Thứ 4, 07/08/2024, 20:27[GMT+7]

Triển khai thực hiện Quyết định 2814/QĐ-UBND của UBND tỉnh Công khai hóa, chống lạm thu trong trường học

Thứ 2, 24/03/2014 | 08:50:02
3,855 lượt xem
Thu không đúng quy định, lạm thu tại các trường học là vấn đề nóng trong công tác giáo dục và đào tạo thời gian qua. Ngày 16/12/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2814/QĐ-UBND với những quy định cụ thể về chấn chỉnh các khoản thu trong cơ sở giáo dục công lập đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Phương Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đồng thời ghi nhận các ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Theo Quyết định 2814, các cơ sở giáo dục không được tổ chức thu tiền để may hoặc mua đồng phục cho học sinh.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết việc triển khai và kết quả bước đầu trong thực hiện  Quyết định 2814? Hiện nay các trường có đi đúng chỉ đạo của ngành hay không?

Đồng chí Đặng Phương Bắc: Trước hết phải khẳng định Quyết định 2814 là quyết định cần thiết trong việc chấn chỉnh công tác quản lý tài chính tại các trường học hiện nay, tạo điều kiện chống lạm thu trong nhà trường, cho các nhà trường công khai hóa hoạt động thu góp tài chính và cho phụ huynh học sinh giám sát đồng thời thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh về các khoản thu, mức thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh.

Ngay sau khi quyết định ban hành, ngành đã triển khai Quyết định xuống các đơn vị.  Ngành Giáo dục và Đào tạo và Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo hướng dẫn trình UBND tỉnh sớm ban hành để các nhà trường tổ chức thực hiện tốt. Mặc dù vậy, Quyết định 2814 đã rất chi tiết và rõ ràng nên các nhà trường vẫn dễ dàng triển khai thực hiện mà không gặp nhiều khó khăn khi chưa có hướng dẫn.

Sau thời gian triển khai thực hiện, đa số các nhà trường nghiêm túc trong việc thực hiện Quyết định 2814. Nhưng bên cạnh đó còn một số trường có sự hiểu không đúng về những quy định trong Quyết định này. Thứ nhất là hiểu một cách máy móc về những quy định vì vậy gây khó khăn cho phụ huynh học sinh như việc quy định nhận và trả trẻ đúng giờ hành chính. Thứ hai là mặc dù năm học sắp kết thúc song một số trường vẫn tranh thủ thu thêm khoản thu quy định về sửa chữa, mua sắm trang thiết bị 150 nghìn đồng/học sinh/năm học khi đầu năm học trường đó chưa thu hoặc thu chưa đủ. Vì vậy, ngành đang quyết liệt chỉ đạo việc lợi dụng quy định này để thu thêm. Chúng ta phải hiểu mức thu xã hội hóa dành cho cả năm học. Vì vậy chúng tôi đã quyết định chỉ đạo các trường không thu xã hội hóa trong việc xây dựng cơ sở vật chất vào dịp cuối năm học. Chúng tôi cũng đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn không cho các trường triển khai xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất dịp cuối năm học.

Phóng viên: Một số nhà trường cho rằng nếu không huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh học sinh sẽ gây nên những khó khăn cho nhà trường trong việc chi trả các chi phí thường xuyên như điện nước, phí vệ sinh, bảo vệ… và một số hoạt động tại trường học. Đồng chí đánh giá như thế nào về điều này?

Đồng chí Đặng Phương Bắc: Chúng tôi khẳng định Quyết định 2814 không liên quan gì đến các chi phí điện nước hay phí vệ sinh cho các trường học, bởi điều này đã được quy định rất rõ trong Quyết định 2815 mà UBND tỉnh đã ban hành song hành cùng Quyết định 2814. Tuy nhiên, ở những trường quy mô nhỏ, có số lượng học sinh ít, kinh phí trên đầu học sinh thấp, sẽ khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động phong trào. Để giải quyết khó khăn này, cần đẩy mạnh việc thực hiện liên trường đối với những trường có quy mô dưới 8 lớp. Tuy nhiên không thể vì thế mà ngụy biện cho những khó khăn để không nghiêm túc thực hiện các quy định, kỷ cương vẫn là kỷ cương và cần phải được nghiêm túc thực hiện. 

