Thứ 7, 27/07/2024, 04:24[GMT+7]

Kỳ thi viết kiến thức xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước năm 2014 Sự kỳ vọng về đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ

Thứ 2, 17/03/2014 | 09:44:09
1,934 lượt xem
Ðã gần một tháng kể từ ngày kỳ thi viết năm 2014 bắt đầu (18/2), nhưng dư âm khẳng định ý nghĩa, tính cần thiết của kỳ thi vẫn luôn là sự kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh trước đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ.

Các thí sinh tham dự kỳ thi 2014.

 

Ðể tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, ngày 27/12/2013, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh ban hành Ðề án số 08-ÐA/TU về tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Triển khai thực hiện các nội dung trong Ðề án này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế tuyển chọn cán bộ. Theo đó, người dự tuyển vào các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phải tham gia 3 nội dung tuyển chọn, gồm: thi viết, lấy phiếu tín nhiệm, bảo vệ chương trình hành động. Ðã gần một tháng kể từ ngày kỳ thi viết năm 2014 bắt đầu (18/2), nhưng dư âm khẳng định ý nghĩa, tính cần thiết của kỳ thi vẫn luôn là sự kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh trước đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ. Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ðặng Trọng Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng thi; đồng thời gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ đã nghỉ hưu cũng như đương chức về vấn đề này.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả kỳ thi kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước năm 2014?

 

Ðồng chí Ðặng Trọng Thăng: Thực hiện Ðề án 08 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh và Quy chế tuyển chọn cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kỳ thi viết về kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước đã được tổ chức thành công. Có tổng số 989 thí sinh dự thi; trong đó: đối tượng 1 là 280 người (gồm cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến giám đốc sở và tương đương, nguồn quy hoạch các chức danh diện Ban Cán sự Ðảng UBND tỉnh quản lý nhiệm kỳ (2010 - 2015), đối tượng 2 là 709 người (gồm cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch chức danh trưởng phòng và tương đương diện sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2010 - 2015).

 

Quá trình chuẩn bị và tổ chức thi được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc theo đúng Quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong kỳ thi không có trường hợp cán bộ dự thi và cán bộ coi thi vi phạm quy chế phải xử lý. Kết quả kỳ thi đã đạt mục tiêu đề ra. Số thí sinh đạt điểm khá, giỏi của cả 2 đối tượng đạt 65,6%. Có 81 đồng chí không đạt kết quả theo quy chế. Kỳ thi đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho đội ngũ cán bộ về công tác xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước. Qua kỳ thi cũng giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ trong quy hoạch. Kết quả thi là căn cứ để thực hiện quy trình tuyển chọn cán bộ đối với các chức danh khuyết thiếu năm 2014 theo Quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành. Việc tổ chức thi cho tất cả các đối tượng trong quy hoạch sẽ giúp cho công tác cán bộ thuận tiện hơn khi có trường hợp khuyết thiếu cần bổ sung bằng hình thức tuyển chọn.

 

Phóng viên: Qua kết quả thi, đồng chí có đánh giá, nhận xét gì về đội ngũ cán bộ trong quy hoạch?

 

Ðồng chí Ðặng Trọng Thăng: Các đồng chí cán bộ trong nguồn quy hoạch của cả 2 đối tượng cơ bản đều trẻ, được đào tạo cơ bản, có quá trình công tác và trưởng thành từ cơ sở; có tín nhiệm và đã được bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các địa phương, đơn vị. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ cả 2 đối tượng dự thi đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình ôn tập các nội dung kiến thức, nghiên cứu, sưu tầm chuẩn bị các loại tài liệu có liên quan và làm bài thi nghiêm túc, nhiều đồng chí đạt kết quả khá cao. Tuy nhiên, do kỳ thi được tổ chức vào thời điểm giáp trước và sau Tết Nguyên đán nên bị áp lực công việc cơ quan chi phối đến việc ôn tập; một số đồng chí còn chủ quan trong quá trình ôn tập và làm bài thi nên kết quả không đạt theo quy định. Kết quả kỳ thi này chắc chắn sẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho các đồng chí đó trong việc cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cũng như ý thức trách nhiệm khi tham gia các kỳ thi tuyển chọn tiếp theo.

 

Phóng viên: Quan điểm giải quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các trường hợp không tham gia kỳ thi vừa qua như thế nào, thưa đồng chí?

