Thứ 7, 18/01/2025, 10:47[GMT+7]

Để nông dân thực sự gắn bó với đồng ruộng

Thứ 3, 08/04/2014 | 22:58:41
3,514 lượt xem
Với địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, nổi tiếng là “bờ xôi ruộng mật”, Thái Bình hội tụ các yếu tố thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện. Bởi vậy, ngay trong gian khó, vừa sản xuất vừa chiến đấu giữa khói lửa đạn bom khốc liệt, mỗi người dân Thái Bình vẫn rộn vang “Bài ca năm tấn”. Tấc đất tấc vàng, với trên 95.000 ha diện tích đất nông nghiệp, những năm gần đây, giá trị trồng trọt toàn tỉnh luôn đạt trên 10.000 tỷ đồng, không chỉ mở hướng làm gi

Tin bài liên quan:
*Chuyện làm giàu từ ruộng bỏ hoang
*Bài toán trách nhiệm và giải pháp khắc phục

Tấc đất, tấc vàng

Trong tổng số trên 95.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, có trên 81.000 ha gieo cấy lúa và gieo trồng cây màu trên đất hai lúa. Những năm qua, năng suất lúa toàn tỉnh tăng lên không ngừng, từ 12 tấn/ha/năm đến 13 tấn/ha/năm và đến nay đã đạt trên 13,5 tấn/ha/năm.

Để có được kết quả này, có thể nói tỉnh đã có những cơ chế, chính sách đặc biệt quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, cộng với sự nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của các hộ nông dân; bên cạnh đó là sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền về chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Những động thái này được thể hiện khá rõ nét bằng các quyết định của tỉnh như: hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất lớn hơn hoặc bằng 24 CV, công cụ sạ hàng, kho lạnh bảo quản nông sản, máy sấy nông sản, thuốc diệt chuột, khoai tây giống nguyên chủng nhập nội, thuốc trừ cỏ... Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo động lực không nhỏ để các hộ nông dân bám ruộng đầu tư sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Hiện nay, trong toàn tỉnh, cơ bản các địa phương đều không gieo cấy các giống lúa dài ngày, thay vào đó là các giống ngắn ngày cho năng suất cao, chất lượng gạo khá như: BC15, TBR1, TBR36, RVT, ĐS1.

Đặc biệt, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu với 9 mô hình sản xuất lúa và rau màu. Ngay ở vụ xuân năm 2013, các cánh đồng sản xuất lúa đã cho giá trị trên 41 triệu đồng/ha/vụ; cánh đồng sản xuất rau màu giá trị đạt từ 93 triệu đồng đến trên 211 triệu đồng/ha/vụ canh tác.

Cùng với sản xuất lúa, diện tích cây màu hè, vụ đông cũng tăng lên không ngừng. Trước năm 2007, cây màu hè toàn tỉnh mới đạt dưới 1.000 ha, đến nay, vụ hè 2013 đã đạt 15.663 ha, tăng gần 32% so với vụ hè 2012. Cây màu hè chủ yếu là dưa các loại, đậu đỗ, đậu tương, giá trị thu hoạch đạt từ 80 - 100 triệu đồng/ha, thời gian chiếm đất chỉ 60 - 65 ngày.

Đối với cây vụ đông, những năm gần đây diện tích gieo trồng đã đạt gần 40.000 ha, trở thành vụ chính thứ 3 của nhiều địa phương. Năm 2013, mặc dù bị thiệt hại nặng nề do bão số 8, nhưng diện tích vẫn đạt gần 30.000 ha. Kết quả trên cho thấy, diện tích gieo trồng, hệ số quay vòng, giá trị sử dụng đất ngày càng tăng cao đã khẳng định ý nghĩa thực tế của “tấc đất, tấc vàng”.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến thời điểm tháng 8/2013, toàn tỉnh có 156,206 ha diện tích ruộng nông dân bỏ không cấy tại 57 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố. Mặc dù chuyện nông dân bỏ ruộng chỉ là hiện tượng với tỷ lệ diện tích không đáng kể, song điều quan trọng là nguyên nhân xuất phát từ đâu để có cái nhìn đúng đắn.

Nông dân bỏ ruộng, vì đâu?