Phóng viên: Để “lách” Quyết định, một số trường đã có các động thái như tăng chi phí tiền ăn bán trú hàng tháng của học sinh, nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh thu hộ một số khoản đóng góp… Ngành có quan điểm chỉ đạo như thế nào về việc này? 

Đồng chí Đặng Phương Bắc: Ngành khẳng định việc tổ chức các bữa ăn bán trú cho học sinh là một việc hết sức quan trọng, hoạt động dạy và học bán trú phải bảo đảm 100% số tiền đóng góp là để phục vụ cho học sinh và phải được công khai trong việc tổ chức ăn hàng ngày. Nếu các trường học không công khai và có biểu hiện bớt xén tiền ăn bán trú của học sinh là đã vi phạm vào đạo đức, ngành sẽ không dừng ở khiển trách mà sẽ tiến hành kỷ luật nếu phát hiện có đơn vị vi phạm. Vì vậy, chúng tôi cũng có yêu cầu và khuyến cáo các bậc phụ huynh học sinh nên quan tâm và tăng cường giám sát trong việc tổ chức ăn bán trú của con em mình để phát hiện các vi phạm, thông tin với cơ quan cấp trên kiểm tra, xử lý kịp thời. Chúng tôi cũng chỉ đạo trong việc tổ chức ăn bán trú nhất thiết phải có sự tham gia giám sát của ban đại diện cha mẹ học sinh ở mỗi trường học.

Việc các nhà trường lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức thu xã hội hóa là sự vi phạm nghiêm trọng các quy định đã chỉ đạo. Về việc này, ngay từ đầu năm học 2013 - 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản quy định rất cụ thể về những việc được làm và không được làm đối với ban đại diện cha mẹ học sinh vì vậy ban đại diện cha mẹ học sinh không được làm những việc vượt quá thẩm quyền như việc tham gia vào tăng cường cơ sở vật chất. Nếu ở đơn vị nào để xảy ra tình trạng này là hoàn toàn trái với chỉ đạo của ngành. Ngành cũng sẽ kiên quyết xử lý đối với vi phạm này.

Phóng viên: Hiện nay, tại một số trường học mầm non trên địa bàn thành phố, số tiền đóng góp hàng tháng của học sinh giảm song giờ nhận và trả trẻ cũng thay đổi gây không ít khó khăn cho phụ huynh học sinh. Ngành có định hướng chỉ đạo việc này như thế nào?

Đồng chí Đặng Phương Bắc: Đối với ngành học mầm non, hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành định mức giờ dạy của giáo viên. Chính vì vậy, ngành cũng chưa có căn cứ để tính thừa giờ cho giáo viên mầm non nên cũng chưa ban hành được hướng dẫn về việc này. Hướng xử lý là đề nghị các nhà trường tính thời gian làm việc ngoài giờ đối với giáo viên trực tiếp tham gia dạy, trông giữ trẻ để đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Khi nhà trường không đủ kinh phí chi trả cho giáo viên, nhà trường báo cáo xin hỗ trợ của địa phương. Nếu địa phương không có điều kiện hỗ trợ, nhà trường xin chỉ đạo để thống nhất với cha mẹ học sinh về khoản hỗ trợ. Số trường gặp phải khó khăn này không nhiều. Sở đã trực tiếp chỉ đạo các nhà trường tổ chức họp với phụ huynh có nhu cầu gửi con ngoài giờ để thống nhất số thu ngoài giờ. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều ngại thực hiện việc này song Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tiếp tục chỉ đạo để các nhà trường thực hiện nhằm bảo đảm cho giáo viên không bị thiệt thòi đồng thời không quá sức đóng góp đối với cha mẹ học sinh.

