Chủ nhật, 30/06/2024, 21:34[GMT+7]

Đổi tiền lấy lãi tại các đền, chùa, lễ hội - Cần xử lý nghiêm và triệt để

Thứ 5, 03/04/2014 | 18:36:09
1,944 lượt xem
Trong những năm qua, nhu cầu sử dụng tiền mới mệnh giá nhỏ (đặc biệt là loại tiền mới chưa qua sử dụng) ngày một tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với ngành Ngân hàng. Ngoài việc dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, tiền mệnh giá nhỏ còn được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó chủ yếu là hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Việc sử dụng đồng tiền không hợp lý, nhất là việc đổi tiền lấy lãi ở khu vực các đền, chùa, lễ hội đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông ti

Vẫn còn xuất hiện dịch vụ đổi tiền lẻ lấy lãi tại đền Đồng Bằng (xã An Lễ, Quỳnh Phụ).

Tại đền Đồng Bằng (xã An Lễ, Quỳnh Phụ), theo quan sát của chúng tôi, hầu như tất cả các sạp hàng kinh doanh ở đây đều mở thêm dịch vụ đổi tiền lấy lãi. Hỏi qua một số chủ hàng về dịch vụ đổi tiền chúng tôi được biết, nếu đổi 10.000 đồng chỉ lấy được 8.000 đồng, có nơi còn được có 7.000 đồng.

Tâm sự với chúng tôi, chị Đinh Thị Hồng (thôn Đồng Bằng, xã An Lễ) cho biết: “Thu nhập của gia đình tôi chỉ trông chờ vào 1 mẫu ruộng, nếu không buôn bán thêm ở đền thì cũng chẳng biết lấy gì để nuôi hai con ăn học cả. Do không biết dịch vụ đổi tiền lấy lãi là vi phạm pháp luật chứ không thì tôi đã không làm bởi nguồn thu từ dịch vụ này cũng chẳng đáng là bao, mỗi ngày trung bình tôi cũng chỉ đổi được 30.000 - 50.000 đồng thôi”.

Không công khai như ở đền Đồng Bằng, dịch vụ đổi tiền ở Chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư) được thực hiện kín đáo hơn, chỉ khi có khách đến vãn cảnh chùa thì các hộ kinh doanh ở đây mới kéo ra chào mời đổi tiền và mua lễ vào chùa. Ông Đinh Hữu Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Lễ, Trưởng ban Quản lý di tích đền Đồng Bằng cho biết: Dịch vụ đổi tiền ngay cửa đền đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự của đền. Chính vì vậy, ngay sau khi nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thái Bình, Ban Quản lý di tích đã tích cực tuyên truyền cho các hộ kinh doanh ở đền biết về chủ trương cấm đổi tiền lấy lãi. Bên cạnh đó, Ban Quản lý di tích còn ký cam kết với các bà đồng về hầu đồng không tung tiền khi thăng đồng nhằm hạn chế lượng tiền lẻ xuất hiện tại đền.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thái Bình đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động đổi tiền lẻ lấy lãi tại các khu vực lễ hội, đền, chùa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong ba ngày từ 12/3 đến ngày 14/3, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại Chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư), đền Đồng Bằng (xã An Lễ, Quỳnh Phụ), Đền Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà) và đền Tiên La (xã Đoan Hùng, Hưng Hà). Qua kiểm tra, Đoàn đã quán triệt chủ trương cấm đổi tiền lấy lãi tại các khu vực lễ hội, đền, chùa, đồng thời tổ chức ký cam kết không đổi tiền lấy lãi với đại diện các hộ kinh doanh ở đền, chùa.

Tuy nhiên, do quan điểm của ngành Ngân hàng là mới chỉ chấn chỉnh chứ chưa xử lý nên dịch vụ đổi tiền tại các đền, chùa, lễ hội vẫn ngang nhiên hoạt động. Trở lại Chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư), chúng tôi nhận thấy, mặc dù đã có Đoàn kiểm tra liên ngành về làm việc nhưng dịch vụ đổi tiền lấy lãi ở đây vẫn còn xuất hiện. Chị N.T.H (một người đổi tiền ở chùa) cho biết: “Chúng tôi đã được Ban Quản lý di tích tuyên truyền về chủ trương cấm đổi tiền lấy lãi nhưng cấm sao được khi vẫn còn khách có nhu cầu chứ”.

Có thể nói, đồng tiền mệnh giá nhỏ được đặt một cách tùy tiện, rải khắp các khu vực trong các đền, chùa, khu vực lễ hội tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội và làm xấu đi hình ảnh của đồng tiền Việt Nam. Vì vậy, việc ngăn chặn dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có các di tích, cần xử lý nghiêm và triệt để các trường hợp vi phạm. Không chỉ có sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà chính mỗi người cũng cần phải thay đổi nhận thức mang tiền lẻ đi lễ, chùa, có như vậy dịch vụ đổi tiền lấy lãi mới dần được dẹp bỏ.

Minh Hương

  • Từ khóa