 

Ðồng chí Ðặng Trọng Thăng: Ðể triển khai kỳ thi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rất cụ thể, từ việc ban hành các văn bản như Ðề án, Quy chế, quy hoạch cán bộ đến việc công khai quy trình, kế hoạch thi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ trong nguồn quy hoạch nắm bắt được chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tiến hành mở các lớp bồi dưỡng về kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước cho các đối tượng là cán bộ trong các nguồn quy hoạch. Rất đáng tiếc vẫn còn có một số đồng chí cán bộ trong nguồn quy hoạch thuộc đối tượng 2 không tham dự kỳ thi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo đối với các trường hợp có đơn không tham gia kỳ thi giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị làm rõ lý do và giải quyết theo Quy chế đã đề ra. Ðối với trường hợp không tham dự kỳ thi mà không có đơn và không có lý do chính đáng sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm và xem xét đưa ra khỏi quy hoạch.

 

Phóng viên: Theo đồng chí, cần rút kinh nghiệm về những vấn đề gì để kỳ thi tới đạt kết quả và chất lượng cao hơn?

 

Ðồng chí Ðặng Trọng Thăng: Việc tổ chức kỳ thi viết theo Ðề án số 08 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, đổi mới để kỳ thi năm tới đạt chất lượng tốt hơn. Từ khâu tổ chức các lớp bồi dưỡng phải giám sát chặt chẽ hơn, thời gian thông báo ngày thi sớm hơn để thí sinh có thời gian vừa công tác vừa ôn thi; sửa đổi một số nội dung trong quy chế để bảo đảm tính chặt chẽ, nghiêm túc trong việc tham gia kỳ thi; nội dung đề thi cần tăng tính khái quát và phù hợp với từng đối tượng hơn… Tôi hy vọng, với thành công bước đầu nêu trên và kinh nghiêm được rút ra, kỳ thi năm tới sẽ được chuẩn bị chu đáo và đạt kết quả tốt hơn.

 

Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí!

 

Kỳ thi viết kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước năm 2014 - một nội dung trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý với những kết quả quan trọng bước đầu thêm một lần khẳng định sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đúng, trúng, hiệu quả thiết thực trong công tác cán bộ nói chung và công tác lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ nói riêng. Kỳ thi không chỉ nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý toàn diện cả về kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mà còn là minh chứng thuyết phục cho việc từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, bảo đảm chất lượng, nghiêm túc, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, cạnh tranh bình đẳng. Bởi vậy, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tổ chức thực hiện, tham gia đầy đủ, nghiêm túc, đúng Quy chế trong kỳ thi viết tiếp theo nói riêng, trong các quy trình tuyển chọn cán bộ nói chung chính là sự nhận thức sâu sắc và hành động thiết thực của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc góp phần khẳng định cán bộ và công tác cán bộ  có vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, là khâu then chốt trong công tác tổ chức xây dựng Ðảng.

 

* Ông Ðỗ Quang Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Cần quan tâm đến giải quyết vấn đề sau thi

 

Qua theo dõi kỳ thi và kết quả thi, chúng tôi được biết có những cán bộ đang giữ những vị trí lãnh đạo nhất định nhưng điểm thi không đạt yêu cầu. Tất nhiên, con số này không phải là số đông tuy nhiên qua đây cần quan tâm đến hướng xử trí đối với những cán bộ giữ vị trí quản lý, lãnh đạo không đạt điểm yêu cầu bởi đã tổ chức thi phải đặt ra vấn đề giải quyết sau thi.

 

Nội dung đề thi cũng là vấn đề cần quan tâm bởi qua việc làm bài thi để kiểm tra kiến thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận. Vì vậy, đòi hỏi và yêu cầu đối với đề thi phải thực sự là bài trắc nghiệm chất lượng qua đó phản ánh được kiến thức vừa sâu sắc vừa tổng quát của người trả lời. Trong kỳ thi vừa qua, đối tượng thi ở cả ba lĩnh vực công tác: đảng, chính quyền và đoàn thể. Mỗi lĩnh vực công tác đều có những đặc thù riêng. Nếu cả ba đối tượng này đều có chung một đề thi điều này chưa thực sự phù hợp. Vì vậy, đã tổ chức thi phải tổ chức thực sự nghiêm túc, có thể nghiên cứu để có đề thi phù hợp hơn, để đánh giá đúng, sát với thực tế nhiệm vụ chuyên môn của đối tượng thi để không có nhóm đối tượng nào có nhiều lợi thế cũng như gặp phải bất lợi trong quá trình thi.

 

Mặc dù còn một số băn khoăn nhỏ song tôi đánh giá cao về kỳ thi. Việc tổ chức kỳ thi không phải ngay một lúc sẽ triệt tiêu hết các tiêu cực song tôi tin tưởng việc tổ chức các kỳ thi như thế sẽ hạn chế được các tiêu cực và góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo kế nhiệm của tỉnh.