Phóng viên: Ngành có kế hoạch như thế nào trong việc tăng cường giám sát việc thực hiện Quyết định tại các trường học thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Đặng Phương Bắc: Chúng tôi tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn. Một điểm nữa mà ngành sẽ chỉ đạo quyết liệt là trong việc giám sát việc thu chuẩn bị cho các kỳ thi tới. Năm nay, tất cả các trường THPT sẽ không được thu tiền ủng hộ thi tốt nghiệp dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi cũng đang yêu cầu các phòng chuyên môn chỉ đạo các  nhà trường xây dựng kế hoạch ôn thi cho học sinh khối 12 thực chất, bảo đảm đúng quy định.

Về các khoản thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, từ trước tới nay luôn gặp phải khó khăn do phụ huynh ít khi lên tiếng và có ý kiến góp ý trực tiếp với nhà trường. Vì vậy, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh là ngành luôn mong muốn nhận được các ý kiến phản ánh của phụ huynh học sinh để bảo đảm sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Có như thế, việc quản lý và sử dụng các khoản thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh mới thực sự hiệu quả.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Ngoài việc quy định cụ thể các khoản thu theo thỏa thuận, Quyết định 2814 đã quy định cụ thể về mức trần của 7 khoản thu theo thỏa thuận, quy định cụ thể về chấm dứt 7 loại thu khác như: tiền điện, nước sinh hoạt, bảo vệ, vệ sinh; quỹ khuyến học, chữ thập đỏ; bảo hiểm thân thể; quỹ đoàn, đội; quỹ hội phụ huynh, mua báo đội... Mặc dù mới qua thời gian ngắn triển khai thực hiện, song tinh thần công khai, minh bạch từ Quyết định 2814 đem lại đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự hoan nghênh nhiệt liệt của các tầng lớp nhân dân. Không chỉ có phụ huynh học sinh mà tất cả những cá nhân tâm huyết với công tác giáo dục đều hy vọng từ đây, việc thu không đúng quy định, lạm thu tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh sẽ từng bước được hạn chế và loại bỏ, trả lại môi trường trong sáng, lành mạnh trong giáo dục và đào tạo, trả lại giá trị vẹn nguyên của câu tục ngữ: “Muốn sang phải bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

* Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương:
Cán bộ, giáo viên đồng thuận cao với Quyết định 

Quyết định 2814 được ban hành là cơ sở thuận lợi cho cả nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc thực hiện các khoản thu, mức thu và quản lý sử dụng tài chính trong trường học. Ngay sau khi Quyết định được ban hành, UBND huyện Kiến Xương đã triển khai quán triệt tới các phòng ban, UBND các xã, thị trấn; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai ngay trong năm tài chính 2014 và tổ chức phổ biến nội dung Quyết định đến phụ huynh học sinh. Qua thời gian thực hiện ban đầu, 112 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện đều triển khai và thực hiện nghiêm túc Quyết định. Về phía cán bộ, giáo viên các trường đều đồng thuận, ủng hộ cao nội dung Quyết định 2814. Tuy nhiên, một số trường mầm non và trường có quy mô học sinh ít có đề nghị xem xét tạo nguồn chi trả cho số giáo viên chưa được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và chi phí thuê bảo vệ. 

* Ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Vũ Thư:
Cần phân bổ ngân sách hợp lý hơn cho các trường đặc thù

Quyết định 2814 đã quy định thống nhất chung trong toàn tỉnh về công tác thu trong trường học đặc biệt là trong quy định các khoản thu theo thỏa thuận với phụ huynh học sinh, đây là những quy định rất hợp lý và cần thiết bởi qua đó sẽ tạo nên mặt bằng và tránh được tình trạng so sánh trong phụ huynh học sinh giữa các địa phương. Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 2814, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư đã triển khai xuống các trường học trong huyện. Qua giám sát gần 3 tháng thực hiện, nhìn chung các trường học trong huyện triển khai thực hiện nghiêm túc, Phòng chưa nhận được ý kiến hay đơn thư phản ánh của nhân dân về công tác thu tại trường học.