Nhiều năm nay, Quỳnh Phụ luôn nổi tiếng là địa phương thâm canh tốt, năng suất cao, nằm ở tốp đầu của tỉnh. Vậy mà tại một số xã, thị trấn vẫn có tình trạng ruộng bị bỏ hoang. Hiện, toàn huyện có 27,7 ha ruộng bỏ hoang, với 419 hộ ở 47 thôn. Nguyên nhân vì đâu? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã về một số địa phương có diện tích ruộng bỏ hoang để tìm hiểu.

Tình trạng nông dân bỏ ruộng tại xã An Vinh diễn ra từ năm 2010, với khoảng 1,5 ha khu vực xung quanh nghĩa trang, chuột phá hoại nhiều. Tuy nhiên, sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT) diện tích bỏ hoang đã tăng lên 3,48 ha; tập trung chủ yếu ở thôn Gia Hòa 1 và Gia Hòa 2.

Theo ông Nguyễn Bá Đài, Chủ tịch UBND xã: Trước những năm 2010 khoảng hơn 1,5 ha diện tích đồng cao, giáp khu vực nghĩa trang, người dân đã đầu tư nhân lực, vật lực đào đất, san bằng mặt ruộng để canh tác. Khối lượng đất đào lên đều được bà con nông dân chất thành từng ụ lớn vây quanh nghĩa trang, tạo điều kiện cho chuột trú ngụ. Do đó, năng suất sụt giảm, mỗi sào chỉ thu về vài chục kilogam thóc; trong khi chí phí sản xuất ngày càng tăng. Một số hộ bắt đầu bỏ ruộng.

Năm 2012, xã thực hiện chủ trương DĐĐT, nông dân tại các thôn không nhận những diện tích trước đây khó cấy, xa hệ thống tưới tiêu, vùng cao giáp nghĩa trang, thường xuyên bị chuột tàn phá. Do đó, những diện tích này được đưa vào đất 5% công ích của xã. Toàn xã có trên 84 mẫu đất 5%, hầu hết đều được bà con xã viên nhận thầu gieo cấy, với giá sản từ 50 - 80 kg thóc/sào/năm. Nhưng gần 10 mẫu, chủ yếu ở khu vực đồng Sáp, dù xã đã giảm mức thầu xuống 40 kg thóc/sào/năm nhưng vẫn không có ai đứng ra nhận thầu. Vì vậy, Đảng ủy đã thống nhất chủ trương và sẽ đưa ra Hội đồng nhân dân xã để tiếp tục giảm mức sản đối với đất 5%. 

Bà Nguyễn Thị Tròn, thôn Gia Hòa 1 cho biết: Nông dân ai cũng muốn cấy, không ai muốn bỏ hoang hóa ruộng, già như tôi còn tham nữa là những người trẻ, nhưng nếu tính toán mà không có lãi thì không ai cấy cả. Gia đình tôi, từ năm 2007 đến năm 2010 đã nhận thầu đất 5% của xã khu đồng Sáp khó cấy, xa hệ thống tưới tiêu với diện tích gần 3 mẫu để trồng ớt, ngô, đỗ. Những vụ đầu, ngô, ớt đều sai quả, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình. Nhưng từ cuối năm 2010, chuột tàn phá quá lớn. Chỉ trong 3 ngày Tết, hơn 6 sào ớt đã bị mất trắng do chuột cắn phá. Đêm nào, tôi và con trai cũng thức trắng để bắt chuột, đuổi chuột. Vào vụ thu hoạch, mỗi đêm bắt được trên 10 kg chuột nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Dù rất chịu khó, cần mẫn nhưng thành quả làm ra đều bị chuột tàn phá nên năm 2011 gia đình tôi đành phải trả lại ruộng cho xã.

Cũng chung tình cảnh đó, cô Dương Thị Thìn, Phó trưởng thôn Gia Hòa 1 buồn rầu: Mấy năm nay, chuột phá hoại nhiều quá. Làm nông nghiệp, không ai là không chăm chỉ cả. Ruộng của gia đình cô gần khu vực nghĩa trang nên chuột càng tàn phá mạnh. Từ khi lúa ở giai đoạn làm đòng, hầu như ngày nào cô cũng có mặt ngoài ruộng để đánh chuột, nhiều hôm trăng lên mới về nhà và dù đã vây ni lông, đánh 8 cạm bẫy, đổ 7 lít dầu thải xung quanh 2 sào ruộng nhưng chuột vẫn phá hoại. Nông dân như các cô lao tâm khổ tứ diệt trừ chuột nhưng rốt cuộc, nhiều cánh đồng không còn gì để thu hoạch. Tổng chi phí 2 sào ruộng gần 2 triệu đồng nhưng gia đình cô chỉ thu về chưa đầy một tạ thóc.

