện ý chí nguyện vọng của dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Bởi vậy, dẫu gặp nhiều khó khăn phát sinh từ thực tế, thì việc nghiêm túc thực hiện Quyết định 2816 - tinh thần của Nghị quyết 20 vẫn là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng chính là quyền lợi của nhân dân.

Bảo Linh
  • Từ khóa