Tuy nhiên trong thực hiện Quyết định cũng xuất hiện một số khó khăn đối với một số trường học đặc thù như: kinh phí trong tổ chức các hoạt động phong trào và hoạt động ngoại khóa đối với các trường có ít học sinh; kinh phí chi trả tiền bảo vệ cho các trường có từ hai điểm trường trở lên. Vì vậy cần có quy định và có phân bổ kinh phí ngân sách hợp lý hơn đối với các trường đặc thù. Chúng tôi mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể hơn để các trường đặc thù có hướng giải quyết, khắc phục các khó khăn đang gặp.

* Ông Vũ Văn Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đông Minh (Tiền Hải):
Các khoản thu minh bạch, đồng nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường thực hiện

Tại nông thôn, mức sống của nhân dân còn khó khăn nên các nhà trường rất hạn chế trong việc thu các khoản xã hội hóa. Quyết định 2814 có quy định cụ thể, rõ ràng về các khoản thu đặc biệt là quy định minh bạch khoản thu tu sửa vật chất với mức trần 150 nghìn đồng/học sinh/năm học đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tại nông thôn trong việc huy động sự đóng góp của nhân dân để tu sửa cơ sở vật chất.

* Bà Nguyễn Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Bá (Thành phố Thái Bình)
Một số quy định chưa rõ ràng

Đón nhận Quyết định, chúng tôi thấy yên tâm bởi đây là sự chỉ đạo thống nhất các khoản thu trong toàn tỉnh. Các khoản thu được quy định tôi thấy rất phù hợp bởi trước đây có nhiều khoản thu phụ, phụ huynh thấy không hợp lý nên có ý kiến thắc mắc. Tuy nhiên, có một số quy định về các khoản thu chúng tôi chưa hiểu rõ như thu quỹ công đoàn, quỹ trường. Riêng về quỹ hội phụ huynh, theo ý kiến của phụ huynh nên vẫn cho phép thu bởi đã thành lập Ban đại diện cha mẹ học sinh cần có quỹ để tổ chức các hoạt động.

* Bà Vũ Thị Sen, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/6 (Thành phố Thái Bình):
Vẫn cần có quy định cho các trường đặc thù

Các trường mầm non có đặc thù riêng, như Trường Mầm non 1/6 hiện số giáo viên chưa đủ theo định mức biên chế nên nhà trường vẫn còn giáo viên chưa được hưởng lương ngân sách. Nếu không thu hỗ trợ giáo viên hợp đồng rất khó khăn cho đội ngũ này. Cũng do đặc thù, nhà trường phải hợp đồng tăng số nhân viên bảo vệ, thực hiện Quyết định không thu phí bảo vệ, khó có nguồn chi trả cho lực lượng này.

Chúng tôi đề nghị khối mầm non được thực hiện định biên và cấp kinh phí theo số lượng học sinh như các cấp học khác và được thỏa thuận thu với phụ huynh học sinh theo trường đặc thù.

Việc thay đổi thời gian đón và trả trẻ tại một số trường mầm non gây nhiều khó khăn cho phụ huynh.

* Anh Nguyễn Minh Quang (phường Lê Hồng Phong, Thành phố Thái Bình):
Nên linh hoạt về thời gian nhận và trả trẻ

Con tôi đang học trường mầm non. Sau khi có quyết định, chúng tôi được tham gia họp phụ huynh, được nhà trường thông báo về các khoản đóng góp. Từ đó, các khoản thu theo tháng giảm. Song, nhà trường thông báo thay đổi thời gian nhận trẻ từ 7 giờ và đón trẻ từ 16 giờ đến 16 giờ 30 phút. Điều này gây nhiều khó khăn cho phụ huynh. Chúng tôi mong muốn cùng với thu đúng các khoản đóng góp theo quy định, các trường mầm non nên tổ chức thỏa thuận với các phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ nhiều hơn thời gian quy định để bảo đảm thời gian làm việc.