 

* Ông Nguyễn Bá Côn, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:

Một việc làm mới, thể hiện cao tính công khai, minh bạch, dân chủ

 

Ðây là việc làm mới của Thái Bình, thể hiện cao tính công khai minh bạch, dân chủ trong công tác cán bộ đồng thời cũng thể hiện tính truyền thống trong phát hiện người tài của dân tộc ta.

 

Công tác quản lý, lãnh đạo là một khoa học, là nghệ thuật giữa con người với con người. Muốn đánh giá được cán bộ phải qua quá trình nhìn nhận, đánh giá cả về kiến thức và năng lực thực tiễn. Cuộc thi là sự đánh giá bước đầu về kiến thức, hiểu biết chung của cán bộ. Vẫn cần biện pháp để làm sao đánh giá, nắm bắt khách quan, chính xác năng lực, phẩm chất cán bộ để chọn lựa được những người cán bộ thực sự xứng đáng đảm nhận nhiệm vụ quản lý lãnh đạo. Cùng với quy hoạch, việc cần thiết là  thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ. Vì vậy, chủ trương tổ chức cuộc thi hàng năm là chủ trương đúng bởi qua đó đòi hỏi người cán bộ phải thường xuyên tự học, tự rèn, trau dồi, cập nhật kiến thức để không ngừng hoàn thiện mình cả về kiến thức và năng lực thực tiễn đáp ứng với nhiệm vụ được giao.

 

* Ông Dương Thanh Tùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Cuộc sát hạch cần thiết và phù hợp với công tác cán bộ giai đoạn hiện nay 

 

Ðây là việc làm mới, rất sáng tạo của Thái Bình trong việc thực hiện chủ trương của Ðảng về công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Qua đợt thi tuyển để đánh giá một cách có hệ thống về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo và đội ngũ cán bộ  nguồn, cũng là dịp để mỗi cán bộ có dịp nhìn nhận lại bản thân mình để không ngừng tự học hỏi, trau dồi kiến thức. Ðặc biệt, kỳ thi cũng đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, nhân dân, là dịp công khai với nhân dân về kiến thức của đội ngũ cán bộ quản lý kế cận, qua đó góp phần tìm người đủ đức, đủ tài tham gia công tác quản lý lãnh đạo.

 

Ðể tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển chọn cán bộ quản lý cũng như phát huy được kết quả kỳ thi, có hai vấn đề cần quan tâm. Trước hết công tác quy hoạch cán bộ phải thực sự dân chủ, khách quan, công bằng và việc này cần được thực hiện công khai, minh bạch ngay tại mỗi đơn vị. Thứ hai: đã là cuộc thi phải thực sự bảo đảm được tính nghiêm túc trong tất cả các khâu từ việc bảo đảm bí mật của đề thi, tính nghiêm minh trong công tác coi thi đến việc chấm thi khách quan, trung thực. Tốt nhất công tác ra đề và chấm thi nên duy trì việc mời đội ngũ giáo sư khoa học của Trung ương trong mỗi kỳ thi các năm sau nhằm tạo được tính thuyết phục, minh bạch.

 

Nhìn chung chúng tôi đánh giá cao về kỳ thi và tin tưởng nếu các kỳ thi tuyển chọn được tổ chức thường xuyên sẽ thu hút được đội ngũ cán bộ về công tác tại Thái Bình để tạo nguồn cán bộ có năng lực phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng.

 

* Ông Ðinh Gia Dũng, Thành ủy viên, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế Thành phố Thái Bình:

Cần ban hành quy chế khen thưởng, kỷ luật sau thi

  

Việc tỉnh tổ chức kỳ thi là chủ trương đúng, đây là điều kiện để cán bộ tự rèn luyện, là giải pháp nâng cao năng lực trình độ đội ngũ cán bộ, công chức thông qua tự học, tự rèn; nhất là kiến thức chung vì trước đây nhiều người chỉ quan tâm đến kiến thức liên quan đến công việc chuyên môn của bản thân. Tuy nhiên, việc gộp hai đối tượng thi cùng đợt chưa thật hợp lý, nên tách thành từng cuộc thi riêng. Về nội dung thi, phần liên hệ thực tế và tư duy còn ít, vẫn nặng về lý thuyết.