Trong những năm qua, Hưng Hà là một trong những huyện luôn đứng đầu tỉnh về năng suất, diện tích gieo trồng cây màu hè, vụ đông. Riêng đối với diện tích đất hai lúa, toàn huyện thường xuyên gieo cấy trên 11.000 ha/vụ. Mặc dù là huyện có truyền thống, kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay vẫn còn hơn 7 ha đất hai lúa bị bỏ hoang.

Ông Vũ Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 7,088 ha đất hai lúa bỏ hoang không sản xuất, như Thái Phương 3,45 ha, Thống Nhất gần 2,2 ha… Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng là do ô nhiễm môi trường, úng trũng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thôn Phương La 2 xã Thái Phương có 3,45 ha ruộng bị bỏ hoang của 56 hộ, nguyên nhân do toàn bộ diện tích này bị nước thải từ các hộ, doanh nghiệp tẩy nhuộm thải ra làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Bá Cao, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước năm 2011, toàn bộ diện tích đất hai lúa của thôn Phương La 2 vẫn được các hộ dân gieo cấy bình thường, lúa tốt, năng suất đạt khá cao. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở lại đây tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Thái Phương rất nghiêm trọng, nhất là ở thôn Phương La 2. Mặc dù các hộ dân vẫn cố gắng gieo cấy song hầu như không có thu hoạch; từ khi cấy đến giai đoạn ôm đòng lúa phát triển rất tốt, nhưng rất khó trỗ bông, người dân thường nói “lúa mắc bệnh trẻ mãi không già”. Theo quan sát của chúng tôi, cánh đồng thôn Phương La 2 cả một vùng rộng lớn toàn là cỏ, bèo phủ kín um tùm, nước đen sì, bốc mùi hôi thối.

Ông Trần Văn Toán, Trưởng thôn Phương La 2 cho biết: Cánh đồng ở đây quanh năm ngập nước đen sì, trước hết là do nước thải chưa qua xử lý ở các hộ, doanh nghiệp hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm thải ra; nguyên nhân nữa là do khu ruộng này nằm cạnh cụm công nghiệp làng nghề Phương La và khu mả cả và quần thể Đền Nhà ông nên chuột phá rất nhiều; đồng thời hệ thống thuỷ lợi ở đây rất kém, không được đầu tư, nâng cấp nên tiêu nước rất khó khăn.

Ông Trần Văn Toán, Trưởng thôn Phương La 2, xã Thái Phương ngao ngán nhìn ruộng bỏ hoang để cỏ bèo mọc xanh tốt.

Ông Đinh Xuân Kiểm 79 tuổi, ở thôn Phương La 2 cho biết: Hai vợ chồng tôi có 2,5 sào ruộng, nhưng đã bỏ không cấy từ năm 2007 đến nay, do nguồn nước ở đây ô nhiễm rất trầm trọng nên có cấy cũng không được thu hoạch; từ khi nguồn nước ở ruộng bị ô nhiễm tôi đã thử cấy 6 vụ liên tiếp đều không có kết quả nên đành bỏ ruộng.

Khác với Thái Phương, xã Thống Nhất là một trong những điển hình về năng suất lúa và gieo trồng cây vụ đông của huyện, nhưng nơi đây cũng có gần 2,2 ha ruộng bỏ hoang. Ông Phạm Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Diện tích đất hai lúa của toàn xã là trên 388 ha, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha/năm; sản xuất vụ  đông hàng năm chiếm gần 70% diện tích đất hai lúa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã có nhiều hộ dân trả ruộng, bỏ hoang không cấy với tổng diện tích là 2,168 ha; 100% diện tích này là đất công ích 5% của UBND xã, thuộc cánh đồng Chung, đồng Nàn của thôn Đa Phú 1, Lương Trang và An Mai.