* Chị Vũ Thị Thơ (phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình):
Cần thường xuyên kiểm tra các khoản thu, chi trong nhà trường

Tôi có 2 con đang học trường tiểu học. Những năm học trước và đầu năm học vừa qua phụ huynh phải đóng góp nhiều khoản cho con em mình như: tiền sửa chữa mua sắm trang thiết bị, quần áo đồng phục, học thêm, học tin học, nước uống, mua sách giáo khoa, quỹ hội phụ huynh, trang trí lớp, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể và một số khoản thu phát sinh khác... Thông thường những khoản thu này đều đóng vào đầu năm học mới và đầu học kỳ 2. Nhiều bậc phụ huynh đi họp nghe các cô giáo thông báo số tiền gia đình phải nộp cho con cũng thấy một số khoản thu chưa hợp lý nhưng nể cô giáo, ngại nhà trường không dám phát biểu vì con em mình đang theo học ở đây, vẫn nộp tiền nhưng trong lòng chưa thấy thỏa đáng.

UBND tỉnh có quyết định quy định mức thu và chấn chỉnh các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập, tôi và nhiều phụ huynh khác rất mừng. Chuyển biến tích cực nhất sau quyết định này là bố mẹ không phải đưa đón con đi học thêm, giảm áp lực cho các cháu. Còn các khoản thu hầu hết đã nộp từ đầu năm nên chúng tôi vẫn đang theo dõi quá trình thực hiện của nhà trường. Tuy nhiên, ngoài sự  giám sát của phụ huynh, rất mong các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các khoản thu, chi trong nhà trường bảo đảm thu đúng, chi đúng không để xảy ra các sai phạm.

* Chị Nguyễn Thị Giúp (xã An Vũ, Quỳnh Phụ):
Gia đình nghèo ở nông thôn giảm bớt khó khăn

Hầu hết các gia đình ở nông thôn quanh năm chỉ mải làm, ít có thông tin, khi cho con đi học chỉ nghe tổng số tiền phải đóng góp cho con là nộp chứ cũng không để ý cụ thể nhà trường thu bao nhiêu khoản, những khoản gì, các khoản thu có đúng hay không. Sau khi UBND tỉnh Quyết định về Quy định các khoản thu, mức thu và quản lý sử dụng trong các cơ sở giáo dục công lập, trường mầm non và tiểu học nơi các con tôi đang theo học đã thông báo công khai cho phụ huynh biết những khoản gì được phép thu và những khoản gì không được phép thu của học sinh thì mọi người mới hiểu cụ thể, rõ ràng. Chúng tôi rất phấn khởi bởi các trường tại địa phương đều thực hiện nghiêm Quyết định.

Các cháu nhà tôi đang theo học ở trường mầm non và tiểu học, gia đình thuộc diện nghèo, dù đã được miễn giảm một số khoản đóng góp nhưng một mình bươn trải nuôi con ăn học vẫn rất vất vả. Khi có quyết định này, các khoản đóng góp trong nhà trường công khai, minh bạch và quan trọng là mức thu giảm hơn trước không chỉ giúp tôi mà nhiều gia đình khác vơi bớt khó khăn, có điều kiện nuôi con ăn học.

* Anh Phạm Văn Thế (xã Nam Hải, Tiền Hải):
Giảm sức ép đối với học sinh và phụ huynh khi các kỳ thi đang đến

Là phụ huynh có con đang học lớp 12, gia đình tôi đang lo lắng khi các kỳ thi đang tới gần. Chúng tôi được biết kỳ thi tốt nghiệp sắp tới các cháu chỉ phải thi 4 môn trong đó có hai môn tự chọn làm giảm sức ép đối với các cháu. Cùng với đó, thực hiện Quyết định 2814, Sở Giáo dục cũng có chỉ đạo cấm các khoản thu phục vụ các kỳ thi, hỗ trợ thi, chúng tôi thấy bớt lo lắng hơn vì ngay sau khi thi tốt nghiệp, hầu hết các gia đình đều phải chuẩn bị cho các cháu thi đại học.

Nhóm Phóng viên

 

  • Từ khóa