 

Ðể kỳ thi ngày càng thực chất, tỉnh cần ban hành quy chế về khen thưởng và kỷ luật sau thi. Theo đó, những thí sinh đạt điểm cao cần được khuyến khích, ưu tiên; ngược lại những người bị điểm thấp (không đạt yêu cầu) thì cơ quan, đơn vị nơi thí sinh đó đang công tác sẽ bình xét không hoàn thành nhiệm vụ, nếu lần thi sau tiếp tục bị điểm thấp có thể xét đưa ra khỏi quy hoạch. Ðồng thời nội dung thi cần cơ cấu yếu tố thực hành, yếu tố tình huống cụ thể để xử lý nhằm phân loại năng lực, trình độ của thí sinh chuẩn xác hơn.

 

* Ông Ðỗ Hữu Thanh, Phụ trách Phòng Tuyên truyền, Hội Chữ thập đỏ tỉnh:

Kỳ vọng nhiều qua kết quả thi

 

Trực tiếp tham gia kỳ thi, tôi thấy đây là kỳ thi thực sự minh bạch, khách quan. Trong tháng 3 này, cơ quan tôi có hai vị trí chức danh cần tuyển chọn là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội. Người tham gia tuyển chọn vào hai vị trí chức danh này là những người đã đạt điều kiện trong kỳ thi viết vì vậy chúng tôi rất tin tưởng đó là những người có kiến thức tốt trong công tác xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước. Hoạt động của Hội Chữ thập đỏ là hoạt động hết sức đặc thù, những người hoạt động trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có lòng nhiệt huyết, trái tim chí công vô tư và khả năng kết nối xã hội tốt. Vì vậy, yêu cầu có kinh nghiệm thực tế trong công tác này là rất quan trọng. Không chỉ bản thân tôi mà hầu hết cán bộ trong đơn vị đều chờ đợi và kỳ vọng qua kết quả kỳ thi viết và qua các bước tuyển chọn sắp tới, đơn vị sẽ có những cán bộ lãnh đạo hội tụ đủ phẩm chất và năng lực để đáp ứng tốt yêu cầu công việc đặc thù của Hội, tiếp tục giữ vững và phát huy phong trào chữ thập đỏ toàn tỉnh đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên.  

 

* Bà Trần Thị Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục:

Chúng tôi vượt "vũ môn"

 

Tôi là một trong các thí sinh tham dự kỳ thi viết về kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước ngày 18/2 vừa qua. Với tôi, đây là cuộc vượt “vũ môn” lớn nhất trong đời, kỳ thi khẳng định nhận thức, hiểu biết, sự trưởng thành của bản thân chứ không phải để lấy bằng cấp, tăng lương...

 

Ðến với một kỳ thi có quy mô, phần lớn các thí sinh không đủ thời gian để ôn luyện, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, nhất là về xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước. Vì vậy, việc trang bị lý luận là rất cần thiết, gắn với nhiệm vụ, công việc và cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng với một người thuần túy làm chuyên môn, còn hạn chế về lý luận như tôi thì phải học và ôn luyện kiến thức thế nào để có thể trình bày một cách hệ thống, khúc triết theo yêu cầu là vấn đề rất khó khăn. Chính vì vậy, tôi đã phải dành nhiều thời gian và công sức để bắt đầu cuộc vượt “vũ môn” của mình. Việc quan trọng đầu tiên là tìm tài liệu, ngoài các loại sách, báo, văn bản đã có thì phải miệt mài tìm kiếm và cập nhật thông tin trên mạng Internet.

 

Bên cạnh đó người thân, đồng chí, đồng nghiệp đều nhiệt tình tìm kiếm, cung cấp cho các tài liệu có liên quan. Sau khi có được một số tài liệu nhưng cũng tới hàng nghìn trang, tôi bắt đầu tập trung tìm hiểu, nghiên cứu một cách nghiêm túc và hệ thống. Ðể có thể hiểu và nắm chắc các vấn đề, tôi đã nhờ đến sự giúp đỡ của GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Thầy đã dành hơn 2 giờ để tận tình giảng giải cho tôi những vấn đề cơ bản về Cương lĩnh xây dựng đất nước, Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay”... Tôi tập trung cao độ để ghi chép, ghi âm lại lời thầy giảng. Về nhà tôi nghe lại lời thầy giảng đồng thời đối chiếu với các văn bản. Kiến thức uyên bác của vị giáo sư trực tiếp làm công tác nghiên cứu lý luận đã giúp tôi sáng tỏ được biết bao điều. Bên cạnh đó, tôi tập trung nghiên cứu các văn bản của tỉnh ban hành để liên hệ và đối chiếu vì vậy tôi hiểu vấn đề nhanh, rõ ràng hơn và có một tâm lý tốt để vượt “vũ môn”. Tự nhủ lòng rằng: “Dù cho kết quả thi thế nào tôi cũng không buồn vì đã làm mọi việc tốt nhất có thể; tôi đã cố gắng, nỗ lực hết mình”.