Chúng tôi có mặt tại các cánh đồng có diện tích ruộng bỏ không cấy, một số thửa cỏ đã mọc quá đầu người, còn lại bèo dày đặc mặt ruộng; một số diện tích liền kề có cấy lúa nhưng bông bạc trắng ruộng. Chị Phạm Thị Quyên, thôn Đa Phú 1 cho biết: Cánh đồng ở khu vực này ngập úng cả hai vụ, trước đây nhiều hộ đã nhận khoán để cấy nhưng năng suất chỉ đạt 20 - 30 kg/sào/vụ; vụ mùa năm 2013, rất nhiều hộ cấy cạnh khu ruộng bỏ hoang đều bị mất trắng 100% diện tích.

Ông Bùi Văn Lịch, thôn Đa Phú 1 cho biết: Nhà tôi có 7 sào thì 3 sào mất trắng; mặc dù đã phun 7 lần thuốc trừ sâu bệnh, nhưng lúa vẫn bạc trắng không cho thu hoạch. Theo những hộ dân ở Thống Nhất, mặc dù cánh đồng chua trũng nhưng việc đầu tư nâng cấp hệ thống thuỷ lợi không được quan tâm, ngay cả khi có mưa lớn thì chính quyền cũng không quan tâm đến việc điều hành tiêu nước dẫn đến lúa ở diện tích bị ngập luôn sinh trưởng, phát triển chậm hơn so với diện tích cấy vùng cao cùng trà.

Thực tế hiện nay, các địa phương trong tỉnh nói chung, Kiến Xương nói riêng tình trạng lao động trẻ khoẻ đi làm ăn xa đang diễn ra khá phổ biến, ở lại làng xóm chỉ còn người già và trẻ em. Chính vì vậy, hệ lụy của việc thiếu lao động trẻ khoẻ đang tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất ở các địa phương, nhất là sản xuất nông nghiệp lúc thời vụ. Xuất phát từ vấn đề này, những năm gần đây, tỉnh, huyện đã có nhiều giải pháp để khắc phục, như đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất ở tất cả các khâu, động viên, khuyến kích, hỗ trợ nông dân gieo thẳng lúa… Do đó, sản xuất nông nghiệp ở Kiến Xương vẫn phát triển khá mạnh cả về năng suất, chất lượng và tăng hệ số vòng quay của đất. Song, bên cạnh đó Kiến Xương vẫn còn khá nhiều diện tích đất hai lúa bị bỏ hoang để cỏ, bèo mọc tốt um tùm, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh, chuột trú ẩn phá hoại những diện tích cấy liền kề.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Hiện nay, Kiến Xương có 64 ha đất bỏ hoang không sản xuất, trong đó 30 ha thuộc diện tích đất chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung, đất quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, 30 ha đất 2 vụ lúa. Theo bà Mai, việc nông dân bỏ ruộng không gieo cấy là do ruộng gần các khu nghĩa trang, xa khu dân cư, chua trũng…

Để tìm hiểu nguyên nhân nông dân bỏ ruộng không cấy, chúng tôi đã đến một số xã có diện tích bỏ hoang lớn nhất huyện như Vũ Lễ, Vũ Quý, Lê Lợi… Có mặt tại cánh đồng trũng thôn Chi Lễ, xã Vũ Lễ, cảm nhận đầu tiên đó là đường nội đồng mới được đào đắp khá rộng, cỏ ở lòng đường mới được cắt để thuận tiện cho việc đi lại thu hoạch lúa mùa, nhưng hai bên đường cỏ vẫn cao đến đầu gối người lớn. Dọc hai bên đường nội đồng ra vùng úng trũng, thỉnh thoảng mới bắt gặp cả thửa ruộng không có bông lúa bạc, còn lại lúa đều có bông bạc, thửa nhiều bông bạc nhìn trắng cả ruộng. Sau một đoạn đường dài, những thửa ruộng bị bỏ hoang đã dần lộ ra một khoảng màu xanh, đen lẫn lộn của các loại cỏ, bèo che kín cả một vùng rộng lớn.

Ông Vũ Ngọc Tứ tâm sự: Trước đây, vùng cánh đồng trũng này tiêu nước rất khó khăn, do đó năng suất lúa rất thấp; đường nội đồng này mới đào đắp từ năm 2012, từ khi có đường thì việc tưới, tiêu nước ở đây thuận lợi hơn nhiều, hạn chế được ngập úng, tuy nhiên lại phát sinh sâu bệnh và chuột khá nhiều, do hai bên đường không được xây tường bao nên chuột đào hang trú ẩn, đồng thời đường to cỏ mọc nhiều và tốt làm nơi trung chuyển sâu bệnh. Hộ nhà ông Tứ hiện cấy 4 sào ở vùng cánh đồng trũng, nhưng vụ mùa năm nay cũng chỉ thu được khoảng 1,3 tạ/sào, nguyên nhân do thời điểm phòng trừ sâu bệnh vào đúng đợt mưa nhiều nên hiệu quả không cao, đồng thời đất chua, trũng nên tỷ lệ lép khá cao. Ông Tứ cho biết thêm, mặc dù cánh đồng ở đây cấy lúa cho năng suất không cao, nhưng gia đình ông chưa bao giờ bỏ ruộng, đơn giản một điều dù có làm nghề gì đi nữa nhưng không bảo đảm được lương thực thì không thể yên tâm; lúc có việc thì còn có thu nhập, lúc không có việc nếu không có ruộng thì lấy đâu mà sinh sống.

Hay như hộ bà Nguyễn Như Tích, hai ông bà năm nay đã 70 tuổi, ngoài 2 sào ruộng cơ bản được giao, bà còn cấy thêm 3 sào trên diện tích đất 5% công ích của xã, thôn, với mong muốn có thêm thu nhập. Bà Tích cho biết: Diện tích đất 5% công ích của xã, thôn ở vùng này rộng 2,8 mẫu đã bỏ hoang nhiều năm qua, nhìn thấy mà xót xa, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn cố thuê, mượn người để cấy 3 sào, vụ nào tốt thì năng suất được trên 1 tạ/sào, như vụ mùa năm nay không chắc đã được 10kg/sào. Theo bà Tích, để các hộ nông dân nhận cấy trên diện tích đất bỏ hoang, trước hết xã phải cải tạo lại ruộng, đồng thời đào đắp mương máng để chống úng và giảm khoán sản, như vậy nông dân cấy mới có lãi; nếu xã làm được điều này, gia đình bà sẽ nhận thêm ruộng để cấy.

Ông Hoàng Huy Tấp, Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ cho biết: Theo báo cáo thì toàn xã có 3,99 ha đất hai lúa bị bỏ hoang, trong đó 2,84 ha là diện tích đất 5% công ích của xã, 1,15 ha là diện tích đất cơ bản giao cho các hộ dân. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích bỏ hoang chỉ trên 1 ha, nguyên nhân do các hộ dân không nhận khoán đất 5%, nhưng đến mùa vụ nông dân vẫn ra gieo cấy. Như vậy, qua thực trạng việc nông dân bỏ ruộng ở Vũ Lễ cho thấy, nông dân vẫn thiết tha gieo cấy, nhưng chưa ai chung vai tháo gỡ cùng họ, nếu khoán sản thấp đi, hoặc không thu, đồng thời cải tạo đồng ruộng, tiêu nước tốt hơn chắc chắn sẽ không có diện tích nào bị bỏ hoang. Hay đối với xã Vũ Quý, nhiều vùng đã bỏ hoang nhiều năm nay, song không có sự đầu tư về thuỷ lợi nên “tấc vàng” vẫn để cỏ, bèo mọc thay thế lúa.

Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vũ Quý cho biết: Toàn xã có 6,5 ha bị bỏ hoang, trong đó đất 5% công ích chỉ chiếm hơn 1 ha, còn lại là đất cơ bản. Nguyên nhân ruộng để hoang do từ khi cụm công nghiệp của xã được quy hoạch, xây dựng nên đã chia cắt hệ thống tiêu của hơn 3,2 ha diện tích đất hai lúa nằm liền kề; đồng thời chuột trú ẩn tại cụm công nghiệp rất nhiều thường xuyên phá hoại nên cấy lúa không có hiệu quả. Ngoài ra, 3,3 ha ruộng nông dân không cấy nằm rải rác ở khắp xứ đồng, do chua trũng, nhiều năm không được cải tạo và hệ thống thuỷ lợi không đáp ứng được việc tiêu nước nên nông dân cũng đành phải bỏ ruộng.

Nhóm phóng viên

 

  • Từ khóa