 

Kỳ thi đã diễn ra thực sự nghiêm túc, đúng quy chế. Có lẽ điều mà các thí sinh mong muốn nhất không phải là được tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo mà điều quan trọng mỗi người đã tìm được phương pháp, động cơ để nghiên cứu và tự trang bị kiến thức về lý luận để hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao. Quan điểm học của UNESCO cho rằng “Học để biết, để làm, để chung sống và học để khẳng định mình” sẽ là “quan điểm sống” cho mỗi thí sinh qua kỳ thi này. Kỳ thi này là bước đột phá để “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước” theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng.

 

* Ông Nguyễn Cao Song, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh:

Kỳ thi góp phần đổi mới công tác lựa chọn cán bộ

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc thi viết tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2014 xuất phát từ nhu cầu thực tế của công việc, đòi hỏi sự chọn lọc để bổ nhiệm người có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm quản lý vào những chức danh chủ chốt. Việc thi tuyển góp phần đổi mới công tác lựa chọn cán bộ, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển và hội nhập. Qua đây có điều kiện bồi dưỡng lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực vào vị trí then chốt tại các cơ quan, đơn vị. Kỳ thi cũng nhằm nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý toàn diện cả về kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước. Ðây cũng là dịp để tỉnh đánh giá được năng lực trình độ của những cán bộ trong nguồn quy hoạch của các sở, ngành trong những năm tiếp theo. Kết quả kỳ thi đã phản ánh trung thực, đây là cuộc thi được đánh giá có chất lượng cao, cho đến nay không có những ý kiến dư luận trái chiều nào xung quanh kỳ thi.

 

* Bà Bùi Thị Lan, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp:

Kỳ thi là điều kiện thuận lợi để giới thiệu cán bộ tham gia tuyển chọn vị trí chức danh khuyết thiếu

 

Kỳ thi tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2014 được đông đảo cán bộ, đảng viên quan tâm. Ðây cũng là cơ hội để những cán bộ, đảng viên trẻ được cống hiến tài năng, khẳng định bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của người cán bộ quản lý.

 

Hình thức thi được tổ chức công khai, dân chủ, minh bạch và rất nghiêm túc. Thông qua kết quả thi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá được trình độ nhận thức của đội ngũ cán bộ trong nguồn quy hoạch cán bộ từ trưởng phòng và tương đương trở lên. Bên cạnh đó, kết quả thi sẽ là căn cứ để có nguồn cán bộ tham gia quy trình tuyển chọn các vị trí chức danh chủ chốt của các sở, ngành, đơn vị trong năm 2014.

 

Ðối với Sở Tư pháp, qua kỳ thi những đồng chí cán bộ được quy hoạch nguồn lãnh đạo đã khẳng định được năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác cán bộ. Ðây là điều kiện thuận lợi để Sở Tư pháp tiến tới triển khai làm quy trình bổ nhiệm các chức danh trưởng phòng và giới thiệu cán bộ tham gia tuyển chọn vị trí chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp trong tháng 3 này.

 

* Ông Trần Văn Viển, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thái Bình:

Cần mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia kỳ thi

 

Do đặc thù là cơ quan Trung ương tại Thái Bình nên công tác cán bộ từ chức danh Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh trở lên đều do cấp trên bổ nhiệm, còn đối với các chức danh từ trưởng, phó phòng Kho bạc Nhà nước tỉnh đến giám đốc Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố do Ban lãnh đạo cấp tỉnh bổ nhiệm. Mặc dù là đơn vị không tham gia nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi kỳ thi kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý Nhà nước năm 2014 do Tỉnh ủy tổ chức qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua đó tôi thấy đây là một kỳ thi nghiêm túc, khách quan và trung thực.

 

Tuy nhiên, kỳ thi không nên dừng lại ở các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến giám đốc sở và tương đương, nguồn quy hoạch các chức danh diện Ban Cán sự Ðảng UBND tỉnh quản lý và nguồn quy hoạch chức danh trưởng phòng và tương đương diện sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2010 – 2015 mà nên dành cho tất cả các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch của tất cả các sở, ban, ngành kể cả các đơn vị của Trung ương trên địa bàn tỉnh. Bởi đây chính là tiêu chí tương đối quan trọng giúp Ban lãnh đạo chúng tôi xem xét, bổ nhiệm cán bộ không chỉ có đầy đủ năng lực về chuyên môn mà còn có cả phẩm chất chính trị vững vàng, giúp Kho bạc Nhà nước tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhóm phóng viên

 

  • Từ khóa